1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 301:

Những ngày cuối cùng của "cô giáo trẻ em đường phố"

(Dân trí) - Chị nằm bất động trên giường bệnh, thoi thóp với ống thở nối từ cổ sau ca mổ khối u não. Biến chứng tiếp tục hành hạ chị do vết mổ bị nhiễm trùng. Mỗi khi có người cầm tay, chị cố cử động những ngón tay như muốn nói điều gì.

Nữ bệnh nhân đó là chị Phạm Thị Trâm, SN 1978, quê ở Long Thành, Long An – người giáo viên dành hết tuổi trẻ cho trẻ em nghèo, đường phố - đang điều trị tại bệnh viện ĐH Y dược TPHCM với nhiều căn bệnh quái ác.

Trong những cơn mê sảng, sốt cao, khi ngón tay của chị gái cựa quậy, người em trai Phạm Văn Thắng lại nắm thật chặt tay chị. Chỉ cách đây vài ngày thôi - sau ca mổ, chị bị liệt dây thần kinh cuống họng, phải nối ống thở qua cổ - chị còn đưa tay đòi gỡ ống thở vì sợ thêm gánh nặng cho gia đình, người thân buộc phải trói tay chị lại.

Những ngày cuối cùng của "cô giáo trẻ em đường phố" - 1

Chị Trâm nằm bất động ở giường bệnh, phải thở qua ống thở nối từ cổ.

Kể về người chị kém may mắn, anh Thắng nghẹn ngào cho hay, từ ngày trẻ, chị Trâm đã theo đuổi công việc đi dạy tình nguyện ở các lớp học tình thương.

Anh bần thần: “Không lập gia đình, chị sống và làm việc một mình ở TPHCM, năng động và yêu đời lắm. Vậy mà cách đây gần 2 năm, chị bất ngờ trở về nhà khi không thể tự đi lại, chăm sóc cho mình, sức khỏe đã rất yếu… Lúc này gia đình mới biết chị bị ung thư dạ dày đã 4 năm, nay đã sang giai đoạn cuối. Bao nhiêu năm chị giấu kín, chỉ nói mình bị viêm dạ dày nhẹ”.

Quá xót xa cho cô con gái, khi biết chị mắc bệnh như vậy người mẹ già đã ốm yếu cũng đổ bệnh theo.

Nghĩ đến quãng thời gian mình chị Trâm chống chọi với bệnh tật, anh em trong gia đình muốn bù đắp cho chị thật nhiều. Họ hùn tiền để tiếp tục chữa bệnh cho chị trong hai năm qua. Bản thân anh Thắng làm tài xế, cũng đã gác lại việc cưới vợ, dành hết tiền làm được để chạy thuốc, hóa chất cho chị.

Nhưng đớn đau chưa dừng ở đó. Chị Phạm Thị Chiến, chị gái chị Trâm sụt sùi: “Dù là người có sức chịu đựng phi thường, không bao giờ kêu ca nhưng gần đây em tôi thường la hét vì những cơn đau ở đầu hành hạ. Gia đình vội đưa đi khám mới phát hiện trong đầu nó có khối u”.

Vào viện từ cuối tháng sáu, tiền nằm viện điều trị khối u cho chị Trâm mỗi ngày xấp xỉ 3 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí chữa bệnh ung thư dạ dày. Sau ca mổ, tiếp tục gặp các biến chứng, phải dùng thuốc đặc trị… người thân của chị bàng hoàng khi bác sĩ thông báo chi phí mỗi ngày sẽ cả chục triệu đồng.

“Trâm rất nghị lực để giành sự sống, nhưng lúc này nó đòi chết vì sợ sẽ thành gánh nặng cho anh chị em. Giờ tình hình em nó căng như vậy, thật sự gia đình chưa biết tính sao vì đã xoay mọi cách. Nhưng quyết sẽ không bao giờ buông tay em gái mình ra đâu. Chẳng lẽ vì tiền để em mình phải chết?”. Chị Chiến bật khóc. Bấy lâu nay, người phụ nữ có con nhỏ mới 22 tháng tuổi này cũng phải cố thu xếp giành thời gian chăm em.

Tình cảm dành cho người em, người chị của chị Chiến, anh Thắng làm những người xung quanh không khỏi xúc động. Hàng năm trời chăm sóc người mình yêu thương, họ không một tiếng than khổ hay chán nản… Thế nhưng, đến lúc này họ cũng không giấu được nỗi lo liệu có thể “cầm cự” được bao ngày cho chị Trâm ở viện.

Lên lớp đến cùng

Nghe tin về bệnh tình của cô Trâm, cô Hoàng Anh, chủ nghiệm trường Tình thương (thuộc hệ Phổ cập trường Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM) – nơi cô Trâm từng công tác - đã bật khóc. Cô Oanh cho hay, cô Trâm dạy rất giỏi, một giáo viên quá nhiệt huyết với học trò và cũng là một con người rất nghị lực.

Những ngày cuối cùng của "cô giáo trẻ em đường phố" - 2

Cô giáo đã dành cả tuổi trẻ đi dạy học tại các lớp tình thương cho trẻ em nghèo đang đối mặt với cái chết.

“Khi mắc bệnh ung thư, cô vẫn âm thầm lên lớp không nói cho ai hay. Nhiều lần cô ngất ở lớp, giáo viên ở trường mới biết cô mắc bệnh. Cô tự lo hết cho mình, khỏe được phút nào là lên lớp phút đó. Sau này khi yếu quá rồi, cô mới xin nghỉ dạy về quê”, cô Oanh nói.

Cô Oanh cung cấp thêm, dạy ở lớp tình thương, đồng lương chỉ là tượng trưng vì các cô đều tình nguyện. “Cô Trâm không có chế độ bảo hiểm gì hết, giáo viên trong trường cũng chỉ có thể hỏi thăm vì ai dạy tại đây cũng rất hoàn cảnh”.

Tha thiết như đang nói về chính người ruột thịt của mình, cô Oanh mong mỏi sẽ có nhiều tấm lòng giúp đỡ để cứu mạng sống cho cô Trâm vì một nhẽ: “Một cô giáo cống hiến cả tuổi trẻ, nghị lực lại phải ra đi như vậy chúng tôi thấy xót xa lắm ?!” 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Anh Phạm Văn Thắng (em trai chị Trâm): ấp Long Phú, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

 

ĐT: 0906.201.078

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Hoài Nam