1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Lớp học tình thương của bà Năm Tốt

Mười năm nay, có một lớp học tình thương do một nữ cán bộ về hưu bỏ tiền xây rồi hợp đồng mời thầy giáo về dạy học miễn phí cho gần 60 trẻ em nghèo của xóm Bực Lở, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Cách đây nhiều năm, đoạn quốc lộ 1 qua khu vực biển Cà Ná, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận được mệnh danh là “xóm đèn dầu”. Đối với cánh xe tải chạy đường dài, đây là đoạn đường quá quen thuộc với họ. Đoạn đường nổi tiếng không phải vì đây là một điểm đen về tai nạn giao thông mà nổi tiếng về một lĩnh vực khác: nơi “giải trí” giá bèo chuyên dành cho cánh xe tải Bắc - Nam với những ánh đèn dầu le lói được đốt lên để mời gọi khách làng chơi. Và số phận của những đứa trẻ sinh ra ở đây cũng le lói như những ngọn đèn dầu mà mẹ chúng thắp lên mỗi đêm để gọi khách.

 

Lũ trẻ, hầu hết là con của những người di cư tự do từ tứ phương dạt lại, sống ở đây trong tình trạng bốn không: không đất, không điện, không nước, không hộ khẩu; và cái không thứ năm bi đát nhất lại rơi vào lũ trẻ - không được đi học.

 

Năm 1996, bà Ngô Thị Quyên (người dân địa phương quen gọi là bà Năm Tốt) sau khi nghỉ hưu đã quyết định về đây mua đất mở quán ăn làm kế sinh nhai. Vốn là con của vùng đất Tuy Phong bạt ngàn nắng gió đi làm cách mạng, nay trở về muốn sống những năm tháng cuối đời nơi quê cha đất tổ.

 

Thời gian đầu sống ở đây, hình ảnh gây ấn tượng nhất cho bà là lũ trẻ con. Cứ mỗi khi chiều xuống, nước triều rút đi là hàng đàn trẻ con lớn có, bé có cứ giăng hàng ngang trên bãi biển tìm bắt những con ốc mượn hồn không kịp rút chạy theo con sóng để bán cho các trại nuôi tôm giống làm thức ăn cho tôm. Lân la hỏi thăm bà mới biết chẳng có một đứa nào trong số đó được cắp sách đến trường. Bà bàn với chồng mở một lớp học tình thương ngay tại quán ăn của bà.

 

Ban đầu bà tìm đến những gia đình sống gần đó làm quen rồi thuyết phục họ cho con đến lớp học, cũng khó khăn lắm vì tất cả đều muốn cho lũ trẻ tham gia vào việc kiếm tiền. Họ nói: “Học hành đâu có đem cơm đem gạo lại mà học”. Tuy nhiên, mưa dầm thấm đất, lâu dần họ cũng nghe, thử cho con đi học xem sao, cũng chẳng mất gì cả.

 

Lũ trẻ đi học đã được bà Năm Tốt lo đủ mọi thứ từ sách vở, bút viết, cặp sách đến cả bộ đồ đồng phục thể dục bà cũng sắm cho luôn. Bởi các em nghèo quá, “có em đến học chỉ có cái quần xà lỏn, áo thun mà cũng rách tả tơi. Thấy vậy tui bèn sắm luôn quần áo cho tụi nhỏ để chúng phấn khởi mà đi học”, bà tâm sự.

 

Thoạt đầu học sinh ít, lớp học được mở ngay tại quán của bà vào giờ trưa, do chính bà và một số nhân viên của quán đứng lớp, vì lúc đó “tôi chỉ muốn dạy chúng nó biết đọc biết viết cái đã”. Lâu dần bà con xung quanh cảm được cái tâm của bà, họ đem con đến nhờ bà dạy chữ ngày càng đông. Bà liền nghĩ đến chuyện phải tìm cách mời thầy về dạy cho có bài bản, vì tụi nhỏ sẽ còn tiếp tục học lên nữa.

 

Năm 2003, bà đã thuyết phục được cô giáo Nguyễn Thị Tố Oanh vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ở thị xã Phan Rang về đứng lớp. Tất cả chế độ lương bổng bà đáp ứng đầy đủ, lo luôn cả chuyện ăn ở cho cô giáo và còn đóng bảo hiểm xã hội cho cô nữa. Sĩ số học sinh ngày càng tăng.

 

Bà bỏ ra gần 50 triệu đồng để xây một phòng học rộng hơn 30m2 trang bị bàn ghế, bảng đen đầy đủ.

 

Sau cô giáo Oanh, thầy Châu Văn Trợ, một thanh niên người Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, sau khi tốt nghiệp THPT cũng được bà Năm Tốt nhận về sau khi cô giáo Oanh xin nghỉ dạy vì lý do gia đình.

 

Em Nguyễn Thị Thiện, nhà ở xóm Bực Lở, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, năm nay đã 13 tuổi mà thân hình như một đứa trẻ lên 8 ở thành phố. Em thủ thỉ nói với tôi: “Em thích đi học ở lớp của bà Năm lắm. Đi học được bà cho sách vở, cho áo quần và còn cho luôn cả dép nữa. Nhất là đi học em biết đọc báo cho ba nghe, biết làm toán để tính tiền cho mẹ khỏi bị lộn, đi học thích lắm”.

 

Em Lê Thị Sim, em Trần Ngũ Lực, những đứa trẻ nghèo xóm Bực Lở đều có cùng tâm sự. Riêng em Lực thì: “Em sợ bà Năm bệnh lắm, vì bà Năm mà có chuyện gì không có ai lo cho tụi em đi học cả”.

 

Không những lo cho các em có được cái chữ, bà còn liên hệ với các thầy ở Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong về kiểm tra trình độ, các thầy cô giáo của Trường tiểu học Vĩnh Tân cũng thường xuyên ra thăm và tổ chức thi kiểm tra để có cơ sở cấp học bạ cho các em. Trong những tháng nghỉ hè (lớp học tình thương của bà Năm cũng nghỉ hè giống như những cơ sở giáo dục khác), bà còn kêu tụi nhỏ đến lao động tại cơ sở của bà.

 

Bà nói: “Tập cho tụi nó lao động, kiếm tiền chính đáng”. Đứa nào chịu khó làm việc thì mỗi tháng ngoài ăn cơm ngày ba bữa, bà Năm còn trả thêm 450.000 đồng đem về cho cha mẹ. “Chứ mấy tháng hè tụi nó đi chơi rông rồi sinh hư” - bà nói như vậy.

 

Trong đợt thi kiểm tra cuối cấp tiểu học năm học vừa rồi, lớp học tình thương của bà Năm có năm học sinh lớp 5 tham gia dự thi kiểm tra cuối năm thì bốn em đạt yêu cầu chuyển lên học cấp II. Và các em này nếu có nguyện vọng theo học lên cao nữa thì bà Năm Tốt cũng sẵn sàng hỗ trợ.

 

Theo Hoàng Công Tâm
Báo Tuổi Trẻ