Người dân xóm nhà phao Dân trí vùng "túi đựng nước" an tâm trước mưa lũ
(Dân trí) - Ngay đầu mùa mưa lũ, người dân xóm nhà phao Dân trí lại hối hả chuyển đồ đạc lên. Đây năm thứ 2 liên tiếp, hàng chục hộ dân tại xã huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thoát cảnh dìu dắt chạy lũ.
Chủ động ứng phó lũ nhờ nhà phao
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có mưa lớn kéo dài, gây ngập và chia cắt cục bộ tại các bản làng, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình chiêm trũng. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa lũ ở các tỉnh, thành miền Trung, với nhiều nỗi lo của bà con.
Với xóm nhà phao Dân trí tại 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa, huyện Minh Hóa, người dân nơi đây đã và đang dần quen, sống chung với lũ. Cũng chính nhờ những căn nhà phao mà bạn đọc Dân trí hỗ trợ, 50 hộ nghèo nơi vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Bình đã yên tâm hơn khi mùa mưa lũ về, không còn thấp thỏm lo chạy lũ như nhiều năm về trước.
Đây cũng là năm thứ 2, 50 hộ nghèo tại 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa có những căn nhà an toàn để ứng phó với mưa lũ .
"Nơi đây là vùng rốn lũ, năm nào lũ nhỏ thì đỡ chứ có năm nước dâng cao, mênh mông, ngập cả nóc, không thấy nhà cửa đâu. Bà con ở đây ai cũng khao khát có nhà phao. Gia đình tôi may mắn được bạn đọc Dân trí hỗ trợ nên giờ đã thỏa niềm mơ ước", ông Trương Ngọc Giá, trú xã Minh Hóa chia sẻ.
Xã Tân Hóa và Minh Hóa là hai địa phương ở vùng lòng chảo, trũng thấp với các dãy núi đá bao quanh, tạo nên địa hình "túi đựng nước". Do vậy, cứ hễ mưa to là ngập, nước rút chậm nên đời sống bà con vào các tháng mưa lũ khó khăn trăm bề. Đặc biệt, trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã nhấn chìm cả 2 xã, gây ra thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu…
Những căn nhà phao Dân trí bước đầu đã tạo được sự yên tâm cho người dân, giúp bà con chủ động ứng phó trước những diễn biến của lũ lụt.
"Ngay từ đầu mùa mưa thì tôi và bà con đã dọn những đồ đạc dễ hư hỏng lên nhà phao, cũng mua thêm gạo, lương thực về tích trữ trong nhà. Nếu nước ngập thì cả nhà lên đó ở. Có nhà phao nên yên tâm hơn chứ không phải lo dìu dắt, chạy lũ trong đêm như trước", bà Đinh Thị Nghệ, thôn 3, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa chia sẻ.
Hiệu quả thiết thực của nhà phao mang tên Dân trí
Những căn nhà phao luôn là ước mong của bà con vùng rốn lũ, không chỉ mang ý nghĩa thiết thực là phao cứu sinh mà còn là điểm tựa giúp bà con yên tâm, vững tin hơn trước thiên tai. Với mô hình nhà phao chống lũ, người dân sẽ không phải "tay xách nách mang", dìu dắt chạy lũ khi nước dâng cao.
Quay trở lại thời điểm sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhà phao là niềm mơ ước xa xỉ đối với hàng chục người dân Tân Hóa và Minh Hóa. Nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của bạn đọc Dân trí cũng như nhiều tổ chức, đơn vị, hàng trăm hộ dân tại 2 xã vùng trũng này đã có thể chủ động hơn trong cuộc sống khi vào mùa lũ. Của cải, tài sản vì vậy cũng có thể tích cóp qua năm tháng, không lo bị nước lũ cuốn trôi.
Công trình Xóm Nhà phao Báo Dân Trí do bạn đọc Dân trí, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp xây dựng với 50 căn nhà phao, trị giá 1,5 tỷ đồng, hoàn thành vào đúng dịp Tết như một món quà ý nghĩa đến tay bà con trong những ngày đầu năm 2021.
Những căn nhà phao giúp hiện thực hóa giấc mơ mong mỏi của hàng trăm hộ dân trên địa bàn hai xã Tân Hóa và Minh Hóa, mở ra cuộc sống an toàn hơn khi vào mùa mưa lũ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa, hiện xã Tân Hóa với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị, trong đó có Báo Dân trí, gần như toàn xã đã có nhà phao. Riêng tại xã Minh Hóa, địa phương đang nỗ lực để tiếp tục cùng người dân dựng nhà phao, giúp bà con yên tâm hơn khi mùa mưa đến và chuyên tâm phát triển kinh tế.
Mô hình chống lũ thật sự hiệu quả đối với vùng trũng như Tân Hóa và Minh Hóa. Minh chứng là bà con đã an toàn, vượt qua thiên tai trong những năm mưa lũ lớn vừa qua, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 2020.
Những căn nhà phao sẽ tiếp tục là tài sản ý nghĩa, hữu dụng đối với người dân nói riêng, góp phần tích cực vào công tác ứng phó với thiên tai, lũ lụt của địa phương nói chung, hỗ trợ sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.