Mã số 1438:
Khốn khổ cuộc sống của 2 người đàn bà chịu cảnh "con đánh mẹ, cháu đánh bà"
(Dân trí) -Nước mắt giàn giụa, cô liên tục chắp hai tay lạy con với lời van xin: “Mẹ xin con đừng đánh nữa” nhưng đáp lại chỉ là gương mặt vô hồn của đứa con trai bị chứng thần kinh phân liệt đã lâu và nước mắt của mẹ già năm nay đã ngoài 90 tuổi.
Cùng xem clip PV Dân trí ghi lại hoàn cảnh nhà cô Quyền Thị Ưa.
Chứng kiến cảnh con lên cơn điên trong cái nắng nóng như thiêu như đốt, người phụ nữ hơn 60 tuổi chỉ biết vừa cố giữ chặt con vừa van xin con đừng đánh nữa nhưng bất lực. Gương mặt vô hồn, anh con trai nhìn mẹ vừa chịu trận đòn vừa cười hềnh hệch rồi lẳng lặng đi khi cơn điên dịu xuống. Nhìn theo dáng con, cô vẫn chưa hết hoảng sợ rồi vội vã chạy ngay đến chỗ mẹ vì trong lúc lên cơn thằng con đã xô bà ngoại ngã khi bà cố can ngăn. Đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe yếu và chân tay run lẩy bẩy nhưng cụ Ấu không đoái hoài gì đến bản thân mình mà chỉ lo cho con gái. Nhìn con, cụ chỉ biết than “Sao mày khổ hơn cả chị Dậu ngày xưa thế” rồi lại run rẩy ngồi nhìn ra ngoài cổng.
Vừa ngồi xuống nghỉ vì vết đau con đánh, cô Ưa lại lục tục chuẩn bị “đồ nghề” để lên thị xã nhặt đồ phế liệu. Cô kể đấy là công việc hàng ngày và cũng là nguồn thu nhập chính để cô có tiền nuôi mẹ già và đứa con bệnh tật. Tuy nhiên dạo này trời nắng nóng như đổ lửa nên cô cũng không đi được nhiều như trước nữa, thành ra có ngày cũng chỉ kiếm được dăm, ba nghìn đủ mua thanh đậu phụ hay quả trứng gà.
Cả ngày lủi thủi, hết việc đồng áng rồi lại đi nhặt phế liệu, có lẽ đã lâu lắm rồi người phụ nữ này không nở một nụ cười cho dù chỉ là cái cười khe khẽ. Nhìn theo bóng dáng con, cụ Ấu xót xa kể: “Mẹ con nó về đây ở gần 30 năm rồi, ngày ấy thằng Thiện mới lên 5 còn thằng Lành được 3 tuổi nhưng chúng nó bệnh tật dặt dẹo lắm chứ không khỏe mạnh như con nhà người ta. Thằng Thiện sinh ra đã bị thần kinh còn thằng Lành phải đi viện mổ nối ruột, nhà nghèo không có tiền nên vợ chồng trục trặc rồi chồng nó cũng bỏ. Bây giờ thì nó khổ quá, thằng con lên cơn đánh mẹ, đánh cả tôi. Nhà không đủ cái ăn nên ngày nào nó cũng lên tận thị xã nhặt chai lọ người ta bỏ đi đem bán lấy tiền mua thức ăn”.
Không còn nước mắt mà khóc nhưng trong lời kể run run, khó nhọc của cụ là cả nỗi lòng thương con đến thắt ruột nhưng không biết làm gì. Đã ngoài 90 tuổi, cụ không thể tự đi lại được nên chỉ ngồi một mình run rẩy trước bậu cửa chờ con gái về. Nhìn mẹ, cô Ưa quay mặt vào tường khóc cho biết: “Có hôm tôi đi làm về thì trời mưa nhưng mẹ vẫn cứ ngồi đấy, quần áo ướt nhẹp hết cả chờ tôi về. Cháu thì thần kinh, lúc đi, lúc ở nhà bất ưng không ai biết, nó cũng không nhận ra bà ngoại nên có hôm khát nước quá bà gọi tên nó mà nó vẫn cứ trố mắt ra nhìn rồi lại đi đâu mất”.
Không chồng, con cái đứa bệnh tật, đứa đi lang bạt kì hồ gần như bặt vô âm tín, nỗi đau đớn này cô chịu đựng thành quen nên không bật khóc nhưng cứ nghĩ đến mẹ già đã đi gần hết đời người mà vẫn đau đáu lo cho con là hai hàng nước mắt cô lại trào ứ ra nức nở. Không được khỏe mạnh như người ta, căn bệnh thấp khớp cộng với những lần chịu đòn của con trai điên dại khiến sức khỏe cô ngày một yếu nên việc lo đủ đầy ngày 3 bữa cơm cho mẹ cô không làm được.
Ái ngại trước hoàn cảnh bi đát của gia đình cô Ưa, chú Ngô Đức Toàn (trưởng thôn Thượng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Gia đình cô Ưa thuộc hộ đặc biệt khó khăn trong nhiều năm nay, về phía chính quyền địa phương cũng đã có phương án giúp đỡ nhưng cũng chỉ được chút ít quà vào những dịp lễ, tết ngoài ra không có gì cả. Hiện tại cụ Ấu được hưởng chế độ 180.000 đồng/ tháng dành cho người cao tuổi và anh Thiện được trợ cấp cho người bệnh nhưng vẫn khó khăn lắm. Là người cùng làng, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của cô, chúng tôi cũng chỉ biết người cho gạo, người cho mớ rau, quả trứng để mẹ con cô ấy sống qua ngày”.
Không có ai để bấu víu, người phụ nữ bất hạnh ấy chỉ luôn ước lo đủ ngày 3 bữa cơm cho mẹ để một mai cụ về với đất sẽ không còn điều gì phải ân hận. Và trong sâu thẳm đôi mắt ngấn nước kia là sự sợ hãi mỗi lần phải chắp tay van xin con đừng đánh nữa.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1438: Cô Quyền Thị Ưa (thôn Thượng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) Số ĐT: 0165.577.0656 (số ĐT của cô Quyền Thị Dừa, em gái cô Ưa) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Thiên Ân