1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghệ An:

Một gia đình nghèo có 3 người bị ung thư

(Dân trí) - Trong một gia đình có 4 người thì đã có tới 3 người mắc chứng bệnh ung thư. Đó là gia đình anh Cao Đăng Cầu và chị Trương Thị Thiều trú tại xóm Vả, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An.

Hai vợ chồng anh Cầu và chị Thiều cùng sinh năm 1968, họ xây tổ ấm gia đình năm 1989. Cuộc sống vợ chồng ngày một  hạnh phúc khi vợ anh lần lượt sinh  được 2 đứa con khoẻ mạnh vào các năm 1990 và 1993.

Nhưng họ đâu có ngờ rằng  những tai hoạ khủng khiếp đang ập xuống gia đình chị.

Đầu năm 2006, anh Cầu đang khoẻ mạnh bỗng thấy đau ở bên mang tai, cơn đau lúc đầu âm ỉ sau ngày càng dữ dội. Anh phải nghỉ việc nhà ra bệnh viện K (Hà Nộ ) khám bệnh. Kết quả xét nghiệm cho biết anh bị bệnh ung thư vòm họng phải ở lại bệnh viện điều trị một thời gian dài. Cuối  năm 2007, anh Cầu đi viện K lần thứ 3, lần này các bác sĩ cho biết: Anh đã chuyển sang ung thư giai đoạn cuối, không còn khả năng cứu chữa, nên bệnh viện đành phải trả về nhà.

Ba lần đi bệnh viện K, hai lần đi bệnh viện Nghệ An, gia đình anh Cầu đã phải  tiêu tốn hơn 20.000.000 đồng để chữa bệnh cho anh, nhưng vô vọng. Hiện nay anh đau đớn khắp  người, u hạch di căn từ vòm họng đi khắp nơi trong cơ thể. Gia đình tiếp tục vay  mượn tiền mua thuốc Nam cho anh uống qua ngày với hy vọng giảm bớt phần nào nỗi đau đớn cho anh.

Tháng 6/2006, chị Thiều vợ anh lại xuất hiện cơn đau tương tự và bệnh viện K chẩn đoán chị bị bệnh ung thư hạch cổ như chồng chị. Cũng như anh Cầu, chị Thiều đã ba lần đi Bệnh Viện K Hà Nội: lần thứ nhất hết 15.000.000 đồng, lần thứ hai hơn 10.000.000 đồng, lần thứ 3 khoảng 5.000.000 đồng. Hiện nay chị tự mua thuốc chữa bệnh tại nhà, nhưng thỉnh thoảng lại phải ra bệnh viện K để chạy tia, trị xạ…sức khoẻ ngày một suy giảm.

Sáng hôm nay, 30/3/2008 chị Cao Thị Hợi giáo viên trường tiểu học xã Nghĩa Xuân, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (chị gái anh Cầu) vừa khóc vừa điện cho tác giả báo tin anh Cao Đăng Cầu,  một trong 3 người bị ung thư đã mất vào tối 29/3/2008.

Hiện hoàn cảnh gia đình rất thương tâm. Anh Cầu là trụ cột trong gia đình, anh ra đi để lại gánh nặng nợ nần cho vợ con, cho những người bệnh tật khốn khổ.

Tai hoạ chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 2 /2007, cháu Cao Văn Cường 16 tuổi học sinh lớp 9, đang khoẻ mạnh, học tập bình thường, bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng giống bố mẹ, gia đình hốt hoảng đưa cháu ra Hà Nội khám bệnh. Kết quả không nằm ngoài dự đoán: cháu Cường cũng bị ung thư hạch cổ. Hiện nay cháu đã phải bỏ học để ở nhà chữa bệnh.

Chị Cao Thị Hợi, giáo viên trường tiểu học xã Nghĩa Xuân,  là chị ruột của anh Cầu cho biết: Nguyên nhân của việc gia đình anh Cầu bị ung thư có lẽ là do do nguồn nước giếng bị nhiễm thuốc trừ sâu. Chị kể rằng: Trước đây ở xóm Vả này có 2 kho thuốc trừ sâu của HTX, chỉ cách nhà anh Cầu khoảng 20 mét, cứ sau mỗi đợt mưa thì giếng nhà anh nổi màu xanh trong vắt và ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu. Chị Hợi còn cho biết thêm, ở xóm này  thời gian qua đã có khoảng 6 người chết  vì ung thư như ông Bùi Văn Sếp, ông Cao Đăng Tề, anh Cao Văn Ba và bà Sen…

Bốn "ngọn nến lung linh" thì 3 ngọn đã sắp tàn, giờ đây niềm hy vọng mong manh chỉ còn trông chờ vào người con trai út của gia đình anh chị. Mong sao cho cháu tai qua nạn khỏi đừng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo như bố mẹ và anh trai cháu.

Được biết hiện nay cháu út là một học sinh giỏi đang học lớp 8, đã phải bỏ học để làm thuê lo cuộc sống cho cả nhà. Từ khi tai  ương ập xuống, gia đình anh chị  Cầu - Thiều rơi vào trình trạng khốn khổ, ba người mắc trọng bệnh với hàng chục lần đi viện, mọi chi phí thuốc thang phải nhờ vào tiền vay ngân hàng, anh em họ hàng nội ngoại với số nợ lên tới hàng chục triệu đồng. Gia đình đã phải bán hết trâu, bò lợn gà để lấy tiền trả nợ và thuốc thang mà cũng chẳng thấm vào đâu. Tình cảnh thật là khốn quẫn.

Gặp chúng tôi, anh Cầu nghẹn ngào: Vợ chồng chúng tôi sắp gần đất xa trời rồi chú ạ, chỉ thương hai đứa con thôi. Cháu Cường mới bị chớm bệnh, các bác sĩ nói có thể kéo dài sự sống cho nó, nhưng biết lấy gì chữa bệnh đây, đến cơm với  nước mắm còn không có mà ăn, lấy chi ra mà thuốc men chữa bệnh. Còn cháu út Cao Đăng Phi, chăm ngoan  học giỏi, phải nghỉ học làm thuê nuôi cả gia đình tôi xót xa lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Chúng tôi cũng bồi hồi xúc động, chỉ biết động viên an ủi gia đình anh, cố gắng đấu tranh chiến thắng bệnh tật để giành lấy sự sống cho chính mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1) Quỹ Nhân ái báo điện tử Dân trí,  Số 2/48 Giảng Võ, Hà Nội. Điện thoại: 04.7366491 (Máy lẻ 403)  

2) Chị Cao Thị Hợi giáo viên trường tiểu học xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Lê Kế Hùng