1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghẹn ngào tiếng hát mầm non

(Dân trí) - “Trường tôi đối diện với trường Tiểu học, hàng ngày nhìn thấy các đoàn cứu trợ về trường bạn nhiều giáo viên trong trường đã khóc vì tủi”, cô Đinh Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Minh Hóa (Quảng Bình) buồn bã chia sẻ.

Mầm non không chỉ… hát

Trường Mầm non xã Minh Hóa có 200 cháu, được sinh hoạt trong một cơ ngơi 2 tầng khá khang trang ngay Trung tâm xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Trận lũ lịch sử đầu tháng 10 vừa qua đã nhấn chìm trường trong 2m nước.

“Trường ở vị trí khá cao trong xã, xưa nay chưa từng ngập. Đêm 4/10 khi lũ lên, trường ban đầu còn mở cửa các phòng cho dân chạy lũ, nhưng sau nước lên khiếp quá nên dân trú chân trong trường cũng phải bỏ trường mà chạy”, cô Đinh Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng - kể lại.

Mấy ngày lũ dâng là mấy ngày mọi máy móc, trang thiết bị, tài liệu dạy học của cô cháu trường mầm non Minh Hóa sình nước, hư hỏng 100%. Đến số bàn, ghế mới sắm làm bằng gỗ ép cũng bung ra, hư hỏng hết cả.

Tuần trước, trường trở lại học tập khi chỉ còn mấy chiếc ghế gỗ bé tẹo để các cháu ngồi. Đồ chơi, tài liệu dạy học mất cả, cô cháu chỉ biết ngồi nhìn nhau rồi… hát đồng ca.

Nghẹn ngào tiếng hát mầm non - 1

Lớp học này có 30 cháu, nhưng gần 20 cháu bận ở nhà theo bố mẹ đi nhận hàng cứu trợ. 10 cháu với một bộ đồ chơi khiến cô giáo vất vả sắp xếp.

“Sau lũ, xã Minh Hóa cũng được cộng đồng quan tâm. Trường tôi đối diện trường Tiểu học, hàng ngày nhìn thấy các đoàn cứu trợ về trường bạn, nhiều giáo viên trong trường đã khóc vì tủi”, cô Hiền không giấu được sự tủi hổ trong câu nói.

Cũng thật, đã sau 1 tuần học tập nhưng 200 cháu vẫn đến trường ngồi hát “chay”, cô nhìn cháu, cháu nhìn cô mà không biết làm gì hơn. Tại một lớp học, căn phòng chừng 30m2 được chia thành các góc: góc thiên nhiên, góc khoa học, góc nội trợ, góc học tập… nhưng giờ tất cả các góc có một điểm chung là trống trơn.

Lớp có 30 cháu, nhưng chỉ có độ chục cháu đến lớp. Các cháu còn lại bận theo bố mẹ đi nhận hàng cứu trợ. “Sau lũ, các cháu bị ốm, hoặc bố mẹ bận dọn dẹp nhà cửa nên đôi khi không đứa trẻ tới trường được”, cô Hiền nói như thanh minh.

Cũng chẳng trách được cô, khi mà trường mở cửa trở lại trong cảnh “vườn không, nhà trống”, tất cả kế hoạch khôi phục đều chờ tiền. Để tạo không khí đón chúng tôi đến thăm, các cháu hát đồng ca, tiếng hát trong trẻo và rộn rã hơn ngày thường vì trong căn phòng chỉ có… tiếng hát.

“Nhiều người đi ngang trường cứ nghe tiếng trẻ hát là họ thấy tốt rồi, nhưng mầm non đâu chỉ có hát”, cô Hiền chua xót.

Còn ông Cao Văn Tường - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Minh Hóa cũng gật đầu lia lịa khi biết chúng tôi có ý hỗ trợ trường mầm non mua sắm lại tài liệu dạy học: “Phải, phải, hỗ trợ trường mầm non được đó. Mầm non chưa được hỗ trợ gì cả. Cách đây ít bữa có được hơn 200 hộp sữa cứu trợ, thấy mầm non tội quá xã phân bổ về đó hết, cô cháu mừng lắm”.

Bao giờ hết cảnh “dạy chay, học chay”?

Đã gần một tháng từ khi lũ rút, và cũng đã hơn một tuần từ ngày trở lại trường, trường Mầm non Quy Hóa vẫn chưa thể tìm lại bầu không khí học tập sôi nổi, vui vẻ thường ngày. Cũng như Mầm non Minh Hóa, trường Quy Hóa cũng chỉ đón các cháu đến trường cho đỡ nhớ lớp.

Nghẹn ngào tiếng hát mầm non - 2

Những ngày sau lũ, các cô thường cho trẻ hát. Đó là sinh hoạt tập thể hiệu quả nhất trong điều kiện dạy, học "tay bo".

Trường có 60 cháu, nhưng chỉ có hai phòng học cấp 4 tạm bợ. Hai phòng còn lại thực chất là nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, được trường mượn và ngăn đôi ra thành hai lớp. Thế mà các cháu vẫn hát vang vang, không hiểu do vui vì có khách đến thăm hay không thể làm gì hơn ngoài hát.

Trước lũ, mặc dù là ngôi trường mầm non của một xã nghèo, nằm trong một huyện nghèo bậc nhất nước, trường vẫn sắm được loa máy, tăng âm, dàn máy vi tính, tài liệu dạy học chỉn chu. Nhưng trận lũ lịch sử đã phá hoại tất cả, chỉ để lại mấy căn phòng trống huơ hoác.

“Hôm nay trường vui lắm, có nhà báo đến thăm, có đoàn sinh viên tình nguyện về vẽ tranh và tặng quà cho các cháu. Hôm trước cũng có đoàn cứu trợ đến cho bộ máy vi tính cũ, trường mừng lắm nhưng chưa dùng được vì máy có cài mật khẩu”, cô Trương Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng thật thà khoe.

Trường có hai lớp đang học. Một lớp có chút “hậu cảnh” của mầm non khi trên tường vẫn còn sót lại vài món đồ chơi, vài dòng chữ xinh xắn được viết, sơn lên tường từ trước lũ.  Lớp còn lại, học trong nhà sinh hoạt cộng đồng, độc chỉ có cô với trẻ.

Nghẹn ngào tiếng hát mầm non - 3

Lớp học của trường MN Quy Hóa phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.

Đón nhận món quà từ bạn đọc báo Dân trí, cô Mai báo ngay với lãnh đạo xã và khẳng định sẽ mua sắm lại tài liệu dạy học ngay trong ngày mai. “Với số tiền này, coi như đủ mua tài liệu dạy học, còn thiếu đủ thứ từ loa máy, tăng âm, máy tính, trang thiết bị nhưng không sau, mấy thứ đó trường có thể mượn tạm của xã lúc cần”, cô Mai nói.

Trên đường đến các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quy Hóa… đi đâu chúng tôi cũng nghe những câu chuyện về cứu trợ, về trâu bò, lúa gạo đã mất, về giống má, về phương cách đứng dậy sau lũ. Cái người dân đang nghĩ trước hết là cái ăn, ổn định lại cuộc sống. Cái học cái hành của con cái, đặc biệt là trẻ mầm non, tạm thời bị xếp xuống thứ yếu.

Dẫu biết đó là một lẽ thường trong hình tháp nhu cầu của con người, vẫn không khỏi xót xa khi nghe tiếng hát trong trẻo, vang vang từ những lớp học mầm non sau lũ.

Ngày 3/10, đại diện báo Dân trí tại Quảng Bình đã đến thăm và hỗ trợ hai trường Mầm non xã Quy Hóa và xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa) 28,7 triệu đồng. Đây là số tiền do nhóm bạn đọc gửi qua Văn phòng Miền Trung của báo Dân trí tại TP Đà Nẵng. Mầm non Quy Hóa và Minh Hóa là hai trong số các trường bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2010. Ban giám hiệu trường Mầm non Quy Hóa và Minh Hóa đều khẳng định sẽ dành trọn số tiền nói trên để mua sắm tài liệu dạy học, vốn bị cuốn trôi và hư hại hoàn toàn trong trận lũ vừa qua.

Hồng Kỹ - Xuân Vương