Mã số 759:
Nể phục tình yêu chồng con của sơn nữ người Xê Đăng
(Dân trí) – Ngày ngày, từ sáng tinh mơ, sơn nữ Y Buôn bụng mang dạ chửa đặt chồng lên chiếc xe bò mượn của hàng xóm, rồi dùng sức mình thay bò kéo xe vượt sông Pôkô, leo qua 2 ngọn đồi để lên nương trồng mì.
Nghe giọng kể đều đều của chị Y Na – Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum về khốn cảnh của gia đình A Dương và Y Buôn mà chúng tôi không khỏi nao lòng khi mường tượng về hình ảnh cô gái Y Buôn nhỏ bé đang mím chặt môi kéo chiếc xe bò nặng chịch, dẫm từng bước nặng nề trên con đường ruột dê đất đỏ lầy lội để leo lên ngọn đồi cao; rồi lại dùng lưng chèn xe để từ từ xuống dốc; rồi mò mẩm đặt từng bước chân trên những ụ đá sỏi nhấp nhô để kéo xe băng qua con sông Pôkô khi hiền hòa, lúc giận dữ…
Có lẽ, không ai có thể tưởng tượng được một cô gái nhỏ bé có thể thực hiện hành trình ấy đều đặn một tuần 2 lần trong suốt thời kỳ thai sản. Nhưng Y Buôn làm được! Cô gái trẻ người dân tộc Xê Đăng ấy làm được với tình yêu mãnh liệt của mình.
Đôi trai tài gái sắc và tai nạn bất ngờ
A Dương sinh năm 1989, học hết lớp 7; còn Y Buôn sinh năm 1992, học hết lớp 8. Tính trên mặt bằng chung của đồng bào Xê Đăng ở vùng rừng núi này thì A Dương và Y Buôn có trình độ học thức, cả hai lại trẻ trung xinh đẹp có tiếng trong làng nên cuộc tình của hai người được rất nhiều thanh niên ngưỡng mộ.
Năm 2010, A Dương và Y Buôn về ở với nhau khi cả hai đều trắng tay, dắt díu nhau lên rừng phát rẫy để mưu sinh và gầy dựng tương lai chung. Trong một lần phát rẫy vào cuối năm 2010, trời bỗng đổ mưa tầm tã, hai vợ chồng núp mưa dưới gốc cổ thụ giữa rừng già. Bất chợt đất dưới chân trùi xuống, gốc cổ thụ đổ nghiêng đè nghiến lên người A Dương, còn Y Buôn được A Dương đẩy ra tránh thoát.
Sau tai nạn ấy, A Dương bị chấn thương cột sống vùng thắt lưng, hai chân bị liệt hẳn. Cũng trong những ngày theo chăm sóc chồng ở bệnh viện, Y Buôn mới biết mình đã có thai…
Y Buôn trở về làng cùng người chồng bại liệt đang chờ hồi sức với cái thai hơn tháng trong bụng và cái túi rỗng không. Bắt đầu từ đó, Y Buôn phải trãi qua những tháng ngày cơ cực vô cùng. Một bi kịch được ông trời xếp đặt cho cô sơn nữ xinh đẹp tuổi vừa đôi chín...
Y Buôn kể: “Những ngày đầu khổ lắm, A Dương không làm được gì hết, nhúc nhích tay chân cũng không được. Tắm rửa, tiêu tiểu gì em cũng cõng anh ấy đi”.
Và vì không có ai chăm sóc chồng, mỗi bận lên nương Y Buôn đều phải đưa chồng đi theo cho tiện chăm sóc. Rẫy nhà Y Buôn chỉ cách làng vài cây số nhưng phải băng qua một nhánh sông nhỏ của con sông Pôkô nổi tiếng, leo 2 ngọn đồi cao nên người khỏe mạnh phải mất 2 tiếng đồng hồ mới tới. Với Y Buôn, con đường ấy còn xa hơn rất nhiều…
Vì A Dương không thể cử động, Y Buôn phải đặt A Dương lên chiếc xe bò mượn của hàng xóm, còn Y Buôn nắm càng xe thay bò kéo chồng lên nương. 3km đường rừng núi với 1 người phụ nữ Xê Đăng không là gì cả, nhưng kéo 1 chiếc xe bò cũ kỹ đóng bằng gỗ, bánh sắt thì thật cực nhọc. Nhất là trên xe còn có người chồng nặng gần 60kg và Y Buôn thì bụng mang dạ chữa…
Y Buôn phải thực hiện hành trình vất vả ấy cho đến khi cô con gái Y Diệp ra đời vào tháng 6/2011. Lúc này, vết thương của A Dương phục hồi nhưng đôi chân của anh liệt hẳn, phải đi nạng gỗ. Ngày ngày, cô sơn nữ vừa sinh con vẫn phải bồng con nhỏ lên nương từ sớm tinh mơ để kiếm gùi mì về đổi gạo, người chồng chống nạng tập tễnh theo sau với đôi mắt u buồn…
Mong lắm 1 kết cục có hậu
Cái nỗi vất vả khôn cùng ấy của cô gái trẻ đã sinh ra một câu chuyện tình tuyệt đẹp mà bi thương. Với 1 nhà văn, đó là 1 chất liệu tuyệt vời cho những sáng tác của mình. Nhưng với những nhân vật chính trong cuộc sống đời thường, đó là nỗi vất vả, cực nhọc vô cùng.
Và lúc này, với Y Buôn, bên cạnh nỗi đau vì sớm phải nuôi chồng bại liệt, tương lai mờ mịt, cô còn đang lo cho sức khỏe của cô con gái Y Diệp, kết tinh tình yêu và cũng là chứng nhân cho nỗi bất hạnh của đôi vợ chồng trẻ. Bởi dạo gần đây Y Diệp bệnh tật, cảm sốt liên miên.
Ngày chúng tôi đến thăm, Y Diệp cũng đang sốt, bé nằm ngủ mê man trong lòng mẹ sau cữ sữa no nê. Nhìn cô bé con bụ bẫm ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ, ít ra cũng có một điểm sáng trong số phận u tối của hai vợ chồng. Thế nhưng, Y Buôn không giấu nỗi vẻ lo lắng vì Y Diệp sốt hoài không khỏi.
Cứ mỗi lần Y Diệp sốt, Y Buôn lại bồng con ra trạm y tế xã nghèo nàn xin vài viên thuốc hạ sốt, cảm cúm cho uống chứ thực ra cô chưa từng đi bác sĩ khám để biết con mình bị bệnh gì. Còn chuyện đưa con đi bệnh viện khám đối với gia đình Y Buôn lúc này là rất đỗi xa vời… Quãng đường mấy chục km ra thị trấn là rất xa và tiền ăn uống, thuốc men là điều cô không dám nghĩ đến. Bởi cái ăn từng ngày cho gia đình 3 người đang đè nặng lên đôi vai gầy yếu của cô.
Còn với A Dương, mong ước lớn nhất của anh lúc này là được chữa lành đôi chân để có thể lên nương làm rẫy giúp vợ, để có thể lo lắng cho gia đình nhỏ của mình. Chàng trai vạm vỡ cúi gằm mặt bảo: “Nhìn vợ con cực khổ nhiều lúc mình không chịu nổi, bế tắc, gia đình lục đục liên miên vì mình…”.
Anh cho biết: “Lúc trước mình bị như vậy, bác sĩ bảo chỉ cần 10 triệu ra Đà Nẵng mổ là khỏi. Nhưng lúc đó nhà mình hết tiền, nhà cửa đất đai cũng chẳng có lấy gì mà bán. Hai vợ chồng đành trở về làng, đành chịu…”.
Nghe anh kể mà chúng tôi quặn thắt lòng, thầm nghĩ: “Chỉ 10 triệu đồng, chỉ vì không có 10 triệu đồng mà tương lai tươi sáng của cả gia đình đành đóng lại, người thanh niên trẻ trung khỏe mạnh chịu cảnh tật nguyền, cô gái kiên cường phải sống trong nỗi khổ cực triền miên sao?”.
Nhìn chàng trai mạnh khỏe, sáng sủa đang cúi gằm mặt vì mặc cảm vô dụng mà lòng xót xa. Nhìn cô sơn nữ xinh đẹp yêu chồng, thương con đang quay mặt cố giấu nước mắt tủi phận mà không khỏi đau đớn. Nhìn đứa trẻ yếu ớt đang lim dim ngủ trong vòng tay mẹ mà lạnh lòng…
Núi rừng Kon Tum bạt ngàn, xanh ngát, đồi núi trập trùng, nguyên sơ vô cùng quyến rũ. Nhưng vào sâu trong những cánh rừng, những bản làng thì cảnh đẹp ấy biến thành những mảnh đời lam lũ.
Nghe câu chuyện tình của A Dương và Y Buôn thì ai cũng không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ. Nhưng hình như câu chuyện tình tuyệt đẹp nào cũng nhuốm màu bi thương. Và 3 nhân vật chính trong câu chuyện này cũng đang rơi vào cảnh cùng quẫn.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 759: Anh A Dương hoặc chị Y Buôn, thôn Tê Pen, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |