“Nhờ sự chia sẻ của mọi người, các con tui mới được tiếp tục đi học”
(Dân trí) - Gặp lại cựu chiến binh Lê Văn Thương, ông vui mừng chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của gia đình mình, cũng như tình trạng bệnh tật của vợ và các con. Trong tâm trạng phấn khởi, ông nói rằng: “Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của mọi người nên các con tui mới có điều kiện để tiếp tục đi học…”
Những lời chia sẻ của người cựu chiến binh đầy khốn khổ ấy cũng đã phần nào giải tỏa được những nỗi niềm trong chúng tôi. Khác với trạng thái cách đây gần một năm, lúc vợ chồng ông đang rơi vào túng quẫn do bệnh tật hành hạ. Thời điểm ấy, mỗi lần gặp và nghe ông kể chuyện, tâm trạng ông luôn chất chứa những nỗi buồn. Chúng tôi cũng hiểu những cảm xúc đó của ông đã bị đè nén bấy lâu nhưng không có cơ hội để giãi bày với ai. Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ và các con đau ốm khiến tâm trạng ông rối bời, ông phải kìm nén những nỗi đau ấy một thời gian khá dài để cố tỏ ra vui tươi, đồng thời làm chỗ dựa tinh thần cho vợ và các con.
Bệnh tật hành hạ, khó khăn chồng chất…
Qua mấy năm công tác, phục vụ tại đảo Trường Sa lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, ông Lê Văn Thương được đơn vị cho xuất ngũ. Sau khi trở về địa phương sinh sống, ông kết hôn với bà Đoàn Thị Thúy Hà là người cùng quê, rồi định cư tại tiểu khu 6, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Với khí chất của người lính vốn đã từng trải qua biết bao gian khổ nên ông chẳng quản ngại khó khăn để cùng vợ xây dựng tổ ấm gia đình.
Sinh được 2 người con, ông càng tự nhủ mình phải lao động nhiều hơn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi dưỡng các con khôn lớn. Thế nhưng, khi ông chưa cảm nhận được niền vui hạnh phúc thì bất hạnh đã ập đến. Vợ và các con của ông lần lượt lâm bệnh, đi khám và điều trị hết nơi này sang nơi khác đến khánh kiệt tài sản. Theo chẩn đoán của bác sĩ, vợ và các con ông bị mắc một căn bệnh được cho là ít gặp, bệnh ký sinh trùng đường máu.
Trước đó, do bị bệnh tật hành hạ, gia cảnh khó khăn khiến tinh thần vợ chồng ông Thương suy sụp
Sau hơn 15 năm, do bệnh tình quá nặng khiến vợ ông tiều tụy, các con cũng vì bệnh tật nên việc học hành cũng không ít lần bị gián đoạn, thậm chí đứng trước nguy cơ nghỉ học giữa chừng. Nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình đang rơi vào bế tắc, ông Thương cũng nhiều lần mất ăn, mất ngủ bởi ông lo cho sức khỏe của vợ, một phần day dứt về tương lai của các con, nhưng chính bản thân ông lúc đó cũng không biết làm gì hơn.
Tiếp nhận đơn cầu cứu của gia đình ông Thương, PV Dân trí đã đến tìm hiểu thông tin. Sau đó, bài viết “Nghẹn lòng trước cuộc sống “không lối thoát” của người cựu binh Trường Sa” được đăng tải trên mục Tấm lòng nhân ái của Báo điện tử Dân trí (ngày 9/2/2015) đã lay động hàng ngàn tấm lòng hảo tâm. Đặc biệt là các cựu chiến binh từng có thời gian chiến đấu và công tác trong các lực lượng vũ trang. Rất nhiều bạn đọc từ trong và ngoài nước đã đồng cảm với hoàn cảnh của ông và gửi tiền hỗ trợ giúp gia đình ông Thương vượt qua phần nào khó khăn trong cuộc sống và có điều kiện chữa trị bệnh tật.
PV Dân trí cùng đại diện chính quyền địa phương trao quà của bạn đọc giúp đỡ cho vợ chồng ông Thương
Từ số tiền bạn đọc đã giúp đỡ, ông Thương dành một phần để đưa vợ và các con đi khám bệnh và mua thuốc thang, cũng như trang trải kinh phí điều trị. Mặt khác, ông cũng dành phần còn lại gửi tiết kiệm để lo cho 2 đứa con học tập. Ông Thương xúc động: “Thời điểm ấy, nếu không có sự chung tay, giúp đỡ của mọi người thì chắc vợ con tui không có điều kiện đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe và điều trị, các con của tui có lẽ cũng đã phải gác lại việc học. Gia đình tui cảm ơn Báo Dân trí và các nhà hảo tâm nhiều lắm”.
Tìm lại niềm tin trong cuộc sống
Trở lại thăm gia đình cựu chiến binh Trường Sa lần này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui tươi qua nụ cười của vợ chồng ông. Ông Thương bảo rằng, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người chắc gia đình ông vẫn đang quay cuồng trong cảnh bế tắc, trong sự bất lực vì bệnh tật dày vò. Nhưng trong lúc khó khăn nhất, ông được mọi người chung tay giúp đỡ, các con ông từ đó mà có điều kiện để tiếp tục theo đuổi giấc mơ học tập.
“Cuộc sống lúc ấy đối với gia đình tui như một phép màu vậy chú à. Chỉ qua bài viết mà mọi người đã động lòng cảm thương đến hoàn cảnh của vợ chồng tui. Điều đó thật đáng quý biết bao, sự san sẻ của mọi người đã tiếp thêm cho tui động lực để có thể đối diện với những thử thách, khó khăn ở phía trước” – ông Thương hồ hởi.
Tinh thần của hai vợ chồng được khá hơn và ông Thương có thêm niềm tin trong cuộc sống
Ngồi bên cạnh chồng, khuôn mặt của bà Hà cũng ánh lên nét vui tươi, cho dù bệnh tật vẫn ngày ngày hành hạ sức khỏe của bà. Bà Hà cho biết: “Sau khi được mọi người giúp đỡ, tui cùng các con ra Hà Nội khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ cho biết do mắc bệnh trong thời gian khá dài nên cần có quá trình theo dõi. Các bác sĩ khuyên tui về nhà bồi bổ sức khỏe để tăng sức đề kháng cho cơ thể rồi mới có thể đưa ra phương pháp điều trị tốt hơn sau này”.
Nói về các con mình, ông Thương kể: người con trai lớn là Lê Hoài Nam (SN 1990) đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ Vật liệu xây dựng. Sau khi rời ghế nhà trường, Nam đã xin việc ở một công ty tại Đà Nẵng, cho dù thu nhập chưa được là bao nhưng em cũng có thể tự lo được cho bản thân, khiến ông Thương, bà Hà cũng yên tâm hơn phần nào.
Còn người con gái út là Lê Hoài Nhi, đang tiếp tục học năm thứ hai ngành Kiến trúc, thuộc ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. “Bây giờ tinh thần các cháu cũng khá hơn rồi. Cháu Nam cứ hay điện về động viên hai vợ chồng tui cố gắng lao động ít hơn và chú ý đến sức khỏe của mình. Cháu nói rằng, mai mốt đi làm có tiền rồi con sẽ phụ với cha mẹ để nuôi em đi học. Còn cháu Nhi cũng rất chăm chỉ, vừa rồi cháu cũng được nhận học bổng vì có thành tích tốt trong học tập. Vợ chồng tui cũng an tâm vì các con rất chăm ngoan và ý thức được những việc mình làm. Chúng cũng thương vợ chồng tui lắm” – bà Hà chia sẻ.
Gia đình ông Thương nuôi thêm con bò để có thể trang trải cho cuộc sống sau này
Xuất thân từ nghề nông nên vợ chồng ông không cam chịu cảnh sống nghèo đói. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, vợ chồng ông Thương chăm thêm mảnh ruộng, nuôi thêm gia súc, gia cầm để khi cần có thể bán lấy tiền chu cấp cho cháu Nhi. Đồng thời, đó cũng là “cứu cánh” phòng khi đau ốm mà có kinh phí điều trị.
Cho dù, cuộc sống của gia đình ông Thương vẫn còn đó nhiều khó khăn, bệnh tật của vợ và con ông cũng chưa được điều trị dứt điểm, nhưng điều mà chúng tôi nhìn thấy và cảm nhận ở hai vợ chồng là tinh thần đã trở nên phấn chấn hơn trước. Bản thân ông cũng như vợ mình đã có thêm niềm tin, nghị lực để vươn lên và đối diện với những trở ngại trong cuộc sống.
Đăng Đức