1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Kỳ tích đến với cô học trò nghèo lên cơn động kinh khi mưu sinh ngoài đồng

Thế Hưng

(Dân trí) - Mẹ không may qua đời vì sét đánh, Vân đã phải thay mẹ chăm em và lo cho cuộc sống gia đình. Cô bé tội nghiệp bị ngã xuống vũng nước bẩn, sặc bùn dẫn đến nguy kịch đã may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Cách đây 5 năm, mẹ của Nguyễn Thúy Vân (sinh năm 2008, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) không may qua đời vì sét đánh. Kể từ đó, cô bé 10 tuổi đã phải thay mẹ chăm lo cho 2 đứa em là bé Nguyễn Thị Thúy Hà (SN 2010), bé Nguyễn Minh Triết (SN 2013).

Ở cái tuổi "ăn chưa no lo chưa tới", hàng ngày cô bé vừa đi học vừa tranh thủ ra đồng bắt cua, bắt tép cùng bố để lo cho bữa ăn gia đình. Trong khi đó, bố của 3 đứa con tội nghiệp là anh Nguyễn Văn Châu không có việc làm ổn định.

Kỳ tích đến với nữ sinh lớp 10 lên cơn động kinh khi mưu sinh ngoài đồng

Người dân trong xã thuê mướn gì thì anh Châu đều làm, khi không có việc anh tranh thủ ra đồng kiếm con cá, con cua. Gia đình anh Châu thuộc diện hộ nghèo ở xã Phú Túc, ngoài 3 đứa con thơ, anh Châu đang nuôi mẹ già.

Sau lần ra đi quá đột ngột của người mẹ, bé Vân bị sốc nặng và bắt đầu xuất hiện chứng động kinh. Đau đớn hơn khi cuộc sống gia đình đã gặp vô vàn khó khăn thì tai họa bất ngờ ập tới. Trong lúc ra đồng bắt ốc, Vân không may bị động kinh ngã xuống vũng nước bẩn, nằm bất động cho đến khi được mọi người phát hiện đưa vào bệnh viện.

Kỳ tích đến với cô học trò nghèo lên cơn động kinh khi mưu sinh ngoài đồng - 1

Vân vượt qua cơn nguy kịch bằng một kỳ tích (Ảnh: Thế Hưng).

May mắn cho Vân, sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn sức khỏe của em đã ổn định trở lại.

Theo bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thanh Nhàn, trường hợp của Vân rất đặc biệt, điều kì tích đã đến với bệnh nhân và khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Thanh Nhàn.

"Vân vào viện trong tình trạng rất nặng tưởng rằng không qua được. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Vân đã vượt qua giai đoạn cửa tử. Mặc dù tình trạng bệnh động kinh mãn tính có nguy cơ tái phát cao, chúng tôi đã phối hợp các khoa phòng để đưa ra phác đồ tốt nhất để trở về sau này Vân trở về với gia đình sẽ hạn chế nhất nguy cơ tái phát bệnh", bác sĩ Dẫn cho hay.

Cũng theo bác sĩ Dẫn, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đều hi vọng Vân sớm bình phục trở lại có thể trở lại trường học. Điều kì tích trên ngoài sự nỗ lực của các bác sĩ, đặc biệt gửi lời cảm ơn tới bạn đọc báo Dân trí đã chung tay giúp đỡ để Vân có thể tiếp tục những ước mơ còn giang dở.

Kỳ tích đến với cô học trò nghèo lên cơn động kinh khi mưu sinh ngoài đồng - 2

Thúy Vân đã tập đi để phục hồi trở lại (Ảnh: Thế Hưng).

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe tiến triển rõ rệt qua từng ngày của Vân, bác sĩ Nguyễn Tài Đạt, khoa hồi sức tích cực bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, tổn thương phổi lan tỏa cả 2 bên. Các vi khuẩn và tác nhân gây tổn thương phổi rất nhiều.

"Với tinh thần luôn cố gắng điều trị tích cực tối đa cho bệnh nhân cộng với sự hồi phục rất tốt của Vân thì hiện tại chúng tôi có thể dùng từ kì tích cho bệnh nhân Vân.

Những bệnh nhân tổn thương phổi nặng hơn có thể sử dụng oxy hóa màng ngoài cơ thể để điều trị nhưng khả năng hồi phục phổi của Vân rất tốt nên không phải sử dụng các phương pháp đó", bác sĩ Đạt nói.

Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị của Vân, rào cản lớn nhất là bệnh nhân vẫn còn tình trạng co giật do bệnh động kinh. Chính vì thế, các bác sĩ phải kiểm soát cơn co giật và thường xuyên phải nội soi mở khí quản để kiểm tra, hút đờm cho Vân.

Bên cạnh đó, Vân đang trong độ tuổi phát triển nên nhu cầu sử dụng năng lượng rất lớn. Chúng tôi phải đưa ra chế độ ăn riêng để bệnh nhân hồi phục tốt hơn.

Kỳ tích đến với cô học trò nghèo lên cơn động kinh khi mưu sinh ngoài đồng - 3

Tuy nhiên, Vân vẫn cần theo dõi thêm (Ảnh: Thế Hưng).

Sau hơn một tháng điều trị, bác sĩ Đạt nhận định Vân đã có tiến triển rất tốt, tập phục hồi chức năng, tập vận động và tăng cường dinh dưỡng. Vân cần phải sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm trong thời gian dài. Trung bình, Vân phải sử dụng kháng sinh trong 4-6 tuần. 

"Chúng tôi đang tích cực để Vân có thể hòa nhịp trở lại với cuộc sống bình thường để kịp cho Vân trở lại trường vào năm học mới", bác sĩ Đạt khẳng định.

Điều kì tích đã đến với cô học trò nghèo, thế nhưng, nếu không có lòng hảo tâm của bạn đọc báo Dân trí, anh Châu (bố của Vân) không biết làm cách nào để xoay xở số tiền 15 triệu đồng tiền thuốc mỗi ngày cho con.

Sau khi vượt qua tình trạng nguy kịch, tiền thuốc của Vân cũng lên tới 7 triệu đồng/ngày. Với mức thu nhập 100.000-200.000 đồng/ngày của mình, nhiều lúc anh Châu chỉ biết bật khóc khi nhìn con gái đau đớn lên cơn co giật.

"Tôi xin chân thành cảm ơn bạn đọc báo Dân trí đã ủng hộ cho gia đình. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bạn đọc, Vân đã bắt đầu tập đi và tập ăn. Tôi đã trả nợ 200 triệu đồng và chi tiền cho cháu", anh Châu nghẹn ngào chia sẻ.

Hiện tại, anh Nguyễn Văn Châu đã nhận được gần 180 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí