ĐBSCL:

Nhiều kẻ xấu vẫn dùng nhiều thủ đoạn lừa tiền hoàn cảnh nhân ái

(Dân trí) - Trước khi lên bệnh viện Chợ Rẫy làm phẫu thuật, cô sinh viên Nguyễn Thị Bích Ngọc – nhân vật trong bài viết: “Em sợ đến một ngày không nhìn thấy gì nữa” gọi điện báo tin vừa bị kẻ lừa đảo gạt mất 850.000 đồng.

Sau ca phẫu thuật thay chỏm xương đùi phải, Bích Ngọc gọi điện báo tin kết quả phẫu thuật thành công, tuy nhiên các bác sĩ phát hiện máu Bích Ngọc có vấn đề nên tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết nên chưa thể xuất viện.

Kể lại câu chuyện bị lừa mất 850.000 đồng cách nay hơn 1 tuần lễ, Bích Ngọc cho biết, sau khi được Dân trí thông tin về biến chứng của căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến 2 chỏm xương đùi, Bích Ngọc đứng trước nguy cơ bị liệt hai chân qua bài viết:  “Thoát khỏi cảnh mù loà, em Bích Ngọc lại có nguy cơ liệt 2 chân”, một người tên Hùng gọi điện thoại đến và xưng là nhân viên Hội chữ thập đỏ TP. Cần Thơ báo tin cho Ngọc biết, hắn vận động từ các chương trình nhân ái của đài truyền hình Vĩnh Long có gửi giúp em số tiền hơn 21 triệu đồng.
Giả danh cán bộ Hội chữ thập đỏ,… lừa tiền hoàn cảnh nhân ái

Chi phí ca phẫu thuật trên 70 triệu đồng, hiện Bích Ngọc chỉ trong chờ vào khoảng trừ của bảo hiểm sau đó thiếu đủ bao nhiêu mới tìm cách vay tiền đóng cho bệnh viện

Thay vì “cán bộ” này đến trao số tiền đó cho Ngọc thì “cán bộ” Hội chữ thập đỏ dỏm này đặt vấn đề: “Do Hội mới nhận đơn kêu cứu của hai hoàn cảnh khó khăn” khác nên vận động Bích Ngọc gửi lại số tiền 850.000 để chia sẻ cho hai hoàn cảnh này.

Cảm cảnh khổ với nhau, Bích Ngọc đồng ý ngay và xin gặp “cán bộ” để nhận tiền và chia sẻ cho hai hoàn cảnh như “cán bộ” gợi ý. Tuy nhiên kẻ lừa đảo lấy lí do bận họp nên bảo Bích Ngọc đến ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản 711A927… do Chu Quý Tùng đứng tên, sau đó “cán bộ” sẽ gọi lại để cho Ngọc nhận tiền hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau khi Bích Ngọc nhờ người nhà đi chuyển tiền và liên hệ lại với “cán bộ” Hùng thì số điện thoại không liên hệ được… Đến 1, 2 ngày sau, Bích Ngọc liên hệ với “cán bộ” Hùng, số thuê bao vẫn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng. Lúc này, Bích Ngọc mới biết, mình đã bị lừa.

Bích Ngọc chia sẻ: “Từ năm học 11 đến nay, em chưa 1 ngày ngưng uống thuốc. Căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống gây biến chứng đến 2 mắt phải làm phẫu thuật, tốn nhiều tiền,... Niềm vui chưa được bao lâu, căn bệnh này tiếp tục ảnh hưởng đến 2 chỏm xương đùi của em và nhờ bạn đọc Dân trí giúp một ít nên em có điều kiện làm phẫu thuật, tuy nhiên chi phí nằm viện còn thiếu nhiều lắm! Hiện mẹ em phải về quê vay mượn để khi xuất viện có tiền đóng cho bệnh viện. Nhưng việc mẹ em mườn 10 – 20 triệu đồng là điều rất khó vì bà con chung quanh ai cũng nghèo khó!”

Hiện số tài khoản của người nhận tiền, Bích Ngọc vẫn còn giữ nên sau khi nhận được chứng cứ này, PV Dân trí sẽ giao cho cơ quan công an để sớm tìm ra kẻ lừa đảo.

Giả danh cán bộ Hội chữ thập đỏ,… lừa tiền hoàn cảnh nhân ái

Chị Nguyệt cũng như đa số các hoàn cảnh nhân ái khác thường là những người dân ở vùng sâu, học thức ít, thông tin báo chí còn quá xa vời với họ nên rất dễ bị sập bẫy của bọn lửa đào

Sau khi tiếp nhận thông tin cô sinh viên Bích Ngọc bị lừa tiền, PV Dân trí tiếp tục nhận được thông tin từ chị Đoàn Kim Nguyệt – mẹ em Đăng Khánh nhân vật trong bài viết “Con chết thì thôi, mẹ đứng đưa con đi viện nữa vì tốn tiền lắm” ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho hay một thanh niên xưng là cán bộ Hội cựu chiến bình Cần Thơ báo tin gia đình được hỗ trợ số tiền trên 20 triệu đồng.

Do có cảnh báo trước nên sau khi nhận thông tin hỗ trợ của kẻ lừa đảo, chị Nguyệt thông tin cho Dân trí. Theo chị Nguyệt, thông tin “cán hộ” này hỗ trợ tương tự như trường hợp em Bích Ngọc, chỉ khác tên tổ chức. Để có thêm chúng cứ cho cơ quan chức năng, PV Dân trí chỉ dẫn cho chị Nguyệt bằng mọi cách lấy được số tài khoản của cán bộ dỏm này. Tuy nhiên, khi chị Nguyệt đề cập đến việc xin số tài khoản,…cán bộ này biệt tích cho đến nay.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua nhiều hoàn cảnh nhân ái do Dân trí đăng tải như trường hợp thầy giáo trẻ bị u não – Nguyễn Hữu Hiền (ở Cai Lậy, Tiền Giang); trường hợp anh Lý Văn Dũng – trong bài viết “Giấc mơ có 20 triệu đồng của bé 5 tuổi” (ở Cai Lậy, Tiền Giang),… và nhiều hoàn cảnh khác nữa cũng bị kẻ lửa đảo giả danh cán bộ Hội chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh,… dở chiêu bài hỗ trợ rồi lừa tiền các hoàn cảnh này. Tuy nhiên, do PV Dân trí đã cảnh báo trước nên các trường hợp này không bị sụp bẫy của kẻ lừa đảo.

Trước đây, kẻ lừa đảo liên tiếp tấn công vào các hoàn cảnh nhân ái do báo Dân trí ghi nhận qua hình thức giả danh cán bộ các mạng điện thoại di động như mobifone, viettel,… thông báo cho các các hoàn cảnh trúng thưởng, sau đó đề cập vấn đề cước phí để lừa đảo người dân qua hình thức nạp tiền điện thoại,.... Tuy nhiên, sau khi Dân trí phản ánh và cảnh báo người dân (khi PV đến tìm hiểu), bọn lừa đảo “mất chén cơm”, im lặng một thời gian và mới đây quay lại tấn công các hoàn cảnh nhân ái qua hình thức giả danh cán bộ của các tổ chức xã hội để lừa tiền.

Thiết nghĩ, khi tình trạng “sim rác” chưa được cơ quan chức năng “don dẹp” triệt để thì đây là “cần câu” cho bọn lừa đảo vận dụng gạt tiền các hoàn cảnh thương tâm khi số đông họ là những người dân ở vùng sâu, học thức ít, thông tin báo chí còn quá xa vời với họ.

Nguyễn Hành

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm