Mã số 1577:
Mắc bệnh tim bẩm sinh, bé 15 tháng tuổi dặt dẹo như sợi bún
(Dân trí) - Ngày Gia Bảo chào đời được hơn 3kg. Thế nhưng hơn 15 tháng sau ngày sinh cháu Gia Bảo cũng chẳng hơn trước lúc mới sinh là bao nhiêu, chỉ nặng vẹn vẹn gần 4kg.
Anh Thiên, người dẫn chúng tôi đi tìm nhà Gia Bảo cứ thập thò ngoài sân. Anh nói bé Gia Bảo yếu ớt quá, càng ngày càng nhỏ lại, nhỏ như con chuột nhắt, anh không dám nhìn lâu. Nhìn nữa, không chịu nổi, có khi anh sẽ khóc mất.
Tội nghiệp, đành rằng trời đã cho đứa con, nhưng đôi vợ chồng này đoảng quá. Người ta bảo thế gian được vợ mất chồng, được chồng mất vợ vậy mà cặp bố mẹ này đều như là người không tỉnh, làm chi cũng ú ớ. “Tội cho con trẻ, hôm trước đặt cháu lên cân còn được 4 cân, mà qua mấy hôm đã sụt xuống, còn mỗi 3 cân 7 lạng (3,7kg). Bé càng ngày càng yếu, người như bún, lả đi xanh rớt", anh Thiên - người dân chúng tôi đến thăm bé Gia Bảo mặt mũi nhăn nhúm lo lắng.
Trường hợp mà chúng tôi nêu ở bài báo này, là bé Ngô Gia Bảo (con chị Trương Thị Quỳnh), sinh ngày 28/6/2013, đến giờ bé đã được 15 tháng. Nhà bé ở thôn Đột Tân, xã Nghĩa Xuân, huyện miền núi cao Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Cả thôn Đột Tân, ai cũng xuýt xoa khi chúng tôi hỏi đường tìm đến nhà bé Gia Bảo. Ai cũng muốn gặp phóng viên, gửi gắm đôi câu, sao cho những người có tấm lòng thiện giơ tay ra giúp đỡ bé. Có người con nhanh miệng bảo: Chứ ai, nhà cháu Bảo là khổ nhất cái xã này đấy. Cháu Gia Bảo đã hơn một tuổi rồi mà y chang như sợi bún, oặt ẽo, da xanh ngắt như tàu lá chuối.
Bà của Gia Bảo, Trương Thị Quảng, bế bé đi khắp xóm để dỗ ăn, nhưng nựng mãi cả buổi cũng không được vài thìa cháo. Nghe có mấy người khách đến tìm, bà lo sợ như giữa đêm gặp người lạ. Rõ khổ sở, ở nơi xó xỉnh, chẳng mấy khi bà Quảng đi ra khỏi chốn đường đất quanh thôn, nên cứ nghe người ta đến tìm mình là lúng túng. Bà nhấp nhổm ngồi trò chuyện, cái kiểu ngồi khắc khổ, càng in sâu thêm tình cảnh khó khăn cả đời người.
Gia Bảo trên tay bà ngoại, đặt em nằm ngửa thì em ngửa mặt lên trời, ngoại ôm em vào lòng, thì em chỉ biết nhìn những gì phía sau lưng ngoại. Bà cụ Quảng nói như thì thầm, trên tay, bé Bảo khổ sở cựa quậy lắm cũng không quay được cái cổ yếu ớt của mình mà nhìn đi nơi khác.
Lúc mới sinh, bé hồng hào tròn trịa và được hơn 3kg, nên cả nhà quý quá, lấy Gia Bảo đặt làm tên. Bé là cục cưng, ai cũng muốn bế muốn nhìn. Nhưng càng chăm càng thấy bé không lớn nổi, cho ăn thêm chút gì ngoài sữa mẹ là nôn ra. Đáng tội, nhà nghèo, bố mẹ đuểnh đoảng, mỗi bà ngoại biết lo lắng thì chậm chạp, nói chăm cho bé ăn mà cũng chỉ biết mỗi việc mua thêm cháo gói pha ra cho bé.
Cháo gói, cái thứ gạo người ta xay nhỏ sấy khô, bán ngoài quán hàng tạp hóa vài ba ngàn, rồi đổ nước sôi vô quấy thành thứ sền sệt là những gì mà chúng tôi nhìn thấy trên tay bà Quảng. Ở thời này, nói nuôi con trẻ bằng thứ đồ khô pha sẵn rẻ tiền, chẳng lấy gì bổ béo đó chúng tôi cũng chẳng dám ai nghĩ nổi, nếu như không nhìn vào bát cháo hôm đó. Cháo không có thịt, chỉ có màu trắng nhờ nhờ, lõng bõng của thứ gạo xay và nước.
Hơn 15 tháng tuổi, bé Gia Bảo chỉ hơn đứa trẻ mới sinh ở khuôn mặt có chút thần thái. Nhưng em đau đớn. Gia Bảo không lớn nổi vì em bị bệnh suy tim bẩm sinh, lại dính chứng viêm phổi, hai đòn đau giáng xuống một con trẻ nhà nghèo. Đã hai lần đi viện, bà Quảng phải bán đi một con trâu cày làm lộ phí đưa Bảo xuống bệnh viện tỉnh. Bác sỹ lắc đầu bảo khó, nhỏ quá, nhỏ như con chuột nhắt thì mổ sao được, phải mang về tẩm bổ, chưa kể phải đến năm thứ 3 ngành y mới dám nhận ca này.
Giờ nhà chỉ còn một con nghé, hai sào ruộng, hai sào mía, ngoài ra không còn chi mà kể. Muốn nuôi bé Gia Bảo, phải chăm bẵm này nọ, cho em lớn lên có sức mới mong vô bệnh viện nổi. Bà Quảng nhìn đăm đăm vào cháu mình đang nựng trên tay, mím môi suýt khóc: “Nhà nỏ có chi ngoài thóc lúa, muốn chăm cũng không biết lấy mô ra”. Mấy người hàng xóm theo chúng tôi vào nhà Gia Bảo, quay mặt đi, có người đỏ mắt.
Gia Bảo xanh rớt, gân xanh nổi rõ, da đầu, da cổ em chằng chịt đường gân xanh như tàu lá chuối. Môi em tím tái, cả người cũng tím tái, cái biểu hiện của những số phận bị lỗi về tim. Trời về chiều, nắng đổ nghiêng, Bảo thấy càng nhợt nhạt hơn. Chân tay em bải hoải, yếu đến mức không nâng lên nổi, có đôi khi Bảo ngồi được trong lòng bà Quảng, nhưng một lúc lại kêu khóc đau đớn vì ở lâu một tư thế.
Mẹ Bảo, chị Trương Thị Quỳnh, như được di truyền dáng vẻ khắc khổ từ bà ngoại, ngoài 30 tuổi mới lấy chồng. Người đàn bà dân tộc Thổ muộn chồng, cái lam lũ quê mùa in vào cả dáng ngồi. Mới 38 tuổi, nét mặt chị Quỳnh không còn chút bóng dáng xuân sắc, vằn những nếp nhăn nhúm, sợ sệt. Sức sống người mẹ cũng khô cạn, không hiểu có lấy được gì mà chuyền được sang cho con đang đau đớn.
Cái sự hiền đến mức lành lẽ nhẫn nhịn của chị Quỳnh chỉ mang đến cảm giác bất an, yếu ớt. Đáp lại lời chúng tôi cũng chỉ là những lời lí nhí trên đầu lưỡi, chị Quỳnh muốn nói một câu cho rành rẽ ra cũng không nói nổi.
Chồng Quỳnh là anh Ngô Mừng Thông, 40 tuổi, người ở dưới huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Gia đình nhà Thông đã mất hết (chết cả hai ông bà), Thông phiêu bạt lên xã Nghĩa Xuân, rồi hai người lỡ tuổi gán ghép về ở với nhau. Thông ở rể trong ngôi nhà của bà Quảng, là người đàn ông duy nhất trong gia đình, nhưng Thông không cáng đáng được gì.
Nói như dân trong thôn xóm Đột Tân, cả Quỳnh và Thông đều là những người “khéo chọn nhau”, đều ù lì không tỉnh táo, về cùng một chỗ. Tại nhà bà Quảng hôm ấy, cả hai mẹ con đều lí nhì nói rằng Thông đang xuôi xuống huyện Nghĩa Đàn để đi làm thợ hồ. Thông nghề nghiệp không có, đi theo người ta kiếm chén rượu hằng ngày, lấy say làm bạn. Khó mà hi vọng gì vào những đồng tiền Thông gửi về nuôi hai đứa con.
Đến như giấy tờ đi viện của bé Gia Bảo, đâu như Thông cũng đã lấy làm đóm (lửa) hút thuốc lào hết. Khi PV đề cập đến giấy tờ đi viện của bé Gia Bảo, chị Quỳnh quẩy quả tìm cả nhà mới thấy được một mảnh giấy con con nhăn nhúm ghi tên bệnh tình của bé. Dân gian ta bảo “trẻ trông cha, già trông con” mà Bảo không có cái phước đó. Nói lỡ không may, trẻ nít được bao nhiêu sức mà chống chọi đến khi đủ tuổi vô viện cho bác sỹ phẫu thuật.
Cùng có mặt với PV Dân trí, có chị Bùi Thị Quyên - Phó chủ tịch ủy ban xã Nghĩa Xuân, cứ đứng nhìn mẹ Quỳnh bế cháu Bảo, mà hai tay cứ xoắn riết vào nhau. Cùng kiếp phụ nữ, cũng làm mẹ có con, chị Bùi Thị Quyên hẳn thấy day rứt cho gia cảnh tuyềnh toàng này. “Cháu Gia Bảo sinh ra đã lắm tội nợ, nhưng cái tội nghèo khó nó hành hạ bé, làm cho bé không còn biết còn có cơ may mà sửa cái quả tim lỗi hay không”, chị Quyên chảy nước mắt.
Bé Gia Bảo cần mổ để thay, để sửa quả tim lỗi của em, nhưng trước khi được bồng lên bàn mổ ấy, em phải được chăm bẵm, nói như vị bác sỹ gọi chị Quỳnh ra một góc bệnh viện để tâm sự thật lòng “chị cứ đưa cháu về nhà rồi gắng tẩm bổ cho cháu, chứ yếu thế không mổ được đâu” - chị Quỳnh nói lại mà bật khóc.
Nhà quả là không có chi để mà bấu víu, không làm ra được 5 ngàn đồng một ngày, biết lấy đâu ra mà tẩm bổ cho Bảo. Và rằng sự sống của em, không chỉ là việc sửa quả tim bị lỗi, mà bởi em không thể cứ ngày ngày ăn thứ cháo gói sền sệt lõng bõng đó mà chờ đến ngày lên bàn mổ… Thương thay, số phận bé Gia Bảo biết có qua nổi mùa này không?. Câu hỏi đó, chúng tôi những người làm báo cầu mong mọi đoái thương nhìn đến gia cảnh của bé một lần thôi, dù chỉ một lần.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1577: Chị Trương Thị Quỳnh, thôn Đột Tân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0943.435.686 chị Quyên - PCT UBND xã. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |