Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh
(Dân trí) - Nhờ bạn đọc báo Dân trí yêu thương, giúp đỡ, nhiều mảnh đời bất hạnh đã được hồi sinh, thoát khỏi nỗi đau dai dẳng của bệnh tật, vượt nghịch cảnh để ổn định lại cuộc sống.
"Cuộc đời em như bước sang trang mới"
Chiều cuối năm 2023, phóng viên Dân trí nhận được cuộc gọi của em Hoàng Thị Thảo (22 tuổi, trú xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Trong cuộc trò chuyện, nữ sinh viên năm thứ tư của Học viện hành chính Quốc gia Hà Nội xúc động, gửi lời cảm ơn đến bạn đọc báo Dân trí, các nhà hảo tâm.
"Nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời của mọi người mà em đã có một cuộc đời mới. Em đã được ghép thận hơn 3 tháng, sức khỏe đã dần hồi phục và ổn định, chuẩn bị đi học trở lại. Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự yêu thương của gia đình và sự giúp đỡ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm và bạn đọc báo Dân trí", Thảo tâm sự.
Em Hoàng Thị Thảo là nhân vật trong bài viết "Mẹ nghèo muốn "chia" thận cứu con nhưng bất lực vì không có tiền phẫu thuật".
Sinh ra trong một gia đình ngư dân vùng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, Thảo là con gái đầu, là niềm hy vọng của cả gia đình khi xuất sắc thi đậu vào Học viện hành chính Quốc gia Hà Nội. Thế nhưng, giữa năm 2022, Thảo từ một cô sinh viên nhanh nhẹn bất ngờ được phát hiện bị suy thận giai đoạn 4.
Kể từ ngày bị bệnh, mẹ của em là bà Ngô Thị Khoa mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho con. Mỗi tuần đều đặn 3 lần, bà lặn lội từ quê đưa con gái vào bệnh viện chạy thận. Giữa năm 2023, thương con, bà quyết định hiến thận để cứu lấy con gái.
Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền phẫu thuật, bà Khoa chỉ biết cầu nguyện một phép màu để con gái được cứu sống.
Sau khi báo Dân trí có bài viết bài kêu gọi, bạn đọc đã chung tay ủng hộ với số tiền hơn 140 triệu đồng. Ngoài ra, người dân địa phương cũng quyên góp ủng hộ Thảo số tiền hơn 50 triệu đồng.
Từ nguồn tiền mọi người giúp đỡ, cuối tháng 9/2023, ca phẫu thuật của Thảo và mẹ đã thành công. Nhìn lại hành trình hơn một năm chống chọi với bệnh tật, Thảo xúc động cho hay, cuộc sống của em giờ đây không còn phải mỗi tuần 3 buổi vào viện chạy thận, không còn những đau đớn giày vò từ tâm trạng lẫn thể xác.
Nữ sinh viên cho hay, ngoài sự giúp đỡ của bạn đọc thì sự hy sinh của mẹ là điều hạnh phúc nhất cuộc đời em.
"Mẹ em đã sinh ra em thêm một lần nữa. Em thực sự vô cùng biết ơn và hạnh phúc. Cuộc đời em đã sang trang mới, em mong rằng trang mới này sẽ luôn giữ được sức khỏe và có điều kiện để giúp được những hoàn cảnh khó khăn như em", em Hoàng Thị Thảo tâm sự.
"Con trai tôi như được sinh ra lần thứ 2"
Cũng như Thảo, em Trịnh Văn Sơn (14 tuổi, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), cậu học trò nghèo bị ung thư xương từng được báo Dân trí và bạn đọc giúp đỡ cách đây không lâu, nay em đã ổn định sức khỏe, tiếp tục đến trường.
Sơn là cậu học sinh có hoàn cảnh vô cùng bi đát, em sinh ra trong gia đình nghèo, bố bị bệnh viêm dạ dày không thể lao động, còn mẹ em làm công nhân với đồng lương ít ỏi chẳng đủ chi tiêu trong gia đình.
Đầu năm 2023, trong lúc đi học, Sơn bất ngờ ngã quỵ khi đang bước đi ở sân trường. Ban đầu, nghĩ Sơn chỉ bị đau thông thường, chị Nguyễn Thị Hợi (mẹ Sơn) mua thuốc về cho uống nhưng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Cho đến khi các bác sĩ thông báo Sơn bị ung thư xương giai đoạn 2, cần phải phẫu thuật gấp, chị Hợi như chết lặng, cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người.
Sau khi được báo Dân trí có bài viết "Nhìn con quằn quại vì ung thư, mẹ mong được chết thay con" về hoàn cảnh gia đình Sơn, bạn đọc trong và ngoài nước đã chung tay giúp đỡ, ủng hộ cậu học trò nghèo hơn 700 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình em có đủ chi phí cho cuộc phẫu thuật thay xương.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hợi xúc động cho biết, giữa lúc bế tắc nhất cuộc đời, khoảnh khắc kỳ diệu đã đến, con trai chị như được tái sinh nhờ sự giúp đỡ của mọi người.
"Nếu không có sự giúp đỡ của bạn đọc báo Dân trí thì có lẽ tôi mất đi cậu con trai bé bỏng rồi. Với số tiền mà bạn đọc báo giúp đỡ, con trai tôi đã được cứu sống, cháu như được sinh ra lần thứ hai", chị Hợi xúc động chia sẻ.
Theo chị Hợi, sau khi được phẫu thuật thay xương, em Trịnh Văn Sơn tiếp tục trải qua 18 lần truyền hóa chất theo phác đồ điều trị.
Đến thời điểm này, em đã có thể bước đi trên chính đôi chân của mình, không còn phải hứng chịu những cơn đau giày vò thể xác. Sơn đã quay trở lại trường học để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ của mình.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, em Trịnh Văn Sơn cho biết, bản thân em cảm thấy rất vui và biết ơn những tấm lòng thơm thảo của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và bạn đọc báo Dân trí.
"Cháu cảm thấy rất vui và biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người. Nhờ sự giúp đỡ đó mà cháu vượt qua được bệnh tật. Cháu không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và bạn đọc báo Dân trí.
Cháu sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành bác sĩ, cứu giúp cho nhiều người có số phận không may mắn như mình", cậu học trò nghèo nói và cho biết đã quay trở lại trường học tập bình thường.
Sơn và Thảo là hai trong số rất nhiều nhân vật, mảnh đời bất hạnh được báo Dân trí xác minh, viết bài kêu gọi, nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc, nhà hảo tâm. Sự sẻ chia, giúp đỡ của bạn đọc, nhà hảo tâm đã tiếp thêm sức mạnh, động lực và điều kiện giúp các hoàn cảnh thay đổi số phận, vượt qua được giai đoạn khó khăn…