1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người anh cả tật nguyền gánh cả gia đình

(Dân trí) - Chỉ trong vòng hai năm, bố mẹ Chiến nối nhau qua đời, bỏ lại đàn con trẻ tật nguyền nheo nhóc. Và người anh cả tật nguyền ấy đã dũng cảm chống chọi với cuộc sống, chăm lo cho các em, nuôi các em học hành.

Ông Nguyễn Văn Đấu (sinh năm 1952 ở làng Phan Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là người đã bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Dền (Văn Thành). Năm 1972, ông kết duyên với bà Trần Thị Từ người cùng làng. Khắp xã Hợp Thành ngày ấy ai cũng ca ngợi họ là đôi trai tài gái sắc nhưng số phận thật trớ trêu thay. Cậu con trai đầu lòng của họ là Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1975) sinh ra đã bị tật nguyền, hai bàn chân quặp ra đằng sau, khuôn mặt dị dạng. Rồi người con gái thứ hai sinh năm 1979 bị khiếm thị và chứng thần kinh, người con gái sinh năm 1982 bị cụt tay, người con gái tiếp theo sinh năm 1986 tuy lành lặn nhưng tính tình không được bình thường. Chỉ có cô con gái út sinh năm 1991 là bình thường.

“Vợ chồng anh Đấu sinh được mấy đứa con đứa mô cũng bị tật. Đã bị tật lại còn ốm đau suốt, hết đứa ni đi viện lại đến đứa khác. Kinh tế ngày một khánh kiệt nên gia đình anh Đấu tội lắm! Vợ chồng làm lụng quần quật mà có nhiều tháng khoai sắn cũng không có mà ăn, phải trông cậy vào bà con xóm làng. Lao lực quá nên bà Từ đổ bệnh nằm liệt giường 6- 7 năm liền rồi qua đời. Nuôi vợ ốm với đàn con tật nguyền rứa đúng là tận khổ. Hai năm sau ngày vợ mất, anh Đấu bị ung thư gan rồi qua đời”. - ông Nguyễn Quế Phúc kể với chúng tôi cảnh ngộ éo le của người hàng xóm Nguyễn Văn Đấu.

Ông Phúc dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ tồi tàn nằm ở rìa làng nơi bốn anh em côi cút đang ở. Bước vào nhà đã thấy Nguyễn Văn Chiến đang miệt mài đan chổi đót. Trông người hiền lành, cục mịch, đầu to mắt lờ đờ nhưng anh chuyện trò rất minh mẫn.

Anh Chiến tâm sự: “ Khi mẹ với cha chết rồi mấy anh em bọn em như gà mất mẹ không có chỗ mô mà bấu víu, gạo trong nhà không có lấy một hột, nhịn đói đến vàng mắt. Mới đầu xóm làng người cho củ khoai, đồng tiền , bát gạo sau đó em phải đi vay mượn và tập làm mọi việc để nuôi các em.”

Bố mẹ mất sớm, bản thân tật nguyền nhưng nhìn đàn em nheo nhóc, Nguyễn Văn Chiến đã bỏ học để làm lụng nuôi các em ăn học. Hai bàn chân quặp ra đằng sau khiến anh đi lại rất khó khăn nhưng anh Chiến vẫn kiên trì làm việc, từ cày bừa cấy hái đến đi rừng lấy củi về bán. Nghĩ nhà mình chỉ có mấy sào ruộng và tiền trợ cấp tàn tật không đủ để trang trải cho cuộc sống, anh Chiến đã mua đót về nhà tự mày mò đan chổi để bán. Những sản phẩm anh làm ra rất đẹp và chắc nên làm ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu.

Mặc dù cuộc sống khốn khó bận rộn nhưng những khi rảnh rỗi, anh Chiến vẫn tự nguyện nhặt rác trong xóm đi đổ. Thấy anh Chiến có ý thức bảo vệ môi trường, bà con làng Phan bàn bạc nhau và phân công anh làm việc gom rác trong xóm và trả công cho anh 300 ngàn đồng/tháng. Cứ chiều đến, anh Chiến cần mẫn đi khắp xóm để gom rác.

Có những năm anh em Chiến phải ăn khoai, ăn sắn trừ bữa trong nhiều tháng liền. Có lần Chiến đi cày ngất xỉu ngoài đồng mọi người hốt hoảng đưa đi cấp cứu nhưng hóa anh chẳng có bệnh gì mà chỉ do xỉu do quá đói. Có ít gạo thì Chiến nhường em, còn mình thì ăn khoai sắn.

Khi tôi hỏi về những người em, giọng Chiến buồn rầu: “Đứa em gái thứ hai bị khiếm thị và bị thần kinh nên bỏ học từ năm lớp 6, đứa thứ ba cũng bỏ học năm lớp 4 vì không có điều kiện, phải nhường cho hai đứa em sau đi học. Đứa thứ tư theo học hết lớp 12 và mới đây được người thân ở Đồng Nai về đón vào trong nớ tìm việc làm.” Anh Chiến vui hẳn lên khi kể về người em út đang học lớp 11. “Nó học giỏi lắm anh ạ, là niềm hy vọng của cả nhà. Nhưng mấy bận nó đòi bỏ học để đi Nam làm thuê. Em phải khóc xin nó đừng bỏ học thì nó thôi ý định bỏ học.” Anh Chiến quyết tâm nuôi em út học lên đại học để mở mày mở mặt với làng xóm. Cũng chính vì phải lo cho các em nên anh chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy vợ.

Làm được những việc như anh Chiến quả là phải có một nghị lực phi thường. Hiện nay, cuộc sống của mấy anh em Chiến còn rất khó khăn. Năm ngoái, anh Chiến đi bệnh viện để quay lại chân, đôi bàn chân trở lại gần như bình thường. Nhưng những khi trái gió trở trời, chân anh lại đau không đi lại được. Rồi người em thứ hai thường lên cơn động kinh không làm đuợc việc gì, người em thứ ba ốm đau triền miên. Mong sao những tấm lòng nhân ái của cộng đồng sẻ chia với gia đình anh Nguyễn Văn chiến để anh vơi bớt những khốn khó trong cuộc sống.

Tiến Dũng