Người phụ nữ “gồng mình” trong bóng tối
(Dân trí) - Ngày con trai chào đời, chị chỉ nghe tiếng khóc oa oa của đứa trẻ. Một năm sau, tình cảnh gia đình càng thêm túng quẫn. Biết chị bị tai biến, mù mắt, liệt nửa người, người chồng đã quay lưng đi lấy vợ khác và dắt theo đứa con.
Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Hà, 44 tuổi, sống tại Khu tập thể Đường sắt thuộc tổ 7, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. 16 năm nay chị lủi thủi sống một mình trong căn nhà chật hẹp với đôi mắt bị mù loà và những cơn đau hành hạ.
Đã 16 năm nay chị Hà phải lủi thủi một mình trong bóng tối.
Năm 1983, chị Hà từ quê (Mê Linh, Hà Nội) vào TP Đà Nẵng lập nghiệp. Công việc đầu tiên và cũng là duy nhất của chị trên mảnh đất Đà thành là làm công nhân nấu ăn hợp đồng cho Công ty Đường sắt Đà Nẵng. Sau mười năm làm lụng và tiết kiệm chị lập gia đình, những tưởng cuộc sống sẽ bước sang một ngã rẽ mới tươi sáng hơn. Nhưng không ngờ đây là thời điểm tai hoạ bất ngờ giáng xuống cặp vợ chồng trẻ mà chị là người phải gánh chịu…
Mang thai được ba tháng, chị phát hiện mình bị u não. Hai vợ chồng phải chạy vạy ngược xuôi để thực hiện ca mổ hàng chục triệu đồng. Khi từ cõi chết trở về, đột nhiên chị bị mù loà hai mắt, nói không rõ và bị liệt một nửa người bên phải. Biết đứa con cứ lớn dần trong bụng, lòng chị quặn thắt. Với đôi mắt bị mù loà, chị không thể nhìn thấy mặt đứa con đầu lòng, và liệu rồi có đủ sức để nuôi con trưởng thành?
Nỗi lo hôm nào cũng đã tới, ngày đứa con trai chào đời, chị chỉ nghe tiếng khóc oa oa của đứa trẻ. Một năm sau, tình cảnh gia đình càng thêm túng quẫn. Biết chị bị tai biến không thể chữa trị được nên người chồng đã quay lưng đi lấy vợ khác và dắt theo đứa con. “Chị muốn nuôi con lắm nhưng mình bệnh tật thế này thì làm gì kiếm được tiền”, chị vừa khóc vừa kể.
Đã 16 năm trôi qua, nỗi đau không được nuôi con luôn ám ảnh chị. Nhưng có một thực tế còn đau xót hơn khi ngày qua ngày chị phải lủi thủi một mình trong căn phòng trọ ẩm thấp. Không người thân thích, không thấy ánh sáng và những cơn đau lúc trái gió trở trời.
Chiếc cầu thang tối om hễ có người lên chị phải “xin” điện hàng xóm.
Đường dẫn vào khu tập thể nơi chị ở nhờ chỉ đủ một người đi. Dù giữa trưa nhưng con đường tối om. Nghe nói có người tới thăm, chị gọi với lên cô hàng xóm: “Hoài ơi, bật đèn cho chị nhờ tí”. Chiếc cầu thang tối om, hàng tay vịn nghiêng ngả hiện rõ trong ánh đèn mờ mờ. Điện vụt sáng, từng đàn chuột ở cầu thang đua nhau chạy tán loạn. Chị nhấc từng bước chân khó nhọc lên cầu thang, cánh tay còn lại mò mẫm bên tường để xác định lối đi.
Bước qua bóng tối của chiếc cầu thang là căn phòng rộng chưa tới 20m2 không có một vật dụng gì đáng giá. Căn nhà của Khu tập thể Đường sắt trước đây chị thuê ở với giá 18.000 ngàn/tháng. Nay thấy chị đau ốm liên miên và không còn khả năng lao động nên người ta đã không thu tiền 5 năm nay. Không nhìn thấy ánh sáng đã hơn chục năm nay nên căn phòng cũng không có ánh điện, trở nên tối tăm, bốc mùi ẩm thấp. “Đời chị đã không nhìn thấy ánh sáng, bật điện làm gì cho tốn kém”, chị cho biết.
Dò dẫm trong bóng tối cả ngày lẫn đêm, “đôi mắt” của chị là cánh tay trái còn cử động được. Di chuyển khó khăn nhưng ngày nào cũng thế, dù ốm đau hay khoẻ mạnh, đói hay no chị đều tự lo cho bản thân. Chị kể, chiếc cầu thang trơn trượt, ẩm thấp làm chị té mấy lần. Nhất là những hôm phải đi xuống để giặt giũ, sinh hoạt, đôi tay run lên vì những cơn đau hành hạ, chị phải ngồi đợi hàng giờ để chờ hàng xóm đi làm về dìu lên phòng. “Biết là khó nhưng mình không làm thì ai làm cho”, chị kể.
Đã 16 năm trôi qua, chị chưa một lần về thăm quê, cũng chưa một lần được nhìn thấy mặt con. Đứa con trai kháu khỉnh năm nào giờ đã là một chàng trai, thỉnh thoảng cậu có về thăm mẹ giây lát, rồi lại đi. “Có lẽ cả đời này chị không còn đi ra ngoài được nữa, tôi chỉ mong con thường xuyên về thăm là tôi vui lắm rồi”.
Hiện nay chị sống nhờ vào 150 ngàn tiền trợ cấp ít ỏi, thêm vào đó là 15kg gạo mỗi tháng của phường Thạc Gián. Thỉnh thoảng bà con lối xóm người cho ít gạo, kẻ cho bó rau lót dạ qua ngày. Những hôm trở trời, cơn đau từ vết mổ trên đầu của chị lại tái phát. Trong căn phòng tối om lại phát ra những tiếng kêu ú ớ, không rõ ràng. Hai ba ngày sau, khi tiếng kêu vừa dứt, người ta lại thấy một phụ nữ xanh xao, yếu ớt mò mẫm bước ra. Chị lại tiếp tục cuộc sống khó nhọc của một người cô đơn, tủi hờn và bệnh tật.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Nguyễn Thanh Hà - Khu tập thể Đường sắt thuộc tổ 7, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Mạnh Phan - Phan Chung