Gian nan trèo đèo, lội suối vận chuyển vật liệu xây dựng cầu Dân trí
(Dân trí) - Để thực hiện cầu Dân trí tại bản Nậm Tột, Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An, nhà thầu đã phải "cõng" từng bì cát, bao xi măng, thanh sắt… vượt cả ngày đường mới vào được đến nơi.
Ngày 13/12/2021, Báo điện tử Dân trí cùng lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tổ chức lễ khởi công cầu Dân trí, bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Đã gần 4 tháng trôi qua, đến nay công trình cầu Dân trí tại bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong đang trong quá trình hoàn thiện. Hành trình xây dựng cầu Nậm Tột vô cùng gian nan, vất vả.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, từ ngày khởi công cho đến nay, thời tiết trên địa bàn khá phức tạp, mưa nhiều hơn nắng nên công việc vận chuyển vật liệu làm cầu quá vất vả.
"Ở bản Nậm Tột nằm sát biên giới Việt - Lào, thời tiết ở đây mưa nhiều hơn nắng. Kéo theo đó, con đường ngắn nhất để vận chuyển vật liệu vào làm cầu là không thể đi được vì quá trơn trượt, dốc… phải chờ nắng lên. Trở ngại lớn nhất của bà con Nậm Tột là việc đi lại. Nhiều năm qua, người dân bản phải đi lại trên chiếc cầu tạm bợ qua suối. Được Báo điện tử Dân trí và bạn đọc ủng hộ, bà con dân bản sắp được hưởng niềm vui khi chiếc cầu đang dần hoàn thiện", ông Vi Văn Cường chia sẻ.
Ông Hoàng Đăng Kiều, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, cơ khí và xây dựng Kiều Oanh - đơn vị đảm nhận thi công cầu Dân trí ở bản Nậm Tột cho biết, đây là một trong những bản có thể nói là khó khăn bậc nhất ở các huyện miền núi Nghệ An mà ông nhận thi công.
Theo ông Kiều, để vận chuyển vật liệu vào thi công cầu Nậm Tột phải đi bằng xe máy "cõng" từng bao xi măng, từng bì cát, sỏi… trong rất nhiều ngày. Tuy nhiên, nếu gặp trời mưa thì không thể, khi đó chỉ còn cách là nghỉ chờ trời nắng ráo.
"Tôi thi công khá nhiều cầu dân sinh trên địa bàn miền núi Nghệ An, trong đó có một số cầu Dân trí đã thực hiện xong ở địa bàn huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, với chiếc cầu Dân trí ở bản Nậm Tột quả là quá gian nan, vất vả. Lúc đầu đi khảo sát, tôi cứ nghĩ là đơn giản, song bây giờ mới thấm thía về công việc vận chuyển vật liệu vào đây. Trước việc làm ý nghĩa mà Báo điện tử Dân trí đã đồng hành cùng bà con nghèo ở bản làng xứ Nghệ, dù gian nan thế nào đi chăng nữa chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để thực hiện tốt nhiệm vụ này", ông Kiều chia sẻ.
Được biết, công ty trách nhiệm hữu hạn, cơ khí và xây dựng Kiều Oanh đóng chân trên địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn - cách địa điểm xây dựng cầu khoảng 140 km đi theo đường vành đai biên giới. Từ khi đảm nhận thi công cầu Nậm Tột, ông Kiều đã tiến hành hoàn thiện phần cầu cứng bằng sắt tại công ty.
"Tất cả các nhịp cầu được gia công hoàn thiện tại công ty, sau đó vận chuyển vào tiến hành lắp ghép là xong. Tuy nhiên, với chiếc cầu ở bản Nậm Tột khá dài, rộng nên công tác vận chuyển rất khó khăn, đặc biệt là cung đường đi lại không được thuận lợi. Để vận chuyển những nhịp cầu này vào Nậm Tột, chúng tôi đã mất mấy tháng trời thuê máy múc mở rộng đường. Đến hôm nay, sau biết bao nỗ lực, các nhịp cầu đã được vận chuyển vào đến bản, chờ hai mố cầu xong là lắp ghép", ông Kiều chia sẻ thêm.
Huyện biên giới Quế Phong cách thành phố Vinh khoảng 200 km, là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Trong đó, bản Nậm Tột là bản cuối cùng của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, giáp ranh với nước bạn Lào, cách trung tâm huyện khoảng 45km, con đường vào bản phải qua một con suối rộng hơn 20m, sâu gần 2m.
Toàn bản có 47 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, có hai điểm trường Mầm non và Tiểu học với 65 em học sinh, hầu hết là đồng bào Mông. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất Nông - Lâm nghiệp.