1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Ngày “Tết” trên giường bệnh của em

(Dân trí) - Những cái đầu bóng nhẵn không một sợi tóc, hoặc lơ thơ vài sợi còn sót lại khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Các em vẫn cười hồn nhiên trước ống kính máy ảnh, rồi sau đó ít tiếng có thể nằm mê man, lặng lẽ...

Khoa Nhi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ngày đầu tháng 6. Bệnh nhân vẫn đông như mọi khi. Rất nhiều giường bệnh với 2 bệnh nhân nằm ghép chung, riêng người nhà thì được phép rải chiếu nằm dưới sàn. Hôm nay đúng ngày Quốc tế thiếu nhi, với các em là một ngày tết trên giường bệnh.

Đứa khỏe mạnh thì chạy nhảy trong phòng, số yếu thì nằm mê mệt trên giường với cái ống truyền máu gắn kèm trên tay. Được bố mẹ cho đi chơi công viên, được đi xem rối nước, diễn xiếc có lẽ là điều quá xa vời với những đứa trẻ ở đây. Khi tất cả các em đang mắc những căn bệnh quá hiểm nghèo: tan máu bẩm sinh, máu khó đông, ung thư máu...

Tôi tần ngần bên giường bệnh của hai bà cháu: bà tóc bạc gần hết, còn cháu thì không một sợi trên đầu. Bà nhìn cháu móm mém khóc, riêng cháu vẫn cười. Mâm cơm của hai bà cháu chỉ có mấy lát thịt, một đĩa rau muống. Thế mà cháu vẫn xúc ăn ngon lành.
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 1

Bé Nguyễn Đoàn Mỹ Trang, 4 tuổi, bị ung thư máu khi gần 3 tuổi ngồi ăn cơm cùng bà nội trên giường bệnh
 
“Bố nó bị tàn tật, mẹ thì đang phải chăm đứa em của nó mới có 20 tháng tuổi. Tôi năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải lọ mọ theo nó vào viện chăm sóc đã suốt 6 tháng nay. Bác sĩ bảo cháu nó bị bệnh ung thư máu, liệu có điều trị khỏi được không anh. Nó mới gần 4 tuổi thôi anh à ?”, bà Nguyễn Thị Minh Hoan, quê ở Vĩnh Phúc cất tiếng hỏi tôi.
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 2

Đôi mắt trong trẻo, đầu không còn một sợi tóc qua 3 đợt hóa trị, bé Trang vẫn hồn nhiên trước ống kính

Tôi không biết làm sao để trả lời bà, mà hình như bà cũng không muốn nghe câu trả lời của tôi vì dường như trong tâm can bà vẫn biết bệnh của cháu mình nặng lắm. “Đấy, tóc cháu nó trước xanh đen, dài óng ả. Qua 3 đợt điều trị theo phác đồ, rụng sạch. Ai mới nhìn cũng tưởng nó là con trai. Ở viện này, những khi không phải truyền hóa chất, hoặc khỏe khỏe một tý thì nó nghịch tung giời tung đất ý chứ”, bà Hoan nói tiếp.

Một cô bé khác có khuôn mặt y như thiên thần, phải hồi lâu bắt chuyện cô bé mới chịu nở nụ cười trước ống kính máy ảnh. Cô bé tên là Phạm Hà Chuyên, năm nay 3 tuổi, bắt đầu nhập viện Huyết học và Truyền máu Trung ương điều trị từ tháng 1 năm nay. Chị Nguyễn Thúy Trinh, người mẹ gầy gò với ánh mắt buồn thiu, lặng lẽ nói về con: “Hơn 4 tháng trước, cháu tự dưng kêu đau và sốt liên tục, ở cổ nổi lên mấy cái hạch to lắm. Lên đây khám thì bác sĩ bảo cháu mắc phải bệnh bạch cầu cấp, cần phải truyền máu liên tục. 3 tuổi rồi mà cháu được có 10 kg, bé tong bé teo, thương lắm”.
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 3

3 tuổi, bé Phạm Hà Chuyên sớm có số phận nghiệt ngã khi mắc bệnh bạch cầu cấp, một dạng của ung thư máu
 
Tôi rờn rợn khi nghe chị bảo bé Chuyên bị bệnh “Bạch cầu cấp”. Đó là một dạng của ung thư máu đã đến giai đoạn nguy hiểm. Nghĩa là cô bé đáng yêu, có khuôn mặt ngây thơ với nụ cười trong sáng trước mặt tôi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh.
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 4

Bé vẫn nở nụ cười ngây thơ, đâu biết lằn ranh sự sống và cái chết của mình đang rất mỏng manh

Đang nói chuyện với bé Chuyên thì tôi bất ngờ gặp lại cậu bé Nguyễn Đức Trung, nhân vật trong bài viết “Con bụng to, mẹ nỗi lo thêm chồng chất” trước đây. Trung là cậu bé bị hội chứng thực bào máu, là một dạng của ung thư máu, dẫn tới gan và lách trướng to, bụng căng phồng như quả bóng bay.

Hôm nay có lẽ là ngày cậu bé khỏe khoắn, nên lâu lắm tôi mới thấy cậu ngồi trên chiếc xe đẩy vừa nghịch vừa cười. Chị Hà Thị Hoa, mẹ của bé Trung bảo với tôi, những giây phút thấy con trai cười với chị thật quý giá. “Bệnh của cháu bác sĩ bảo không chữa được, chỉ có thể điều trị để duy trì tính mạng. Chẳng biết cháu có thể sống bao lâu nữa, nhưng tôi sẽ hạnh phúc khi được thấy con cười”, chị nói với tôi, rồi quay mặt đi để cố ngăn dòng lệ khi nghĩ đến một ngày sẽ không thấy con trai trên cõi đời.
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 5

Bé Nguyễn Đức Trung bị bệnh hội chứng thực bào máu khiến bụng to như quả bóng
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 6

Nụ cười trong trẻo của một cậu bé có số phận tủi buồn

Bác sĩ Nguyễn Thị Phúc, khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, tổng số bệnh nhi ở khoa có tới 104 em, trong đó phần đông là những bệnh nhân cũ nhập viện điều trị theo phác đồ, hoặc tiếp máu để duy trì sự sống. “Bé nhỏ nhất mới có vài tháng tuổi, bé lớn thì đã học lớp 7, lớp 8. Nhiều bé có thâm niên nằm viện ở đây đến ba, bốn năm. Nghĩa là có nhiều bé đón mấy cái tết thiếu nhi ở viện rồi, mà chẳng có tết nào là không khỏi buồn”, bác sĩ Phúc kể.

Tôi chợt xốn xang lòng, khi nghĩ đến cái nghịch lý: ngày quốc tế thiếu nhi là ngày trọng đại với nhiều em nhỏ, nhưng cũng là ngày “đáng thương” cho bao số phận không may mắc bệnh hiểm nghèo. Những tờ giấy trắng tưởng như thơm mùi mực, mà số phận nghiệt ngã đã làm loang lổ. Biết trách ai bây giờ ?!...
 
Những hình ảnh về các thiên thần bé nhỏ trong ngày quốc tế thiếu nhi... bên giường bệnh:
 
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 7

Ngoài kia bao bạn nhỏ đang chạy nhảy vui đùa, còn em nằm đớn đau trong bệnh tật
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 8

Kẹo bánh, trò chơi có ý nghĩa gì khi em đang lên cơn sốt
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 9

Nỗi buồn đã thẳm sâu trong đôi mắt của cô bé mới 3 tuổi
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 10

Ánh mắt của em như một nỗi xót xa...
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 11

Giấc ngủ buồn trong ngày "trọng đại" của những thiên thần bé bỏng
Ngày “Tết” trên giường bệnh của em - 12

Các chị lớn hơn tìm niềm vui trong trò chơi bình dị
 
 
Thế Nam