Mã số 1693:
Nghẹn lòng trước cuộc sống “không lối thoát” của người cựu binh Trường Sa
(Dân trí) - Người thân liên tục mắc trọng bệnh, đi chữa trị hết nơi này qua nơi khác đến khánh kiệt, người lính Trường Sa năm xưa chưa bao giờ cảm thấy bị “khuất phục” trước sống gió, thì nay đang lâm vào cảnh bế tắc, không lối thoát.
Trở về từ biển cả mênh mông, ông Lê Văn Thương (63 tuổi, ở tiểu khu 6, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) - người cựu binh Trường Sa năm ấy vẫn còn day dứt trong tâm trí, khi những đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ từng đất của Tổ quốc, phục vụ công tác xây dựng những hòn đảo thuộc chủ quyền đất nước.
Tạm nén đi những nỗi đau thương vào tận sâu trong lòng, ông dành thời gian vào việc xây dựng gia đình, với mong muốn bù đắp lại những tổn thất cho người thân trong những năm tháng xa nhà. Tuy nhiên, giữa cuộc sống bộn bề với nhiều lo toan đã dường như đánh gục ông, đẩy ông ngày càng rơi vào cảnh bế tắc, bất lực trước cuộc sống thực tại.
Sẽ ít ai hiểu được những nỗi đau, trăn trở trong lòng người lính hải quân, kể cả sự dằn nén suốt bao nhiêu năm qua. Chính khuôn mặt khắc khổ, mái tóc đã ngả màu lẫn bàn tay chai sạn do phải vật lộn, bon chen để đảm bảo cuộc sống, lo miếng cơm, manh áo cho cả gia đình, và cho con cái học hành đã nói lên phần nào những vất vả mà ông đã trải qua.
Những ngày tháng công tác, chiến đấu, bảo vệ đảo Trường Sa Lớn, thuộc Quần đảo Trường Sa, đối với ông Thương luôn gắn liền với những kỷ niệm khó phai. Cho đến bây giờ, được sống bên gia đình, ông vẫn còn khá day dứt khi những đồng đội của ông đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ông Thương hoài niệm: “Khi nhận nhiệm vụ ra công tác và bảo vệ đảo, ai nấy đều phấn khởi, và luôn nêu cao tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tuy nhiên, lúc ấy trang bị của chúng ta còn chưa được hiện đại nên gặp không ít nguy hiểm trước sóng gió lẫn các thế lực nước ngoài. Cả đơn vị được điều ra công tác ngoài đảo lúc ấy có khoảng mấy chục người. Nhưng đáng tiếc rằng, trong đợt công tác đó, rất nhiều đồng đội của tui đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại giữa đại dương, cơ thể đã hòa vào lòng đất mẹ. Đến bây giờ, khi nghĩ lại những khoảnh khắc chứng kiến đồng đội nằm xuống, lòng tui đau và day dứt lắm…”.
Nói đến đây, giọng ông Thương bỗng nhiên trầm xuống. Chỉ chừng ấy thôi nhưng chúng tôi cũng thấu hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của đời lính Hải quân, cũng như những nỗi khổ tâm, dằn vặt mà ông Thương phải nghĩ ngợi suốt chừng ấy năm.
Từ ngày về đoàn viên với gia đình, dù bản thân còn mang trong mình đủ thứ bệnh tật, ông Thương luôn cố gắng dành hết tâm sức để cùng vợ chèo lái với cuộc sống. Đời sống gia đình lúc ấy dẫu có khó khăn nhưng với tinh thần khí khái, bản lĩnh vững vàng của người lính, ông cũng động viên vợ chăm chỉ làm lụng, rau cháo qua ngày. Rồi những đứa con của ông lần lượt ra đời, đều chăm ngoan và học rất giỏi.
Những tưởng cuộc sống bình ổn như vậy cũng đủ mang đến cho ông niềm hạnh phúc. Nào ngờ, vào năm 2000, sức khỏe của vợ ông là bà Đoàn Thị Thúy Hà có dấu hiệu suy kiệt. Bao năm trời làm việc cật lực cũng chỉ đủ đắp đổi miếng ăn cho cả gia đình, không dư giả được bao nhiêu nhưng ông vẫn cố gắng xoay xở, vay mượn thêm người thân bạn bè để đưa vợ vào Bệnh viện Trung ương Huế khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết vợ ông bị thiếu máu lên não do động mạch vành. Sau 3 tháng điều trị, ông đành đưa vợ về nhà chăm sóc vì bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi đó, tiền bạc trong túi cũng đã cạn dần, không đủ cho chi phí nằm viện và thuốc thang.
Rời bệnh viện, tâm trí ông trở nên rối bời vì không tìm được cách gì chạy chữa cho vợ. Mỗi khi thấy vợ ốm, nằm liệt giường, bỏ ăn uống, sốt cao là lòng ông như thắt lại. Biết bao phen chạy chữa, đi hết bệnh viện tuyến huyện, lên tỉnh, vào bệnh viện trung ương nhưng kết quả xét nghiệm đều không thể tìm ra căn nguyên của bệnh. Đến bây giờ thì ông Thương thực sự hoang mang, bởi không hiểu nguyên do bệnh tật vợ ông đang mắc phải.
Về phần các con của ông, khi sinh ra ai nấy đều bình thường, khỏe mạnh, chăm ngoan. Nhưng khi lớn lên, các con cũng mắc phải những biểu hiện bệnh giống mẹ. Người con lớn của ông Thương là Lê Hoài Nam (SN 1990) dù đang học trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cũng đột nhiên ngã bệnh và phải nghỉ học để điều trị. Hiện nay, dù đã thi, học lại và tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ Vật liệu xây dựng, nhưng căn bệnh mang trên mình vẫn chưa dứt hẳn. Người em út là Lê Hoài Nhi, học năm thứ Nhất ngành Kiến trúc, thuộc ĐH Bách Khoa cũng mắc phải căn bệnh tương tự. Trong quá trình theo học tại trường, hai anh em Nam và Nhi được giới thiệu đi bệnh viện khám thì phát hiện bệnh ký sinh trùng đường máu. Đây là một căn bệnh được các bác sĩ cho rằng rất ít gặp, phải mất thời gian điều trị khá dài.
Thấy bệnh tình của các con như vậy, ông Thương cũng hốt hoảng đưa vợ ra Hà Nội khám, và cay đắng nhận tin từ các bác sĩ, vợ ông cũng cho kết quả dương tính với bệnh ký sinh trùng đường máu. Suốt 15 năm qua, ông Thương đã đưa vợ con đi rất nhiều bệnh viện nhưng căn bệnh đang mang trên mình những người thân của ông vẫn chưa được chữa khỏi. Đau đớn đến cùng cực, ông chỉ biết ngửa mặt cầu mong một phép màu để vợ con ông được khỏe lại, học tập và lao động bình thường.
Suốt buổi trò chuyện, người cựu binh Trường Sa chỉ biết ngậm ngùi khi kể về cuộc sống quá ư khốn cùng của gia đình mình. Người lính năm xưa đã dám chấp nhận và từng đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, chưa từng một lần nhụt chí, thì nay, dường như ông đang cảm thấy “gục ngã”, bất lực trước cuộc sống.
Với món nợ khổng lồ lên đến hơn trăm triệu đồng mà ông đã vay từ Ngân hàng CSXH để chu cấp cho 2 đứa con học hành và lo chi phí điều trị bệnh cho mấy mẹ con, cũng chưa biết lấy đâu ra để thanh toán. Hoàn cảnh gia đình ngày càng rơi vào cảnh khốn đốn, bệnh tật triền miên, khiến giấc mơ của cháu Nhi có thể cũng trở nên dang dở khi đường học bị đứt đoạn.
Mới hôm rồi, em Nhi gọi điện về cho vợ chồng ông xin tiền đóng học. Giữa tâm thế ngổn ngang vì bệnh tật dày vò, vợ chồng ông cũng chưa biết xoay xở ra sao. “Thật sự bây giờ tui cũng không nghĩ được cách gì nữa, vợ con bị bệnh tật hành hạ như thế, chi phí điều trị khá lớn nhưng chưa biết lấy đâu. Nhưng dù khó khăn đến mấy tui cũng sẽ cố lo cho cháu học cho đến lúc ra trường” - ông Thương ngậm ngùi.
Bao nhiêu khó khăn của cuộc đời, có lẽ ông đã nếm trải đủ, nhưng đến bây giờ ông cũng chưa hề nhận được một chế độ trợ cấp gì. Điều khiến ông dằn vặt tâm can, để mỗi đêm phải thức trắng là không thể nào chữa dứt được những căn bệnh mà người thân ông đang mắc phải, mặc dù ông đã cố công xoay xở đủ đường. Thiết nghĩ, sự hy sinh của ông cho gia đình như thế cũng thật đáng khâm phục, nhưng chính ông cũng chưa nghĩ ra cách thoát ra khỏi cảnh sống khốn cùng này.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1693: Ông Lê Văn Thương, tiểu khu 6, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Điện thoại: 01699. 416. 323 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OFVIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đăng Đức