1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 291:

Nghị lực của thí sinh cao 70cm

(Dân trí) - Tin bé Thương được đặc cách tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng làm rộn ràng cả thôn Đông Phước, Đại Hồng, Đại Lộc (Quảng Nam) mấy hôm nay. Ai cũng mừng cho "cô bé da cam" ham học có tiếng. Phía sau bao năm đèn sách của em là nghị lực phi thường.


Níu áo mẹ đòi đi học

Mẹ sinh ra Thương khi đang cho bò ăn. Chị Lương Thị Huệ, mẹ Thương vẫn còn sợ khi nhắc lại cái ngày cách đây đã hơn 20 năm. Bầu bì sắp ngày sinh, chị vẫn tất bật việc nhà nông như bao nhà khác ở xã Đại Hồng, cái xã nghèo có tiếng vì “có làm ra mà lũ lụt hầu như năm nào cũng đổ về, dọn không kịp là tiêu tan hết”.
 
Bữa đó, đang cho bò ăn sau vườn nhà, chị nghe dưới bụng đau nhói. Nhìn xuống thì …trời ơi, một cái chân bé xíu xiu đã nhoài ra. Chị hoảng hồn gọi người nhà đi kêu bà đỡ. Cô bé con đỏ hỏn, đôi chân nhỏ xíu như hai cái nắm tay dính chặt vào thân người cũng còng queo. Chị nhìn con chết lặng. Ra viện khám bệnh cho con, kết quả Thương có hình hài dị dạng như vậy là do bị phơi nhiễm chất độc da cam.
 
Nghị lực của thí sinh cao 70cm - 1

Thí sinh đặc biệt vừa được đặc cách xét tuyển vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng - Trương Thị Thương
 
Mãi 6 tuổi, Thương mới biết nói. Vậy mà vừa bập bẹ được mấy tiếng, em đã níu áo mẹ chỉ vào chị gái đang soạn sách vở ra bàn học, đòi tới trường. Chỉ ở nhà nghe chị học bài thôi mà Thương nhớ rồi đọc lại y chang. Vợ chồng chị Huệ, ba mẹ Thương quyết “liều”, bồng con ra lớp mẫu giáo.
 
“May mà cô giáo hồi đó, tôi nhớ là cô Liên, cũng thật tội. Cô Liên hồi đó đang có bầu, nghe người ta dọa dạy con bé Thương, nhìn hắn rồi sinh con ra y chang như thế mà cô cũng gạt ngang. Mỗi ngày mẹ bồng Thương tới lớp, cô cho Thương ngồi ngay ngắn một chỗ dạy hát, dạy đọc thơ cùng các bạn", chị Huệ cảm kích nhớ lại:

Thương vào lớp 1, rồi lên lớp 2. Năm nào cũng được nhà trường phát thưởng, phát giấy khen học sinh giỏi xuất sắc. Cả xóm phục con bé có tật nhưng cũng rất có tài. Anh Bảy, chị Huệ, ba mẹ Thương cũng mừng trong bụng.

Vậy mà, “ông trời cứ trớ trêu”, chị Huệ, mẹ Thương không kềm được tiếng than. Thương học hết lớp 2 thì ba em ngã bệnh nhũn não. Ba năm ròng, chồng nằm liệt giường, con thì ba đứa, con bé Thương không tự đi lại, đi đâu, làm chi phải nhờ người khác ẵm bồng. Má Thương đành cho con nghỉ học. Thấy con dòm qua cửa sổ nhìn bạn đi học thòm thèm, chị nhắm mắt làm ngơ vì còn đường đâu mà tính.

Trời giận rồi trời thương, ba năm thì ba Thương đỡ bệnh. Chị Huệ cũng chưa dám nghĩ tới việc cho con đi học lại. Vậy mà chính bé Thương, một lần nữa, níu tay mẹ đòi đi học: “Má ơi, giờ ba đỡ bệnh rồi, má dẫn con tới trường đi, để con xin thầy Hiệu trưởng cho con đi học lại”.
 
Bức tường nhà ngả màu vì thấm nước lụt năm này qua năm khác, nhưng được dán lên thêm nhiều bằng khen “học sinh Trương Thị Thương- đạt danh hiệu học sinh xuất sắc”, “học sinh Trương Thị Thương- tấm gương vượt khó, vươn lên trong học tập”…
Nghị lực của thí sinh cao 70cm - 2

Những thành tích đáng cảm phục của "cô bé da cam"

 
Hỏi Thương đi học khó lắm không? có bị bạn bè chòng ghẹo chi không? Thương cười trả lời rất chững chạc, khác hẳn với ngoại hình nhỏ xíu như học sinh tiểu học:
 
 “Ở nhà mới buồn. Giờ mà không học thì em không biết làm chi. Mấy năm trước cũng có nhà báo viết về hoàn cảnh của em, rồi có người họ âm thầm, chẳng ghi tên chi hết, gửi cho em nguyên một bộ máy vi tính. Chính vì ghiền cái máy tính đó mà em mê tin học. Nhưng chỉ mày mò tự học được những thao tác căn bản. Ở quê mà, đâu có nhiều sách dạy. Hồi xưa có được một quyển thì năm 2009 lụt ngập nóc nhà, sách cũng trôi mất tiêu. Nên giờ em muốn học ngành công nghệ thông tin, mở mang kiến thức lĩnh vực mà em yêu thích. Ngành này cũng hợp với người điều kiện khiếm khuyết như em”.

Bồng con tới lớp

Bao nhiêu năm Thương đi học là bao nhiêu năm ba mẹ thay nhau ẵm rồi chở Thương đến trường. Cả nhà Thương có 7 người. Hai chị lớn của Thương, một chị đã có chồng, một chị vì nhà nghèo khó quá, đã xin mẹ cho nghỉ học ngang lớp 10, vào Sài Gòn học nghề kiếm sống. Còn lại 5 người: bà nội, ba mẹ Thương, Thương và em trai út chuẩn bị lên lớp 9. Chừng đó người trông vào quán nước thu nhập mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Cộng với mấy công ruộng và tiền lương trưởng thôn 400 ngàn đồng/tháng của anh Bảy, ba Thương.

Chị Huệ thật thà: “Hồi trước nhà còn nghèo hơn giờ nhưng vẫn sống được qua ngày. Ở quê mình mà, có chi ăn nấy. Rồi có đợt báo viết về bé Thương mấy năm trước, cũng có người thương tình giúp tiền. Tôi lấy đó làm vốn mở cái quán bán chè, sữa đậu nành, nước giải khát… Bán cũng được, ngày lời lãi 50- 70 nghìn, có khi trăm nghìn, nên xoay sở chi phí sinh hoạt trong nhà cũng đỡ”.

Đang là “trụ cột kinh tế gia đình”, vậy mà nghe tin bé Thương được đặc cách xét tuyển thẳng vào đại học, chị không hề đắn đo: “Thì giờ tôi theo con bé ra Đà Nẵng luôn chớ sao. Đi theo để còn bồng con tới lớp. Nghỉ bán quán ở nhà, tôi tính ra Đà Nẵng rồi làm thuê, làm mướn chi kiếm tiền cho con ăn học. Tôi khổ quen rồi , có ngại chi mô”.

Nghị lực của thí sinh cao 70cm - 3

Chị Huệ tính sẽ theo ra Đà Nẵng để hàng ngày bồng con đến giảng đường đại học

Chị nhớ lại: “Hồi bồng bé Thương đi học tiểu học, đi bộ ngày 4 bận, mỗi bận hơn một giờ đồng hồ. Có bữa giữa trưa nắng quá, con bé mệt ngất xỉu, tôi lấy nước kênh vỗ vào mặt con cho tỉnh rồi hai mẹ con đi tiếp. Nhiều phen gặp nạn giữa đường cũng hoảng hồn. Như đợt hồi năm 2007, đang chở con bé đi học về thì trúng gió lốc bất ngờ. Cây gãy đổ đè hai mẹ con ngã nhào. Bé Thương đợt đó bị gãy cả hai tay. Thiệt khổ!”

Có người thấy chị cho con đi học cực quá, khuyên: “Con bé bị như vậy rồi học cho nhiều không biết có làm được chi không? Hay cho cháu nghỉ đi rồi còn lo làm ăn”. Nhưng thấy con ham học quá, chị không đành.
 
“Giờ cháu đã như vậy thì càng phải học cho có cái chữ, sau này còn tự thân lập nghiệp. Càng nhiều chữ nghĩa càng vững. Chớ lỡ mai kia mốt nọ tôi chết đi, tới cái chữ cũng không có thì con tôi biết sống bằng chi”, chị tâm sự.

Thật là “đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Đang nghe chúng tôi trò chuyện cùng mẹ em, Thương chợt quay mặt đi giấu khóe mắt hoe hoe đỏ. Không biết trên con đường đến trường của Thương, đã bao lần em giấu nước mắt như vậy trước những nhọc nhằn, hy sinh của mẹ, của ba.

Nghị lực của thí sinh cao 70cm - 4

Không biết bao nhiêu làn Thương đã quay đi giấu ánh mắt đỏ hoe như khoảnh khắc này
 
Cánh cổng đại học mở ra, con đường tương lai của Thương thênh thang hơn. Nhưng phía trước, cũng sẽ thêm nhiều khó khăn, vất vả với Thương và với gia đình em khi Thương quyết theo đuổi ước mơ tri thức đến cùng. Càng cảm phục ý chí của em, chúng tôi càng mong trên con đường đến giảng đường đại học của Thương sẽ có thêm nhiều tấm lòng quan tâm, nhiều bàn tay giúp đỡ nâng cánh ước mơ cho em - "cô bé da cam" giàu nghị lực.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Chị Lương Thị Huệ (mẹ em Trương Thị Thương): thôn Đông Phước, Đại Hồng, Đại Lộc (Quảng Nam)

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm