1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 1362:

Nghị lực phi thường của cậu bé mắc bệnh não úng thủy

(Dân trí) - Dù trời mưa hay nắng, đã gần 9 năm qua “đôi chân” của cậu bé Lê Bảo Ngọc (sn 2005) chính là đôi tay của mẹ. Bị chứng não úng thủy nhưng không đầu hàng số phận, Ngọc luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 2 năm liền.

9 tuổi, cao 30cm, nặng 8 kg, di chứng của chứng não úng thủy cùng nhiều bệnh hiểm nghèo khác đã khiến Lê Bảo Ngọc (sinh năm 2005), học sinh lớp 3A trường tiểu học Hương Lâm 1 (xã Hương Lâm, huyện Hương Khê) mãi mãi mang hình hài của một cậu bé tí hon. Thế nhưng bằng chính nghị lực của mình, Lê Bảo Ngọc luôn là tấm gương sáng về nghị lực và thành tích học tập của mình cho các bạn cùng trang lứa.

9 tuổi mang trong mình gần 3 căn bệnh hiểm nghèo

Gia đình Ngọc thuộc diện nghèo đặc biệt của huyện miền núi Hương Khê. Căn chòi nằm bên lề đường vừa dùng để  buôn bán vừa nơi trú ngụ của 4 con người trong gia đình.  Để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, anh Lê Văn Mạnh (bố Ngọc) phải đi làm thuê tất tả tiết kiệm từng đồng tiền lẻ, khó khăn thêm chồng chất khi những đứa con tật nguyền ra đời. Em gái Ngọc  - Lê Nữ Yến Nhi cũng mắc những chứng bệnh giống anh trai khi chào đời. Gia đình chạy vạy, vay mượn khắp nơi hy vọng có thể chữa lành cho các em nhưng vô vọng. Chỉ đến khi số nợ đã hơn 100 triệu, đồ đạc trong nhà cũng nối đuôi ra đi, đôi vợ chồng trẻ đành bất lực buông tay.

Gia đình Ngọc sống tạm vào chiếc chòi tạm bên đường
Gia đình Ngọc sống tạm vào chiếc chòi tạm bên đường

“Giữa năm ngoái, vợ chồng tui đưa hai cháu ra bệnh viện Nhi ngoài Hà Nội để khám nhưng họ yêu cầu phải có 40 triệu cho mỗi cháu mới có cơ may chữa trị. Nợ nần nhiều như thế rồi vẫn chưa trả được làm sao người ta cho vay được nữa. Chúng tôi đành phải ôm cháu trở về”, anh Mạnh buồn bã. Theo các bác sĩ chẩn đoán hiện nay, Bảo Ngọc và Yến Nhi bị chứng bệnh tim bẩm sinh, ung thủy não ngoài ra các em còn bị chứng xương thủy tinh nên không đi lại và cử động mạnh được. “Trước đây, cả gia đình ở tạm cái chòi cuối xóm. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chính quyền địa phương cho mượn tạm miếng đất bên lề đường để tiện cho việc buôn bán và đưa đón cháu Ngọc đến trường”, bưng chén nước mời khách, anh Mạnh cho hay.

Nhìn các con đôi vợ chồng trẻ chẳng dám hy vọng nhiều nhưng chính Ngọc lại tiếp thêm niềm tin cho bố mẹ bằng chính nghị lực của em.

Đi học bằng đôi tay của mẹ

“Thằng đầu to”, “người ngoài hành tinh” là những biệt danh gắn với Ngọc từ khi em chào đời. Khi những đứa trẻ cùng trang lứa phát triển bình thường thì em phải chống chọi với những căn bệnh quái ác bẩm sinh. Sinh ra, em bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu. Càng lớn lên, đầu của em càng to ra, chân tay thì cứ teo tóp lại khiến em không thể đi lại được. Công việc duy nhất Ngọc có thể vận động được là ngồi và cầm bút viết. Mọi sinh hoạt của em đều phụ thuộc vào đôi bàn tay của mẹ.

Càng lớn, nhìn các bạn cầm bút vở tập viết, Ngọc thích lắm. Ngọc xin bố mẹ mua vở, mua bút để Ngọc tập. Nghĩ con đòi cho vui, chị Đinh Thị Thoa cũng mua vở để con tập viết. Con chữ đầu tiên đau đến tận xương tận tủy của em, mỗi con chữ đầu tiên đều nhòe vì nước mắt của 2 mẹ con. Để tập viết, Ngọc phải ghì thật chặt đôi tay yếu ớt của mình lên bút. Cả thân hình nhỏ bé phải nhoài người lên bàn, tỳ cằm xuống để giữ vở không bị lệch. Trên khuôn mặt em, còn lằn đỏ vết chai dưới cằm. Nhìn con nhăn nhó vì đau, chị Thoa không cầm nỏi nước mắt. Mấy lần chị định cất hết bút vở nhưng Ngọc lại năn nỉ xin mẹ. Qua nhiều lần, những nét chữ của em cũng tròn vành rõ nét trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

Để viết chữ, Ngọc phải nhoài hẳn người lên bàn để viết
Để viết chữ, Ngọc phải nhoài hẳn người lên bàn để viết

Lên 6 tuổi, Ngọc xin mẹ đi học.  Thấy con bệnh tật như thế lúc đầu bố mẹ Ngọc cũng lo lắng không đồng ý nhưng rồi bố mẹ cũng bị thuyết phục bởi quyết tâm của Ngọc. Mẹ Ngọc lại chạy lên chạy xuống xin nhà trường cho con được vào học. Ái ngại với thân hình tật nguyền của Ngọc, nhà trường không dám nhận. Nhưng thấy tinh thần ham học của cậu bé tý hon, ban giám hiệu nhà trường dần bị thuyết phục chấp nhận để Ngọc theo học theo dạng “học gửi”. Được gần 5 tháng, thấy Ngọc ham học lại sáng dạ, thầy cô quyết định cho con vào danh sách, có học bạ để cho em phấn đấu cùng bạn bè.

Con đường đến trường của Ngọc không như các bạn khác. Bố đi làm thuê xa, em đến trường bằng sự vất vả của mẹ. Không kể nắng hay mưa, hai mẹ con đi bộ gần 500m để đến trường. Bàn học của em trên lớp là chiếc ghế được bố đóng cho Ngọc để ngồi học từ năm lơp 1 đến giờ vẫn chưa phải làm lại vì Ngọc chẳng lớn thêm được tí nào.

Đưa con vào tận lớp, mẹ Ngọc lại tất tả chạy về nhà bán hàng. Mỗi khi Ngọc muốn đi vệ sinh, giáo viên trong lớp lại điện mẹ qua để bế em đi. Hình ảnh như thế đã trở nên quen thuộc tại đây trong suốt 3 năm học. Nhiều hôm đang học thì trong người thấy đau đớn, chảy mồ hôi mẹ tất bật lại chở em về. Thế nhưng, dù ngày nắng hay ngày mưa Ngọc vẫn đến trường đầy đủ không hề nghỉ buổi nào. “Do bị xương thủy tinh nên tay chân Ngọc rất yếu. Đã 2 lần Ngọc bị gãy tay khi người lạ bế nên bay giờ ngoài bố và mẹ Ngọc không dám cho người ngoài lại gần”, chị Thoa tâm sự.

Những buổi đi học đầu tiên, nhìn hình hài của Ngọc, những đứa trẻ hồn nhiên trêu ghẹo. Không khóc ở lớp cũng không dám kể với mẹ, ban đêm Ngọc lặng lẽ khóc. Chỉ đến khi tiếng nấc lớn, chị Thoa lo lắng hỏi chuyện em mới dám kể. Thế nhưng, chưa một lần Ngọc nói với mẹ hai tiếng nghỉ học. bỏ qua những lời đùa ác ý, Ngọc càng nổ lực phấn đấu hơn để học. “Các bạn đùa rồi cũng hết, con buồn nhất là khi nhìn các bạn học môn thể dục hay ra chơi chạy nhảy vui vẻ thôi. Con muốn lắm nhưng mà không được. Nhưng học toán thì con không thua các bạn khác đâu nhé”, Ngọc chia sẻ.

Thành quả cho những nghị lực phi thường của cậu bé tật nguyền - Lê Bảo Ngọc
Thành quả cho những nghị lực phi thường của cậu bé tật nguyền - Lê Bảo Ngọc
Thành quả cho những nghị lực phi thường của cậu bé tật nguyền - Lê Bảo Ngọc

Không phụ công lao của bố mẹ, hai năm liền Ngọc đều là học sinh giỏi của trường. Cô giáo Đinh Thị Liễu kể về cậu học trò đặc biệt đầy tự hào: “Lớp tôi có 24 học sinh thì kết quả học của Ngọc luôn đứng thứ 2 trong lớp. Mấy học kỳ vừa qua em đều là học sinh giởi với điểm thi luôn đạt 9 và 10. Mặc dù bị bệnh tật nhưng chưa bao giờ thấy em nản chí. Nhiều hôm trời mưa, thầy cô khuyên gia đình nên cho em nghỉ ở nhà nhưng Ngọc vẫn không đến lớp để học. Tinh thần học tập của em là tấm gương sáng cho nhiều em học sinh trong lớp ”.

Tiếp tục viết ước mơ của mình, Ngọc chỉ ước ao gia đình em trả hết nợ để có điều kiện cho em được đến trường. Trong tương lai Ngọc cũng hy vọng mình sẽ là thầy giáo của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như em.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1.  Mã số 1362: Chị Đinh Thị Thoa (mẹ em Lê Bảo Ngọc) - xóm 7, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
ĐT: 0919 080 172 hoặc 0396 566 858
 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

 

Phượng Vũ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm