Lặn lội sớm hôm nuôi chồng liệt, con thơ

(Dân trí) - Từ lâu, nghề gánh cá rong đã là nguồn thu nhập chính để chị lo cho người chồng bại liệt và ba đứa con nhỏ. Hình ảnh một mẹ một con dắt díu nhau gánh gồng trên bãi biển Tam Tiến lúc 1, 2 giờ sáng đã quá quen thuộc với người dân nơi đây...

Năm 2008, anh Tưởng bị tai nạn xe máy dẫn đến bại liệt toàn thân. Gánh nặng gia đình từ đó đổ lên đôi vai gầy của chị Mậu. Đến thôn 1A, Xã Tam Tiến, Huyện Núi thành, Tỉnh Quảng Nam thăm gia đình anh Tưởng, một trong những hộ nghèo nhất nhì xã, mới 34 tuổi anh được liệt vào diện người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ. 

Lặn lội sớm hôm nuôi chồng liệt, con thơ - 1

Sau mỗi đêm nhọc nhằn với gánh cá xay rong trên bãi biển Tam Tiến,
chị Mẫu trở về nhà chăm sóc người chồng tật nguyền.
Khó khăn dồn dập khi các con anh đang tuổi đến trường, mà người trụ cột gia đình lại phải nằm một chỗ. Đã nhiều lúc, đến bữa cơm đạm bạc vợ chồng anh cũng không lo nổi cho con, cả nhà đành nhịn đói nhìn nhau. Tất cả thu nhập của gia đình anh Tưởng từ lâu trông chờ vào gánh hàng rong của vợ anh. Lãi lờ ở gánh hàng của chị chỉ là vài ba đồng bạc lẻ, không đủ tiền thuốc thang cho chồng. 3 đứa con của anh chị kiếm được gì ăn nấy, vậy mà vẫn học giỏi, không thua gì chúng bạn. Ngày ngày 3 đứa trẻ thơ tội nghiệp mang ước mơ tới trường vẽ lên trang vở, chúng ước ao “mình không phải nghỉ học giữa chừng”.

Trong ngồi nhà nhỏ, ọp ẹp lọt thỏm giữa dải cát miền biển Tam Tiến, ngoài tiếng rên la của người chồng bại liệt nằm một chỗ, thi thoảng còn có tiếng khóc của đám con thơ: “Mẹ ơi, con muốn được đi học, mẹ đừng bắt tụi con nghỉ học…”. Tiếng khóc của con thơ, làm chị Mẫu ruột gan như mớ tơ vò, chị tâm sự: “Có ai muốn vậy đâu, nhưng chồng em bệnh nặng, một hạt gạo trong nhà cũng vắt kiệt. Tiền đâu mà cho con đi học…”.

Từng tiếng khóc ngậm ngùi tủi phận của vợ chồng chị Mẫu nấc dài theo nỗi bất lực. Thân nhân người gây ra vụ tai nạn kia cũng không lấy gì làm khấm khá hơn gia cảnh anh chị, ai nỡ lòng nào ép họ phải bồi thường.

Nhọc nhằn những nỗi truân chuyên

1h sáng không một bóng người trên biển, chỉ thấp thoáng ánh đèn toả ra từ các mành ghe chông chênh giữa khơi. Chị Mẫu vội dậy lấy đôi quang thúng, bóng mẹ con chị tròn xoe trên cát.

Biển Tam Tiến ngày hè cũng như ngày đông buốt giá, người ta đã quen với hình ảnh một mẹ một con dắt nhau gánh gồng trên bãi cát này từ 1, 2 giờ sáng. Chị kéo mắc vài bóng điện, cho mấy tầu đánh cá từ ngoài khơi về sang lưới. Mỗi một bóng đèn điện như thế chị kiếm được 2 ngàn đồng, song còn phải chia đôi tiền điện với chủ nhà. Cả thảy từ lúc qua canh khuya cho đến rạng sáng tháo bóng, mỗi ngày như thế chị cũng có được 5 - 7 ngàn lẻ.

Lội hết một con đường lún cát, mắc cho xong mấy bóng điện, chị mới cắp thúng lội đến các ghe để lấy cá, xay nhỏ ra bán. Mờ sáng, lại tất bật đi tắt điện, quấn lại dây, thu tiền rồi ngồi ở bãi biển đợi người đi chợ xay cá thuê. Mãi 8, 9 giờ sáng, chị mới về nhà cẩn trọng đỡ chồng ngồi dậy làm vệ sinh, rồi ăn uống.

“Tụi con không cần quần áo mới, sách mới… được đi học là con vui rồi”

Từ xưa anh Tưởng vốn có tiếng là một thanh niên chăm chỉ, ham làm. Đùng một cái, anh ngã bệnh nằm xuống, phải sống thực vật. Sức bươn chải của chị không đủ tiền thuốc cho chồng. 3 đứa con nhiều bữa đang giữa mùa thi mà ngày cũng phải đi phơi cá thuê. 1, 2 giờ sáng đã phải thức dậy theo chân mẹ ra biển phụ mắc sợi dây điện, xay cá.

Sức vóc đàn bà nhỏ bé, mang vác người chồng bệnh nằm liệt giường, 3 đứa con nhỏ cháu Trần Minh Phú (lớp 7), hai cháu sinh đôi Trần Thị Cẩm Vân và Trần Thị Cẩm Tiên đang cùng học lớp 2, các cháu đều ngoan ngoãn, học rất giỏi nhưng đang có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Bé Cẩm Vân bị một khối u bì mắt bẩm sinh, đã 3 lần mổ cắt đi nhưng rồi nó lại lồi ra như cũ. Bé Vân còn nhỏ nhưng mắt đã bị mờ, phải vạch thật to em mới nhìn thấy được. Buổi sáng ngồi trông cha cho mẹ đi xay cá ngoài biển, lúc thì em làm vỡ chiếc bình thủy tinh, lúc lại làm chảy lênh láng túi nước đi ngoài của cha. Trang vở viết lệch lạc dòng trên dòng dưới nhưng cả hai năm liền đều là học sinh giỏi. “Đứa nào cũng ham học, cũng cố gắng lắm”, chị Mẫu thều thào.

Tai nạn bất ngờ anh thành tàn phế. Mơ ước phẫu thuật mắt cho con của người cha, giờ đây đành ngậm ngùi dang dở.

Khi tôi chào anh chị để ra về, hai đứa nhỏ sinh đôi cứ níu tay tôi gặng hỏi: “Cô ơi, cô xin má đừng để tụi con phải nghỉ học nghe cô! Đêm qua, con nghe má nói với ba, tiền đâu mà cho tụi nhỏ đi học, chắc phải có đứa nghỉ học, tụi con sợ lắm. Con không cần áo mới, sách vở mới đâu mà cô, cô nói má giùm tụi con nghe…”

Anh nằm một chỗ, đưa mắt thương tâm nhìn vợ con sớm hôm khó nhọc chạy chợ từng bữa. Trong tiếng gà gáy canh khuya, một mình nằm bẹp rúm trên chiếc giường đã cũ. Nhà vắng tanh, anh  thèm được nghe tiếng đọc bài đêm khuya của các con… Tụi nó đã thức dậy, theo mẹ đi về phía biển, vọc từng con cá từ mờ sớm…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Trần Minh Tưởng - thôn 1A, Xã Tam Tiến, Huyện Núi thành, Tỉnh Quảng Nam

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
 
Đỗ Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm