1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người 40 năm bốc mộ miễn phí

Đó là ông Trần Viết Bình (xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Sống với cõi “âm tào địa phủ” khi đã ở tuổi 71, ông nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh Nam Định.

Từ bốc mộ cha, ra bốc mộ người

Chúng tôi đến nhà ông Trần Viết Bình vào một chiều xuân ấm áp. Dáng người ông nhỏ thó đến xiêu vẹo, đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương dường như chạm nhiều vào cõi âm tào địa phủ nên trông rất kỳ quặc. Ngón cái dài gần bằng ngón trỏ và nhỏ hơn ngón út. Cả mười đầu ngón tay không biết do cáu bẩn hay “phải vía người âm” mà tuyệt nhiên không ai xác định được nó thuộc gam màu nào trong hội họa. Với hàm răng móm mém, ông bắt đầu kể câu chuyện về cái nghề của mình.
 
Những năm 1967, Bình theo anh em trong làng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm nghề xẻ gỗ, cuộc sống cơ cực nơi rừng sâu nước độc đã “vật” chàng thanh niên cơ bắp bằng những trận sốt rét rừng đến tiều tuỵ. Trong thời gian này, Bình thường xuyên mê thấy người cha đã mất hơn 4 năm về trước giục ông mau về quê “xây nhà” cho cụ trong nơi yên nghỉ của tổ tiên. Nếu không mau về mà làm theo thì sẽ chết nơi đất khách quê người. Bình choàng dậy, mồ hôi vã ra như tắm… những người cùng đi biết chuyện khuyên ông thu xếp về quê xem chuyện mồ mả thế nào kẻo hối không kịp.

Phần vì đã đến ngày “rước” cha vào lăng tổ, phần vì sợ chết nên Bình mời người về bốc mộ cho cha. Nhưng thật không may, những người Bình mời đều đã giải nghệ hoặc đang ốm liệt giường. Bí quá, Bình quyết định sẽ tự tay bốc mộ cho cha dù thân thể anh đang vàng vọt bởi những trận sốt rét để lại. Thế rồi, từ khi cha Bình đã “mồ cao mả đẹp”, anh thấy trong người khỏe hẳn. Cũng từ đó, không hiểu vì đâu người trong xóm rồi trong xã cứ đến nhờ mặc cho Bình từ chối thẳng thừng rằng, anh không làm nghề bốc mộ. Nghe Bình nói thế thì nhiều người bỏ đi nhưng cũng không ít người khẩn khoản và hứa với anh sẽ trả công cao gấp đôi thậm chí gấp ba người khác.

“Nghe người ta nói mà thấy tội nghiệp, tôi bắt đầu làm nghề bốc mộ chứ có phải ham hố tiền bạc gì đâu” – ông Bình đưa chén trà lên uống và nói với giọng bình thản.

Ông kể tiếp, hồi đó cuộc sống khó khăn lắm, cơm lo ăn từng bữa chưa đủ, con cái nheo nhóc khóc lóc suốt ngày vì đói, bà vợ thấy tôi bốc mộ không công thì tỏ ra bực tức lắm nhưng mặc. Nhà nào giàu có thuê tôi bốc thì tôi chỉ lấy chút ít gọi là, chứ nhà nghèo mình đâu lỡ cầm một xu, dù rằng đấy là mồ hôi công sức của mình.

”Cả đời bốc mộ… miễn phí thế lấy gì mà sống?” - Ông cười khà khà nói, hồi còn trẻ tôi khỏe nhất làng, tuy trông nhỏ con thế thôi chứ sức lực thì dai lắm. Hình như mình đi “rửa xương” cho người âm nên các vị ấy phù hộ cho cái sức nên chẳng ốm đau gì sất. Mỗi lần bốc mộ cho nhà nào, họ cũng mang đến chút lễ tạ, có khi cả tiền đút trong phong bì, nhưng tôi chỉ xin chút lễ cho họ đỡ áy náy, còn tiền thì tôi trả lại.

Ông Trần Minh Tiến – hàng xóm và cũng là người đã từng thuê ông Bình bốc mộ cho nhiều người trong dòng tộc cho biết: “Lão nhiệt tình bốc mộ lắm, ở đâu nhờ lão là lão đi, lão làm rành nghề quá rồi, đến một mẩu xương nhỏ xíu lão cũng không bỏ sót, người ta yên tâm khi được lão giúp nhưng lạ là lão chẳng bao giờ lấy tiền công”.

Những kỷ niệm… nghề

Nhắc đến những kỷ niệm về nghề bốc mộ, ông Bình chậc chậc lưỡi mấy cái rồi nói có vẻ ái ngại bởi đời ông đã chứng kiến nhiều cảnh mà đến mỗi bữa cơm ông không sao nuốt được, chỉ có rượu là có thể lọt vào trong bụng mà không cảm thấy nhạt mồm. Ông kể, có lần xuống bốc mộ cho một người ở huyện Giao Thủy, nghe người nhà nói đã chôn hơn 10 năm rồi nhưng khi đào lên thì tôi phát hoảng, lạnh cả sống lưng bởi chưa rữa hết thịt. Mùi thối bốc lên khiến người nhà họ chạy bán sống bán chết, có người không chịu được thì nôn thốc nôn tháo. Chỉ có anh con cả thuê tôi bốc là còn kiên cường đứng lại quỳ xuống lạy tôi rửa xương cho cha anh ấy và hứa sẽ trả tôi 5 triệu đồng. Tôi đỡ anh ấy dậy, ái ngại mà nói: “Việc đã thế bây giờ biết sao, anh đi mua ngay mấy viên băng phiến về đây”, vậy là ông Bình tiến hành công việc với hai viên băng phiến nhét mũi để át cái mùi tử khí đáng sợ kia.

Theo đúng lời hứa, sau khi “róc thịt, rửa xương” xong, anh con cả cùng mấy người bên huyện Giao Thủy phóng xe đến mang theo lễ lạt cùng 5 triệu tiền công. Đó là khoản tiền lớn có thể nuôi sống ông và gia đình trong những ngày giáp hạt nhưng ông nhất định không nhận một đồng nào từ xấp tiền ấy. Ông bảo, tôi làm nghề này là để phúc cho con cháu chứ không phải để làm lợi, để kiếm của ăn. Bà vợ ông Bình thấy chồng không nhận thì tiếc ngẩn ngơ, nhưng sống với với ông bao nhiêu năm bà hiểu cái tính cái nết của ông là trượng nghĩa lắm, thích làm công làm phúc cho thiên hạ mà thôi. Nhiều lúc trong nhà hết gạo bà cũng bực mà mắng ông là kẻ “ăn cơm nhà, bốc mộ… cả tỉnh”, ông cười khềnh khệch đồng ý câu ấy với vợ.

Hơn 40 năm trong đời bốc mộ ông từng róc thịt cho hàng chục thi thể và “rửa xương” cho khoảng trên dưới 4 nghìn mộ trong tỉnh Nam Định và các vùng lân cận.

Nay đã ở tuổi 71, niềm vui lớn nhất của ông trong suốt hơn 40 năm làm nghề bốc mộ là “đào tạo” được hơn 70 “đệ tử” từ các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hà Tây và Vĩnh Phúc. Ông còn cho biết, trong làng ngoài xã nhà ai có đám cưới, đám xin gì cũng đều mời ông như một thượng khách. Tết Mậu Tý vừa rồi, hơn 30 người con kết nghĩa (kết quả của những lần bốc mộ miễn phí) đều về chúc tuổi ông và gia đình, đó âu cũng là cái phúc, cái lộc của một đời hơn 40 năm làm phúc bốc mộ cho người.

Theo Trần Thế Hòa (Báo TNVN)
VOV