1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 1549:

Người đàn bà khát khao có một "túp lều" trước khi... chết

(Dân trí) – Cả cuộc đời lỡ dở hai lần đò để rồi gần 50 tuổi chị vẫn không nhà cửa, không chồng, bản thân lại mắc bệnh hiểm nghèo, đến lúc gần chết chị vẫn gồng mình xoay sở miếng cơm manh áo và khát khao có được một túp lều để nằm xuống.

Người đàn bà bất hạnh ấy là Nguyễn Thị Loan (thôn 2, xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa). Khi tôi hỏi thăm về nhà chị, người ta không biết phải chỉ chỗ nào. Bởi chị sinh ra ở thôn 4 nhưng hiện chị phải ở nhờ một nhà người quen ở thôn 2.

Người đàn bà mà tôi gặp gầy guộc chỉ da bọc xương, đen đúa đến tội nghiệp. Thằng con của chị vồ vập khi được người hàng xóm cho quà như bị bỏ đói lâu ngày. Thấy thằng bé như vậy, chị vừa thay cho con bộ quần áo vừa nói với tôi: "Quần áo toàn hàng xóm cho đó, mấy bữa nay không được ăn no nên thằng bé đói. Nhà có con chó cái đang nuôi con, tôi cũng vừa bán xong để có tiền đắp vá cuộc sống khốn khó chị à". 

Đứa con chị Loan sau mấy ngày chịu ăn đói thích thú khi được hàng xóm cho quà
Đứa con chị Loan sau mấy ngày chịu ăn đói thích thú khi được hàng xóm cho quà

Cách ngày tôi về thăm chị một ngày, đứa con gái lớn mới 14 tuổi của chị đã phải bỏ học đi miền Nam để kiếm sống, ở nhà chỉ còn chị và đứa con trai út 4 tuổi. Chị vừa nói vừa khóc bảo, nó  vừa mổ hạch xong nhưng ở nhà thì không có gạo ăn nên nó đi. Nó còn nhỏ quá, không biết nó sẽ xoay sở ra sao ở trong đó nữa, nhưng biết phải làm sao… Dường như cả cuộc đời chị luẩn quẩn trong câu hỏi “phải làm sao”.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà nghèo, nên hơn 30 tuổi chị mới gặp người chồng đầu tiên. Biết anh thần kinh không bình thường, nhưng ở cái tuổi đã “xế chiều” chị không còn sự lựa chọn. Chị nhắm mắt kết hôn cùng anh nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang”. 5 tháng ở nhà chồng, chị bị người đàn ông ấy đánh đập hành hạ. Chị bụng mang dạ chửa trở về nhà rồi sinh con nương tựa vào bố mẹ già và anh em

Đến năm 2008, khi đã ở tuổi 43, nhờ sự mai mối của bà con trong làng, một người đàn ông lớn tuổi ở tỉnh ngoài đã thương chị. Nghĩ cảnh con thơ dại, một mình thân cô, thế cô nên cũng muốn có một chỗ dựa. Chị tặc lưỡi về ở với ông dưới sự chứng kiến của một vài người bà con mà không có sự ràng buộc gì về pháp luật hôn nhân.

Chị và người đàn ông đó mượn tạm một căn bếp của người bà con đang đi làm ăn xa để ở. Sau hai năm, kết quả của cuộc hôn nhân ấy là một đứa con trai ra đời. Nhưng rồi tuổi cao, bệnh nặng. Cùng lúc chị phát hiện mình mang căn bệnh ung thư vú. Không thể chăm sóc được cho nhau, người đàn ông ấy lại bỏ chị ra đi, để lại chị bệnh tật và đứa con thơ dại.

Biết chị bị bệnh nặng, sắp chết, nhiều lần người thân của chủ ngôi nhà chị đang ở nhờ đuổi mẹ con chị đi nhưng chị không còn đường về. Khoảnh đất chật hẹp bố mẹ để lại hiện đã có 4 anh em của chị ở. Chị gái của chị không chồng cũng đang nương nhờ ở đó. Bởi thế, chị bảo chị chẳng thể quay về.

Đứa con chị Loan sau mấy ngày chịu ăn đói thích thú khi được hàng xóm cho quà
Sống chung với bệnh hiểm nghèo và di chứng sau những lần mổ khiến chị Loan không thể lao động được nữa

Rồi chị cầm cho tôi xem mấy vỉ thuốc chỉ còn trơ vỏ nói, mỗi vỉ 200 nghìn đồng, nhưng không có tiền mua. “Số tiền vay của anh em, làng xóm hơn 50 triệu đồng để chữa bệnh còn chưa trả được đồng nào, không biết rồi tôi chết đi, các con tôi sẽ xoay sở thế nào. Bây giờ, cứ đau đớn rồi chịu đựng vậy thôi. Cũng muốn chết quách cho khỏi khổ nhưng còn hai đứa con.. Thằng nhỏ còn chưa lên lớp 1, rồi sẽ phải thất học thôi… Giá mà đừng sinh chúng ra có lẽ chúng sẽ không phải khổ” – chị nghẹn ngào.

Trong căn bếp chẳng có vật dụng gì giá trị ngoài cái ti vi và cái quạt đã cũ rích được hàng xóm không dùng nữa cho mượn. 3 mẹ con chị chỉ có tài sản duy nhất là cái giường đôi, chị bảo cả cuộc đời chị chỉ có tài sản đó thôi.

Vừa rồi, người ta lại đến đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà, chị bảo họ đuổi cũng phải, ai dám để cho mình chết trong nhà họ được. Nghĩ nếu mà cố ở chết trong nhà họ thì mình cũng có tội với họ. Nhưng lực bất tòng tâm, mẹ con chẳng biết đi đâu, anh em cũng nghèo khó, không ai cưu mang được.

Cầm vỉ thuốc trơ vỏ chị cho biết vì không có tiền nên đành chịu đau đớn vậy thôi
Cầm vỉ thuốc trơ vỏ chị cho biết vì không có tiền nên đành chịu đau đớn vậy thôi

Người đàn bà khốn khổ ấy bảo rằng: “Đã nhiều lần tôi làm đơn xin chính quyền xã Thiệu Vân giúp đỡ, cho mẹ con tôi mượn một mảnh đất, để mẹ con tôi dựng tạm túp lều ở tạm. Và nếu có chết thì tôi cũng chết ở đấy và 2 con tôi cũng còn có chỗ thờ cúng, nương tựa vào nhau mà sống. Nhưng mang đơn lên gặp chú chủ tịch xã thì chú hướng dẫn xuống gặp ông chính sách xã, gặp ông chính sách rồi thì ông lại hướng dẫn gặp chú địa chính xã, gặp chú địa chính thì chú cũng không biết phải làm thế nào. Chẳng biết hỏi ai, tôi lại mang đơn xuống Phòng Lao Động thương binh xã hội TP.Thanh Hóa, nhưng họ cũng yêu cầu xã phải xác nhận và đề xuất giải quyết”.

Vừa nói, chị vừa khóc - giọt nước mắt như bất lực, như cầu cứu, đứa con trai chị chưa đầy 4 tuổi chẳng hiểu được nỗi đau trong tim mẹ. Nó cứ hỏi “sao mẹ khóc” càng làm cho tâm can chi như quặn thắt. Những người hàng xóm ngồi bên chị cũng len lén lau nước mắt. Bà Nguyễn Thị Thảo, nhà kế bên ngậm ngùi cho biết: “Khổ lắm cô ạ. Chị ấy ốm đau, bệnh tật nên có làm được gì đâu. Đứa lớn học cũng khá nhưng phải bỏ học để mò cua, bắt ốc nuôi mẹ và em. Vừa rồi nó cũng phải mổ nên không làm được gì. Bà con ở đây thương lắm nhưng cũng chỉ gom góp cho được bò gạo, mớ rau thôi”.

Ước nguyện của người đàn bà sắp lìa xa cõi đời là có túp lều để chết
Ước nguyện của người đàn bà sắp lìa xa cõi đời là có túp lều để chết

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Bút, Chủ tịch xã Thiệu Vân, ông Bút cho biết: “Việc xin cấp đất hay làm nhà là thẩm quyền của thành phố, xã không có thẩm quyền đó. Với lại bà Loan có nhà cửa bố mẹ để lại hiện có mấy anh em đang ở đó chứ không phải không có như bà ấy nói nên chúng tôi không xác nhận”.

Hiện nay, đứa con gái của chị học đến lớp 9 cũng bỏ dở. Bấy lâu nay, mẹ con chị sống là nhờ những đồng tiền mò cua, bắt ốc, lượm thóc rơi vãi của đứa con gái đầu rồi sự cưu mang, sẻ chia của họ hàng, làng xóm. Ngay cả những lần đi xạ trị chị cũng phải nhờ vào sự hảo tâm của mọi người. Bây giờ, mỗi ngày, hai mẹ con chị ai cho gì thì ăn nấy, không ai cho thì lại nhịn đói, trong nhà chị không một hạt gạo, cố tìm cho ra một thứ gì để bán cũng không có...

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 1549: Chị Nguyễn Thị Loan (thôn 2, xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email:quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Nguyễn Thùy