“Mất của”!?
(Dân trí) - Nhà nghèo chẳng có gì, tài sản lớn nhất của chị Lan là 3 đứa con. 2 đứa đã bị áp-xe phổi, nhiễm trùng máu, mắc chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh - căn bệnh mà người ta hay khắc khoải nói vui: Bệnh của người giàu.
Cũng chẳng có gì sai, cả một đời lam lũ sau đuôi con trâu, chắt chiu từng hạt lúa như vợ chồng anh Chánh, chị Lan thì đâu dám mơ chữa lành bệnh cho con. Đôi vợ chồng bất hạnh ấy chỉ dám thầm cầu mong bệnh tình của con thuyên giảm, nó đỡ hành thằng nhỏ. Đôi mắt khô cằn, cỗi già của người mẹ trẻ vừa qua tuổi 30 chực trào dâng nghẹn đắng ôm đứa trẻ ngồi co ro ở góc bệnh viện, nhẩm thầm: “Trong nhà có còn gì để bán?”.
Hằng ngày, nhìn qua ánh mắt con thơ, chị chỉ thấy đôi chân con queo đầy vết dao kéo, teo riết lại, hai bàn tay cứ ôm chặt đầu, vồ lấy mớ tóc mà bứt, mà rên la: “đau quá, đau quá, cứu con với mẹ ơi…”.
Người mẹ nhìn con mà nước mắt rỏ lã chã, mặn đắng, nóng chát trên khuôn mặt. Vợ chồng quay nhìn nhau lắc đầu. Những giọt nước mắt tủi hờn của một người đàn ông và một người đàn bà đen hốc hác, sạm già thi nhau nhỏ giọt cũng đã khô đi nhiều. Song, vẫn cứ rơi, rơi hoài mà bệnh tình của con chẳng chịu thuyên giảm.
Chứng kiến cảnh đó mới thấy hết cái ngổn ngang bế tắc của những phận nghèo ôm con “nằm dầm” bệnh viện.
Số 9 không tròn trịa
9 năm ròng, thằng bé lên 9 tuổi cũng là 9 năm vật lộn với bệnh tật trên giường bệnh. 9 năm em chưa có trọn một ngày thanh thản ngả mình trên giường chiếu của nhà ba mẹ. Cũng là 9 năm, vợ chồng ôm bọc đồ theo con sau chiếc băng ca bệnh viện, ngước nhìn căn nhà tồi tàn trống hoác ở quê, tất cả những gì có giá trị đều đã không đợi đến hôm nay. Bán trâu, bán bò, còn 2 sào ruộng quanh năm “ký gửi” nơi ông bà nội tóc đã ngả màu muối tiêu gieo gặt, nay ông bố bà mẹ bất hạnh đó cũng đang chực bán đi lấy tiền chữa bệnh cho con.
Anh chị là Trình Huy Chánh (41tuổi) và Mai Thị Lan (35 tuổi) ở Thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam.
Trình Công Tuấn, 9 tuổi - cái tuổi lẽ ra đã học đến lớp 3 nhưng vì đau ốm triền miên nên em đành gác bút vở, từ bỏ ước mơ được chạy nhảy, ngày ngày cắp sách đến trường như bạn bè cùng tuổi. Tuổi thơ của em là những chuỗi ngày dài trong bệnh viện với tiếng ho sặc sụa, từng cơn rên rỉ khốc liệt của căn bệnh quái ác.
9 tháng tuổi Tuấn đã bị viêm phổi, ho, sốt nặng rồi phải ôm bọc áo quần chạy hết bệnh viên Tam Kỳ rồi đến Đà Nẵng. Tháng 9/2005 bệnh quá nặng nên phải chuyển vào bệnh viện Nhi Đồng TPHCM để chạy chữa.
Tuổi thơ lớn lên tại bệnh viện, đón tết cũng ở bệnh viện luôn, cậu bé có cái tên Tuấn đã quen lấy “bệnh viện làm nhà” đến nỗi bác sĩ ở bệnh viện Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ cần thấy mặt là đọc thuộc lòng hồ sơ bệnh án.
Số ngày em được ngồi trong căn nhà của ba mẹ mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thương nhất là mỗi lần về nhà, đặt con nằm xuống là thằng nhỏ lại hỏi: “giường số mấy hả mẹ? - hỏi để lát nữa trả lời bác sĩ đó” - mắt người mẹ ứa lệ.
Trình Công Hải (SN 2005) - em trai Tuấn, từ lúc 2 tháng tuổi cũng phải nằm viện với các triệu chứng như anh của nó. Hai đứa con mang trong mình căn bệnh gàn dở đã cướp đi của bố mẹ chúng ước mơ cháy bỏng có được một cuộc sống bình dị, con cái khỏe mạnh đặng làm ăn nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Từ năm 2005, hai vợ chồng cứ ôm co ro bọc quần áo bệnh nhân theo con trên chiếc bắng ca đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.
9 tuổi là 9 năm Tuấn vật lộn với những cơn đau
Căn bệnh của người giàu
Sốt, ho, viêm màng phổi rồi hoại tử cả hai chân. Mỗi lần cháu Tuấn lên cơn co giật là hai vợ chồng lại giật nảy mình: hồ sơ bệnh án của con lại dài thêm ra. Chính cái sổ xanh xanh nhỏ nhắn kia như bản án treo cho người làm cha làm mẹ bất hạnh ấy.
Nhà đã không còn gì để bán. Vắt kiệt sức vay mượn, chạy vạy lắm cũng chỉ đủ lo mũi thuốc đầu tiên cho con đỡ lâm càng. Mỗi lần chuyển viện cấp cứu từ Tam Thăng ra Đà Nẵng đi xe hết 500-700.000 đ/chuyến, rồi nếu không thấy thuyên giảm thì phải vào TPHCM, một chuyến đi như thế cũng đã ngốn đi của anh chị 7.500.000 đ.
Một đứa trẻ mới 9 tuổi đầu, con nhà nông dân”chính hiệu”, bám trụ từng hạt lúa lại “gánh” trong mình bao nhiêu thứ bệnh: viêm phổi, áp-xe phổi, viêm tế bào toàn thân, viêm tế bào đùi ghép da, tràn dịch màng phổi, ho sốt cao do suy giảm miễn dịch bẩm sinh, viêm màng não mũ, nhiễm trùng máu…Đụng đến đâu nhiễm trùng thứ ấy mà toàn thứ bệnh đốt tiền không xót tay. Mỗi lần bị nhiễm trùng, phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu, rất đắt tiền và phải điều trị kéo dài.
Theo bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM, cháu Tuấn bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, cần thiết phải tiêm mỗi tháng một liều thuốc 10 triệu đồng (số tiền mỗi năm sẽ tăng lên/liều - tùy theo trọng lượng cơ thể) thì mới có sức đề kháng để duy trì sự sống.
Mân mê tờ hóa đơn thanh toán viện phí mỗi đợt, mắt người cha đờ đẫn run run, mờ nheo như không còn nhìn thấy gì nữa.
Cu Tuấn sau mỗi lần lên cơn
…Và niềm khao khát mang tên “Nôbita”
Chưa từng có một cái học bạ hay sổ liên lạc để chứng tỏ em đã từng được đến trường nhưng Tuấn vẫn nhận dạng được mặt chữ.
Lúc cười đùa khi ngồi bắt chuyện, tôi đưa tờ báo trên tay, em đọc ro ro, rành mạch từng câu chữ. Gương mặt sáng sủa khôi ngô hãy còn đầy nét tinh anh, rạng rỡ và hồn nhiên trong veo đôi mắt trẻ thơ đang gieo sự sống của mình trên từng viên thuốc, nỗi niềm ham học như xé lên cháy bỏng cả một ươc mơ đến trường len lỏi sau giường bệnh.
Hỏi “con có muốn gì không?”, chưa kịp dứt lời, em đã hào hứng: “con muốn được đến trường, được đi học như mấy bạn”. Cháy lên trong em một niềm mong mỏi một ngày được cắp sách. Nhìn ánh mắt thơ ngây của một đứa trẻ lên 9 có thừa vẻ sáng sủa và thông minh ấy, mấy ai biết em đang mang trong mình căn bệnh quái ác. Sự sống của em giờ đây chỉ còn đếm trên từng mũi kiêm tiêm. Có thuốc vào là khỏe ra. Cạn tiền, thuốc hết, em lại lên cơn la ó, giãy giụa.
Biết em thích truyện tranh Đôrêmon, đến thăm em ở Bệnh viện Đà Nẵng, tôi mua tặng em mấy tập. Em mở to mắt tròn xoe đầy xúc động vui mừng: Tôi hỏi “Cháu thích nhân vật nào nhất ở tập truyện này?”.Cu Tuấn hồ hởi giọng ngọng nghịu trong veo: “Cháu thích Mèo ú thông minh. Còn Nôbita thì hư ăn quá lại biếng học nữa. Nếu mà được đi học, cháu sẽ không lười biếng như Nôbita…”
Nói rồi, giọng tắt ngắt, bỏ lửng, em đưa mắt nhìn về phía cửa sổ giường bệnh nơi em nằm như dõi theo, cố níu lại ước mơ của một người vừa vụt khỏi tầm tay với.
Đầu giường bệnh của em, lúc nào cũng kè kè tập truyện tranh Đôrêmon. “Hễ mỗi khi khỏe là cháu lại lấy ra đọc” - Niềm vui duy nhất của đứa trẻ lên 9 mà thế giới của em là giường chiếu bệnh viện cùng niềm khao khát được đến trường thiết tha hơn bao giờ hết.
Đỗ Lan