Mã số 77:
Người mẹ nuôi có tấm lòng Bồ Tát
(Dân trí) - Lâu nay người ta vẫn nghĩ những ông bụt, bà tiên chỉ có trong những câu truyện cổ tích nhưng với Phạm Văn Hảo và những người dân ở xóm Ao Bèo, xã Hà Thượng và xóm Lược 2, xã Phục Linh huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên thì khác.
Hình ảnh chị Vui ngày ngày phải “hao tiền tốn sức”, lặng lẽ đến chăm sóc “người dưng”, làm tất cả những công việc đuợc coi là “kinh khủng” nhất khiến ai cũng thầm cảm phục tấm lòng nhân từ của chị. Chị bảo, đời người có cái bể trầm luân hãi lắm, chỉ có lòng tốt, chỉ có sức mạnh của tình thương mới mong lấp được những oan khiên đó.
Người đàn bà muốn lấp bể trầm luân!
Đến Đại Từ, tìm đến nhà chị Phạm Thị Vui ở xóm 9 (xóm Ao Bèo) xã Hà Thượng, lúc này đã gần 12 giờ trưa. Chị không có nhà, con gái chị cho biết “Mẹ em làm ở trên mỏ than đến trưa lại sang bên chỗ anh Hảo, tối mẹ em mới về”.
Chúng tôi hỏi thăm đường tìm sang nhà Hảo ở xóm Lược 2, xã Phục Linh. Đi qua những thửa ruộng mướt xanh của lúa sắp vào thì con gái, cách nhà chị Vui chừng sáu, bảy cây số chúng tôi đến nhà Hảo. Trong nhà chị Vui đang thay rửa làm vệ sinh cho Hảo. Chúng tôi giới thiệu sơ qua rồi bảo chị cứ tiếp tục công việc của mình.
Trong căn nhà trống hơ trống hoác, không có gì ngoài một chiếc giường, một cái ghế băng dài sứt sẹo, một cái quạt chạy lờ đờ vì điện ở đây lúc nào cũng yếu, đồ có giá trị nhất trong nhà là chiếc tivi nhỏ, cũ kỹ.
Ngày nào chị cũng làm như vậy chỉ với một suy nghĩ giản đơn: “Nếu không vệ sinh sạch sẽ thì mỗi mỗi khi con mình bưng bát cơm lên ăn sẽ mất ngon.”
Tôi thấy chị Vui cẩn thận lau từng chút, từng chút một như sợ Hảo sẽ đau (Vùng thịt lở loét của Hảo đã không còn cảm giác). Thấy con nhăn mặt, chị ân cần: “con đau ở đâu?” (gần đây Hảo hay cảm thấy đau tức ngực) rồi chị nắn bụng con “bụng lại hơi cứng rồi để mẹ thụt phân ra cho con dễ chịu”.
Làm vệ sinh xong, chị trải lại giường, lót giấy lại chỗ nằm cho Hảo bởi nửa thân dưới của Hảo đã chảy nước, việc đi đại tiện và tiểu tiện đều được em thực hiện một cách vô thức. Lôi từ trong gầm giường cái xô thay cho “nhà vệ sinh” của Hảo ra, chị hì hục đi cọ rửa cho sạch sẽ trước khi để nó vào vị trí cũ.
Chứng kiến tất cả những việc chị Vui làm ai cũng ngỡ chị là mẹ đẻ của Hảo nhưng thực tế chị chỉ là người mẹ nuôi của Hảo chưa được bao lâu.
Lấp bể trầm luân của đời
Sinh năm 1989, lên 10 tuổi Phạm Văn Hảo mất mẹ, em sống cùng người bố không mấy khoẻ mạnh và người chị gái. Mẹ mất là nỗi đau không gì bù đắp được, nhưng rồi em lại một lần nữa phải san sẻ tình cảm của người cha khi ông đi bước nữa.
Kinh tế gia đình khó khăn, hàng ngày em phải mưu sinh bằng cách đi nhặt than ở bãi than trong xã. Ở đây em đã gặp được vợ chồng chị Vui. Thấy em ngoan lại chịu khó chị Vui đã bàn với chồng nhận em trông lán cho nhà mình. Từ đấy em có thu nhập ổn định hơn.
Tuy Hảo chỉ là người trông lán thuê nhưng vợ chồng chị Vui đã coi em như con cái trong nhà, ở nhà cứ hễ có món gì ngon chị cũng để phần mang ra cho Hảo. Hàng ngày thấy Hảo phải lóc cóc đạp xe mấy cây số lên chỗ làm, mồ hôi nhễ nhại, dù kinh tế gia đình cũng không lấy gì làm khá giả nhưng anh chị cũng đã giành dụm mua tìm mua cho Hảo một chiếc xe máy cũ để em đỡ vất vả hơn.
Cứ ngỡ cuộc đời sẽ dần mỉm cười với mình, Hảo có ngờ đâu những tai ương vẫn đang chờ em ở phía trước. Đầu năm 2008 chị gái em lâm bệnh nặng, gia đình khó khăn, em buộc lòng phải bán đi chiếc xe máy “ông bà chủ” mua cho để lo thuốc men cho chị, nhưng điều đó cũng không giúp chị gái em cầm cự được bao lâu, một thời gian ngắn sau chị gái em qua đời.
Vốn đã cô độc kể từ khi mẹ mất, trong nhà xuất hiện “dì ghẻ” không mấy yêu quý con chồng, giờ em càng cô độc hơn khi người chị gái cũng qua đời.
Đôi mắt còn chưa hết vẻ âm u, lạnh lẽo từ khi chị gái mất thì đến cuối năm đó lại thêm một lần thứ 3 em phải đeo vòng khăn trắng trên đầu khi bố em không thể qua khỏi trong một cơn tai biến mạch máo não. Nỗi đau đến với em dồn dập như những cơn bão liên tiếp quật vào một thân cây còn non nớt.
Em tâm sự: “Nếu lúc ấy không có mẹ Vui em không biết mình sẽ sống tiếp thế nào, mẹ đã cưu mang và chăm sóc em. Em từng nghĩ sau này nhất định em sẽ cố gắng làm chăm chỉ để báo đáp công ơn của mẹ”. Trớ trêu thay số phận đã không cho em được làm người con hiếu thảo như em mong muốn.
Hôm ấy khi đang ngồi trên bãi than xem mọi người làm, bất ngờ Hảo bị một hòn đất khổng lồ lăn xuống trúng lưng làm em ngã sấp và ngất đi. Vợ chồng chị Vui vội đưa em vào bệnh viện tỉnh Thái Nguyên, băng bó xong thấy vết thương của em khá nặng anh chị đã đưa Hảo về bệnh viện Hà Nội, ở đây các bác sĩ cho biết Hảo bị đứt tuỷ sống.
Tình nguyện “rước của nợ về nhà!”
Người mẹ nuôi có tấm lòng Bồ Tát
Công việc gia đình và 2 đứa con chị giao cả cho chồng gánh vác, thêm 3 tháng nữa chị ở nhà thầy lang chăm sóc Hảo. Nhiều đêm thấy chị Vui trằn trọc Hảo hỏi mẹ: “Con đã từng hứa với mình sau này sẽ chăm sóc mẹ để báo đáp tình thương mẹ đã giành cho con nhưng giờ con thế này rồi chỉ làm mẹ khổ thêm thôi hay là mẹ đừng thương con nữa”.
Nghe con nói, trong lòng chị trào lên tình thương con vô hạn, biết con đang tủi phận chị an ủi con: “Nếu muốn mẹ không khổ nữa thì con phải chịu khó chữa bệnh, biết đâu gặp thầy, gặp thuốc bệnh sẽ khỏi lúc đấy báo hiếu mẹ cũng chưa muộn. Mẹ đã coi con là ccon trai của mẹ thì dù con có khoẻ mạnh hay ốm đau mẹ cũng sẽ vẫn chăm sóc con”. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc.
Chứng kiến hoàn cảnh của mẹ con chị Vui ai cũng thương cho Hảo và cảm phục tấm lòng của chị. Sau 3 tháng ròng đắp thuốc bệnh của Hảo không thuyên chuyển, không còn hy vọng có thể chữa khỏi bệnh cho con chị quyết định đưa Hảo về nhà mình chăm sóc.
Hảo không thể tự di chuyển, chỉ đặt đâu ngồi đấy, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều làm tại chỗ. Sợ con nằm mãi một chỗ buồn, vợ chồng chị mua xe lăn để Hảo có thể đi loanh quanh trong nhà, nhưng vết thương quái ác mỗi ngày lại lấy bớt đi một chút cái sức tàn của em, chẳng bao lâu xe lăn Hảo cũng không còn ngồi được nữa.
Em chỉ nằm một chỗ, tinh thần vẫn tỉnh táo nhưng những tế bào thịt bắt đầu thối rữa và không thể kiểm soát được việc đi vệ sinh của mình. Ban đầu còn có vài người thỉnh thoảng lui tới nhà chị Vui hỏi thăm, trò chuyện nhưng sau ai cũng cảm thấy “kinh” và né tránh không đến nữa.
Chị Vui chia sẻ: “Tôi chỉ nuôi con bằng tình người thôi, nhiều khi làm không được, tiền hết phải đi vay từng nghìn một để mua bỉm về đóng cho con. Có người cảm thông nhưng cũng nhiều người họ bảo tôi là con hâm, rước của nợ về nhà. Tôi thì tôi chỉ nghĩ, cháu nó đã không còn người thân thích nếu tôi cũng bỏ nó thì nó sống sao được”.
Chăm sóc con tại nhà được hơn một năm, Hảo nói muốn về ở trong ngôi nhà của gia đình em trước đây ở xóm Lược 2, xã Phục Linh, chị chiều theo ý con, đưa con về nhà cũ rồi ngày ngày đạp xe vào chăm sóc.
Từ nhà chị đến nhà Hảo chừng 7 cây số, lại phải đi làm ở bãi than nên hàng tháng chị đều đặn gửi tiền nhờ chú thím của Hảo ở gần đó cơm nước cho Hảo. Tháng nhiều thì chị gửi một triệu, tháng ít thì năm, bảy trăm. Số tiền mà vợ chồng chị Vui chạy chữa cho Hảo kể từ khi em gặp tai nạn đến giờ đã lên tới con số vài trăm triệu.
Chị buồn rầu: “Nuôi con tôi không ngại gì cả nhưng quả thực thấy sức khoẻ của cháu ngày một yếu đi mà đến lúc này kinh tế gia đình tôi cũng khó khăn quá, chỉ lo không có tiền thuốc men, bồi bổ cho cháu nữa thì tội lắm”
Hình ảnh người mẹ nuôi lam lũ, tận tình chăm sóc, xót thương con và đôi mắt sáng trên khuôn mặt xanh xao, giờ chỉ đang sống bằng “một nửa” con người của Hảo trong ngôi nhà tuềnh toàng quá mức là một minh chứng về tình người cao cả, về nghị lực sống của con người.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Phạm Thị Vui - xóm 9 (xóm Ao Bèo), xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên. ĐT: 0986 206 791 Mã số: 77
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
3. Tài khoản Ngân hàng (Báo Khuyến học & Dân trí) * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
4. Văn phòng đại diện của báo: |
Nguyễn Kim Ngân