Hồ sơ mã số 240440

19/08/2024

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang "hụt" cho chồng

(Dân trí) - Trong căn nhà nhỏ bé, thấp lè tè, dột nát, nằm sâu hun hút trong khu rừng, người phụ nữ một mắt mù, một mắt hỏng nhưng vẫn tần tảo lo toan mọi việc trong nhà và chăm sóc người chồng bị bệnh nan y.

Cảm thương người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt chồng, con 

Bà Hà Thị Ca (SN 1971) và ông Hoàng Văn Lê (SN 1979) được mai mối nên duyên, và nương tựa vào nhau đã 24 năm. Ngôi nhà nhỏ của họ nằm một mình trong khu rừng rậm ở cuối xóm Luồng Sào của thôn Đồng Văn, xã Đồng Giáp, (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn ), gần như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 1

Bà Hà Thị Ca một mắt mù, một mắt hỏng hàng chục năm nhìn chồng con không rõ nhưng vẫn tần tảo lo toan mọi việc trong nhà và chăm sóc người chồng bị bệnh nan y. Bà nhớ, lần đầu ông Lê đi viện, bà tưởng ông không qua khỏi nên về nhà đã chuẩn bị sẵn cỗ quan tài (Ảnh: Mạnh Mường).

Khi chúng tôi đến, ông Lê đang nằm mê mệt trên chiếc giường kê sát tường ở cửa ra vào. Khoảng gần một tiếng sau thì bà Hà Thị Ca mới đi cấy đổi công về. Trên người bà Ca mặc chiếc áo mưa tận dụng từ bao nilong, đầu đội chiếc nón cũ, rách. Cho đến khi chúng tôi lên tiếng thì bà Ca mới nhận ra có mấy vị khách đang đứng gần bà.

Hiện tại sức khỏe ông Lê rất yếu, nhiều năm nay ông không thể làm được công việc nặng. Do đó, mọi việc trong nhà phụ thuộc hết vào bà Ca.

Thấy người vợ không nhận ra chúng tôi, ông Lê nói như giải thích hộ vợ: "các bác thông cảm, bà ấy một mắt thì mù, một mắt thì mờ từ bé nên không nhìn thấy ai đâu".

Bà Ca lúc ấy thấy vậy mới đệm lời, "2 mắt tôi hỏng từ bé rồi, hàng chục năm nay có nhìn cũng không rõ mặt chồng con".

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 2

Mặc dù trời mưa nhưng bà Hà Thị Ca vẫn đi cấy đổi công cho hàng xóm. Lúc bà về tới nhà đã là 11 giờ trưa và chuẩn bị bữa cơm trưa cho người chồng mang trong mình căn bệnh nan y. (Ảnh: Mạnh Mường).

Trong căn nhà tối tăm, chật chội, bà Ca đến bên chiếc giường ọp ẹp nơi ông Lê đang nằm rồi dùng tiếng Nùng để hỏi han chồng. Ông Lê nói tiếng Kinh thạo hơn nên nói chuyện với khách cũng được nhiều hơn. Nhưng những cơn ho kéo dài thường làm ngắt quãng câu chuyện của ông với chúng tôi.

Theo ghi chép từ sổ theo dõi do Trung tâm y tế huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cấp, ông Hoàng Văn Lê bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi nhưng không rõ tác nhân.

Mua quan tài, chuẩn bị đám tang nhưng may mắn chồng khỏe lại

Bà Hà Thị Ca nhớ lại năm 2014, khi đó ông Lê sau thời gian ốm nặng, sức khỏe đã suy kiệt, gia đình họ hàng phải gom góp vào rồi vay mượn thêm tiền để đưa ông đi viện.

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 3

Ông Lê tâm trạng nặng nề khi nghĩ về bệnh tình của bản thân và lo lắng trước tình trạng ngôi nhà hiện tại (Ảnh: Mạnh Mường).

"Đưa ông ấy đi viện nhưng lúc đó thấy không còn hy vọng gì nên tôi đã mua ván để làm áo quan, chuẩn bị đồ lễ để lo đám tang. May sao ông ấy khỏe lại. Bác sĩ có nói là, chậm một chút nữa thì không thể cứu được", bà Ca chia sẻ về lần chuẩn bị tang lễ hụt cho chồng.

Từ đó đến nay, sức khỏe của ông Lê cũng chẳng khá hơn, bên cạnh ông luôn có thuốc và một ống hít cho người bị hen.

"Bây giờ thở cũng mệt, hôm nào khỏe thì nấu được cơm đỡ đần vợ chứ cũng chẳng làm được gì hơn. Có hôm thấy khỏe khỏe, đi xuống mép sông một tí, nhưng sau đó thì không đủ sức để đi lên nhà", nói chưa kịp hết câu thì cơn ho kéo đến đã khiến ông Lê gồng cứng người.

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 4

Trong căn nhà chật chội, kê vừa hai chiếc giường nhỏ, còn lại để chút ngô lúa vừa nên không còn lối đi lại (Ảnh: Mạnh Mường).

Trong ngôi nhà nhỏ, có thể điểm qua những thứ có giá trị nhất đó là: 2 chiếc giường nhỏ, mấy bao ngô, lúa, chiếc quạt cây cũ, một bóng điện và bộ ấm chén, xoong nồi. Bên ngoài hiên có chiếc lồng đang nhốt vài chú vịt con bằng nắm cơm.

Bà Ca cho biết, trước đây chưa có thủy điện thì bà vẫn đi mò cua, bắt ốc ở dọc sông Kỳ Cùng rồi đem bán. Nhưng bây giờ nước dâng cao, bà không dám mạo hiểm nên gia đình mất hẳn nguồn thu nhập.

Hiện tại, cuộc sống của 2 vợ chồng già ốm, bệnh tật chỉ quanh quẩn với 2 sào ruộng, ít ngô, lúa và gà vịt.

"Có 2 sào ruộng, lúc thì trồng lúa, lúc thì trồng ngô nhưng cũng không đủ ăn. May hàng năm vẫn được nhà nước trợ cấp cho gạo chứ không thì chẳng biết trông vào đâu", bà Ca bộc bạch.

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 5

Bà Ca đứng trước cửa ngôi nhà có nhiều vết nứt vừa được trám lại bằng xi măng (Ảnh: Mạnh Mường).

Căn nhà hiện tại của 2 vợ chồng nghèo này đang sinh sống, được làm cách đây khoảng 10 năm. Đến nay, mọi thứ đã xuống cấp trầm trọng. Những cán bộ dẫn đường của xã Đồng Giáp lo ngại, với tình trạng mưa liên tục, ngấm nước thì tường nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Niềm mong ước lớn nhất của đôi vợ chồng người Nùng này cũng là được giúp đỡ làm lại căn nhà kiên cố hơn. Hiện tại họ cũng chỉ biết khắc phục bằng cách, mua xi măng vá vào những vết nứt trên tường; lấy nhựa chít vào các vết thủng, thậm chí lấy đá đè trên mái để tránh bị gió thổi bay.

Bà Hà Thị Ca (SN 1971) một mắt mù, một mắt hỏng vẫn tần tảo nuôi người chồng mắc bệnh nan y đã nhiều năm nay ở khu rừng rậm cuối xóm Luồng Sào của thôn Đồng Văn, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (Video: Mạnh Mường).

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Ca và ông Lê có 2 người con. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên con gái vừa học hết cấp 3, con trai học hết cấp 2 đã dừng lại và đều đi làm công nhân ở xa, rất ít về nhà. Thi thoảng thì con gái lớn cũng gửi về vài ba trăm nghìn để bố mẹ mua thuốc, mua gạo.

Ông Hoàng Văn An, quyền Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết, chính quyền địa phương cũng hết sức quan tâm đến gia đình ông Lê và luôn đau đáu tìm cách hỗ trợ. Nhưng do nguồn lực có hạn nên đến hiện tại gia đình này vẫn ở trong căn nhà nhỏ, xập xệ, xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Gia đình ông Hoàng Văn Lê thuộc diện đặc biệt khó khăn, chồng mất sức lao động, vợ một mắt hỏng, một mắt kém. Chính quyền xã cũng thường xuyên thăm hỏi, nhiều lần vận động xây dựng nhà, nhưng nguồn kinh phí hạn chế nên vẫn chưa làm được nhà.

Chúng tôi mong được bạn đọc báo Dân trí chung tay giúp đỡ gia đình ông Lê vì thời điểm đang mưa bão, sống trong căn nhà này rất mất an toàn, quá nguy hiểm", ông Hoàng Văn An nói.

Người phụ nữ 24 năm không nhìn rõ mặt, chuẩn bị đám tang hụt cho chồng - 6

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Lê, bà Ca ở tít trong rừng sâu, cuối xóm Luồng Sào, thôn Đồng Văn, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Mạnh Mường).

Cán bộ xã Đồng Giáp chia sẻ, những ngày mưa, muốn tới thăm gia đình bà Ca, ông Lê thì phải trang bị ủng, xe máy chạy bằng lốp chuyên dụng bám đường.

Hôm đó, chúng tôi theo con đường độc đạo chỉ vừa lốp bánh xe cứ thế đi vào cánh rừng sâu hun hút. Khi nhà dân thưa dần cho đến khi chẳng còn bóng dáng ngôi nhà dân nào xung quanh thì giữa cánh rừng bạt ngàn cây cối um tùm bất ngờ mọc lên căn nhà vách đất thấp lè tè, nằm đơn độc dưới những bụi cây rừng, tường nham nhở mọc đầy rêu như bị bỏ hoang.

Ở đó mọi thứ yên ắng đến lạ thường, chỉ có tiếng thở gấp và tiếng ho yếu ớt của ông Lê vang lên từ bên trong ngôi nhà là nghe rõ mồn một.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:

Bà Hà Thị Ca và ông Hoàng Văn Lê

Địa chỉ: Thôn Đồng Văn, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.

Cập nhật số tiền quyên góp MS 240440

Số liệu đang được cập nhập

Đang hoạt động

Thông tin quyên góp
Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí

Số tiền đã nhận được

-

Lượt quyên góp

-

Ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

HỒ SƠ MÃ SỐ 240500: Ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

Số tiền đã nhận được Dân trí tổng hợp và thống kê số liệu từ 01/01/2025.

-

Lượt quyên góp

-

* Dữ liệu đang được cập nhật

Đã dừng
Hoàn cảnh khác