Mã số 1769:
Khốn cùng cảnh cha mắc tâm thần phân liệt, con bị bệnh tim bẩm sinh
(Dân trí) - “Cháu chỉ ước cho ba được khỏi bệnh, sống bình thường để đỡ đần cho mẹ, các cháu còn quá nhỏ, bà cũng đã già yếu nên không thể giúp được gì...” Lời khẩn cầu của cháu Ny thốt lên đầy thương cảm, khiến những người nghe chuyện cảm thấy nghẹn lòng.
Lần theo địa chỉ ghi trong thư, chúng tôi lên đường tìm về thôn Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau mấy giờ hỏi đường, người viết cũng tìm được nhà anh Nguyễn Hữu Khôi, nằm ở cuối một xóm nhỏ ẩn khuất giữa làng. Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, tường nhà vẫn chưa được trét vữa, những cánh cửa xung quanh được gia cố bằng những tấm ván hết sức đơn sơ.
Gặp chúng tôi trong bộ dạng khá mệt mỏi, anh Khôi cho biết mình vừa mới rời bệnh viện được mấy ngày. Hiện sức khỏe anh vẫn còn rất yếu, nhưng điều kiện không cho phép ở lâu nên đành phải về nhà để tự điều trị.
Anh Khôi kể: “Anh sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, cha mẹ già yếu, với lại anh là con trai nên phải có trách nhiệm phụng dưỡng người thân. Những ngày tháng đi làm thuê ở xã Triệu Ái, anh gặp chị Đặng Thị Liên rồi dường như hai người cảm thấy hợp duyên nhau. Năm 2003, đám cưới được hai gia đình tổ chức khá đơn sơ, trước sự chứng kiến của họ hàng. Cũng vì đồng cảnh ngộ nên vợ tui cũng chịu thương, chịu khó để cùng chồng vun đắp hạnh phúc, nguyện suốt đời sướng khổ có nhau. Lần lượt sau đó, các con ra đời như thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa hai vợ chồng”.
Thế nhưng, niềm vui ấy chưa kéo dài được bao lâu thì năm cháu Nguyễn Thị Nhĩ Ny (con gái đầu của anh Khôi) lên lớp 2, gia đình phát hiện sức khỏe cháu rất yếu, hay kêu đau ở lồng ngực và thường xuyên ngất xỉu. Sau nhiều lần đưa con đi khám, các bác sĩ tại bệnh viện Trung ương Huế cho biết cháu Ny bị bệnh tim bẩm sinh.
Cũng vì lo lắng cho sức khỏe của con, anh Khôi phải thức khuya dậy sớm, tranh thủ làm lụng với hy vọng tích cóp tiền đưa con đi phẫu thuật. Có lẽ vì gia đình khó khăn, nhiều áp lực đè nặng, lại thêm quá thương con khiến anh phải nhọc lòng suy nghĩ, làm việc cật lực đến hao tổn tinh thần.
Vốn là lao động chính, trụ cột gia đình, nhưng đột nhiên vào năm 2012, anh Khôi có dấu hiệu không bình thường về thần kinh. Những lúc bệnh tái phát, anh không làm chủ được bản thân mình, người cứ thẩn thờ, thậm chí ra đường la lối, chửi bới, gây sự với người xung quanh xóm.
Lo lắng cho bệnh tật của chồng, chị Liên đã đưa anh Khôi đi khám tại nhiều cơ sở y tế trong vùng, lên tuyến tỉnh thì được các bác sĩ cho hay anh bị mắc chứng bệnh “tâm thần phân liệt”. Đón nhận tin xấu, chị Liên đau đớn đến cùng cực nhưng vẫn cố nén nỗi đau ấy vào tận sâu trong lòng, phần vì sợ nói ra anh Khôi sẽ biết bệnh của mình rồi bất mãn mà nghĩ quẩn thì càng tồi tệ hơn. Trong suy nghĩ của chị, việc tạo cho anh tâm lý thoải mái, tránh áp lực sẽ giúp hạn chế được cơn bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Chị Liên tâm sự: “Hàng ngày anh ấy lên cơn khoảng từ 2-3 lần, những lần như thế trông anh Khôi rất dữ tợn, thường xuyên la lối, thậm chí đập phá mọi thứ. Tuy nhiên, khi trở về trạng thái bình thường, anh lại rất hiền lành, biết chăm chỉ lao động, sống có trách nhiệm, tỏ ra rất thương mẹ và vợ con”.
Do cuộc sống khó khăn, kinh tế gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng và mấy con lợn, với nguồn thu nhập hết sức bấp bênh nên không có điều kiện chữa trị bệnh cho anh. Những lần anh lên cơn, hết thuốc, chị Liên phải chạy vạy vay mượn từ hàng xóm, anh em mới có tiền đưa anh đi điều trị. Mỗi lúc khỏe mạnh, anh Khôi lại đi làm thuê, làm mướn, ai gọi gì anh cũng làm để cùng vợ chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Dần dần, chẳng cần ai nói ra thì anh Khôi cũng bắt đầu nhận thức được bệnh tật mình đang mắc phải. Thế nhưng, bản thân anh cũng chỉ biết chịu đựng chứ không hề tâm sự với ai. Chị Liên chia sẻ: “Những lúc thấy anh Khôi ngồi thẫn thờ một mình, chẳng nói chẳng rằng, tui cũng xót xa lắm. Bản thân mình làm vợ mà không giúp được chút gì cho chồng trong những lúc khó khăn nhất. Thật trớ trêu, ông trời nỡ “gieo rắc” bệnh tật cho cả hai bố con. Nhìn cảnh tượng hai cha con phải hằng ngày quằn quại trong đau đớn mà tâm trí tui cứ rối bời, nhưng tui cũng không biết làm gì hơn được nữa”.
Từ ngày anh Khôi mắc bệnh, mọi công việc đều đổ dồn lên đôi vai gầy của chị Liên. Hàng ngày, chị làm việc quần quật trên đồng ruộng, về nhà lại chăm sóc cho đàn lợn với hy vọng có thể trang trải được cuộc sống. Hết lo thuốc thang cho chồng, cho con, chị lại quay sang chăm sóc cho mẹ chồng đã già yếu, lại mù lòa, cùng người chị dâu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Mẹ anh Khôi là bà Thái Thị Hoãn, năm nay đã hơn 90 tuổi. Bà bị mù trên 20 năm nay nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ cậy con cháu.
Cảm thông với những vất vả, khó nhọc của vợ, anh Khôi nói trong nghẹn ngào: “Tui thương vợ tui lắm nhưng sức khỏe tui yếu quá, tinh thần không ổn định nên chẳng giúp được gì. Mỗi ngày thấy vợ vác cuốc ra đồng, lặn lội như “thân cò” mà lòng tui nhói đau. Giá như ông trời thương cho gia cảnh của tui mà cho tui sức khỏe để đỡ đần với vợ và lo cho gia đình…”
Nói đến đây, tâm sự của anh Khôi thỉnh thoảng bị ngắt quãng do sức khỏe suy yếu. Chúng tôi biết rằng, trong sâu thẳm lòng anh cũng đang dằn vặt lắm. Trên khuôn mặt anh cũng hiện rõ những nét khắc khổ, đôi mắt quầng thâm vừa do bệnh tật, vừa do suy nghĩ quá nhiều.
Hiện nay, mỗi tháng hai cha con anh Khôi phải vào viện thăm khám ít nhất một lần. Có lúc anh phải nhập viện điều trị gần nửa tháng trời. Riêng chi phí điều trị, tiền thuốc thang cho hai cha con cũng vô cùng tốn kém, chưa kể tiền tàu, xe đi lại.
Mới học đến lớp 5, lại mang trên mình căn bệnh tim quái ác nhưng ngoài giờ học, cháu Ny vẫn tranh thủ đỡ đần cho mẹ những công việc nhà như: nấu cơm, nấu cháo cho ba và bà nội. Buổi tối, em còn phải chỉ bài cho đứa em đang học lớp 2 là Nguyễn Hữu Quang. Tuy bị bệnh tật hành hạ, nhiều lần phải nghỉ học để đi điều trị nhưng Ny luôn phấn đấu trong học tập. 5 năm học vừa qua, hai chị em Ny luôn được nhà trường tặng danh hiệu học sinh tiên tiến.
Cháu Ny tâm sự: “Cháu thương ba và bà nội của cháu lắm, thương mẹ phải một mình vất vả để nuôi nấng 3 chị em cháu đi học, còn chăm sóc cho bà nội, ba và cô. Cháu mong ước ba cháu khỏi bệnh, được trở về với cuộc sống bình thường. Nếu gia đình có điều kiện cho các cháu đi học, cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành bác sĩ chăm sóc bệnh cho ba và những người nghèo khó…”
Lời tâm sự của cháu gái mới học đến lớp 5 khiến chúng tôi không cầm được lòng mình. Dù rất muốn chia sẻ với em, nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì hơn. Giá như cuộc sống này có những phép màu kỳ diệu, để những nguyện vọng, mong ước của em sớm trở thành hiện thực. Đằng này, thực tế cuộc sống của gia đình em bây giờ vẫn còn đó nhiều chông gai, vất vả, đầy rẫy những mảng tối của sự khốn cùng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1769: Anh Nguyễn Hữu Khôi, đội 1 thôn Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. ĐT: 01652.675.715 – 0169.5148.752 (số chị Liên) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đăng Đức