Đồng Tháp:
"Mỗi lần thấy ô tô qua cầu, chúng tôi nơm nớp lo cầu sập"
(Dân trí) - “Cầu Tắc Cây Me xuống cấp lắm rồi. Mỗi lần xe có trọng tải lớn qua lại, cầu gập ghềnh, rung bần bật như muốn sập đến nơi. Bà con sống hai bên cầu lo lắm, chẳng biết điều gì xảy ra khi cầu ngày một yếu, lượng người, phương tiện qua cầu nhiều hơn”, bà Dương Thị Muôi (74 tuổi) chia sẻ.
Đầu năm Đinh Dậu 2017, ông Tạ Văn Hội, Bí thư huyện ủy huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ cái khó của địa phương hiện nay khi trên địa bàn huyện còn hơn 120 cây cầu “gập ghềnh khó đi” cần xây dựng mới. Trong đó, cấp bách nhất là cây cầu Tắc Cây Me (thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), vì hiện nay cầu quá yếu, người dân đi lại khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa của nhân dân 03 xã Tân Thành, Tân Phước và Long Hậu bị tắc nghẽn nhiều năm qua.
Nhìn từ xa, cầu Tắc Cây Me còn vững chãi nhưng khi lên cầu, người đi sẽ cảm nhận được sự gập ghềnh của chiếc cầu bê tông có tuổi thọ gần 30 năm này. Nhất là khi có mấy chiếc xe ba gác chở hàng hóa qua cầu, độ gập ghềnh tăng lên cấp số nhân, khi đó ai cũng mong qua cầu cho mau…
Anh Diệp Văn Nghiệp – một người hành nghề chở thuê ở xã Tân Phước, cho biết: "Trước đây khi mới qua cầu lần đầu tiên sợ lắm nhưng vì chén cơm manh áo nên cũng gắng mà chạy qua. Nhưng sau này, tôi thấy cầu yếu, tự giảm tải trọng lại và đợi ít xe lên cầu… tôi mới dám chạy qua.
Còn bà Dương Thị Muôi (74 tuổi) sống ngay cạnh cầu Tắc Cây Me ngao ngán cho biết: “Cây cầu này được người dân chúng tôi hợp sức bắc cách đây gần 30 năm, đến nay cầu già yếu lắm rồi. Mỗi khi có xe ba gác chở hàng hóa qua cầu, cầu rung lên ghê lắm. Tôi và con cháu trong nhà thấp thỏm vô cùng, vì cầu có thể sập bất cứ lúc nào”.
Dù nhiều lần gia cố thêm trụ cầu nhưng cây cầu vẫn rung lên bần bật mỗi khi có nhiều phương tiện qua lại
Khi PV Dân trí đến ghi nhận, dù đã hết mùa vụ trái cây tuy nhiên lượng phương tiện qua cầu dày đặc, có khi những chiếc xe ba gác và xe tải “đụng độ” nhau trên cầu. Khi đó, một chiếc phải lùi lại và cảnh ùn ứ lại diễn ra. Khổ nhất là các cụ già, các em học sinh phải chờ lâu... Theo những người dân sống hai bên đầu cầu cho biết là thường xuyên xảy ra vào những buổi sớm trong ngày, nhất là vào vụ mùa.
Các thanh sắt là trụ đỡ của thân cầu... đến nay đã rỉ sét, hư hỏng nhiều
Ông Lê Minh Chánh – Chủ tịch UBND xã Tân Thành chia sẻ: "Để đảm bảo cho việc đi lại của bà con, năm nào địa phương cũng phải tu sửa cầu nhưng chỉ phục vụ cho việc đi lại đơn thuần của người dân (đi bộ và xe máy). Còn việc vận chuyển hàng hóa của người dân thì cầu Tắc Cây Me cần bắc mới nhưng vì kinh phí địa phương hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa thực hiện được điều này. Nếu cầu được bắc mới, một mặt vừa đảm bảo việc đi lại của người dân an toàn, vừa tạo động lực phát triển kinh tế cho xã Tân Thành và hai xã Tân Phước, Long Hậu khi điểm “thắt cổ chai” - cầu Tắc Cây Me được “tháo gỡ”.
Ông Lê Minh Chánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, nhân dân và chính quyền xã Tân Thành mong ước bắc cây cầu Tắc Cây Me cả chục năm rồi nhưng đến nay niềm mơ ước này chưa thành hiện thực
Hai bên đầu cầu Tắc Cây Me là những tuyến lộ bê tông rộng 4m khang trang, bà con vui như hội trong ngày khánh thành cách đây không xa. Đây là kết quả của sự bắt tay “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, bộ mặt nông thông xã Tân Thành ngày nay chuyển biến mạnh mẽ...
Tình trạng các xe máy va quẹt nhau trên cầu là xảy ra thường xuyên, nhất là khi vụ mùa trái cây diễn ra
Do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, những chiếc xe tải nhỏ như thế này thỉnh thoảng vẫn liều mình qua cầu....
Đồng chí Bí thư huyện ủy Lai Vung Tạ Văn Hội chia sẻ: Với chiều dài hiện hữu cây cầu là 35m và tải trọng phải đảm bảo trên 3,5 tấn thì kinh phí xây cầu phải hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, ở địa phương chúng tôi có sức dân, có tổ xây cầu từ thiện đảm bảo kỷ thuật của Hội cầu đường… nên mong báo Dân trí chia sẻ, nối kết với các mạnh thường quân để sớm có cây cầu mang tên Khuyến học và Dân trí bắc qua kênh Vàm Xáng Cây Me trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Hành