Khởi công xây cầu Dân trí thứ 21 tại xã vùng biên Việt - Lào
(Dân trí) - Ước mơ có một cây cầu mới bắc qua con suối của bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã thành hiện thực. Các em học sinh, người dân sẽ không còn bị nguy hiểm rình rập mỗi khi qua suối.
Ngày 13/12, Báo điện tử Dân trí cùng lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tổ chức Lễ khởi công cầu Dân trí, bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Tham dự buổi lễ có nhà báo Nguyễn Xuân Toàn - Phó tổng biên tập báo điện tử Dân trí, ông Sầm Văn Duyệt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong, ông Bùi Văn Hiền - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Quế Phong, đại diện chính quyền địa phương, bà con bản Nậm Tột cùng một số bản lân cận của xã Tri Lễ.
Tại buổi lễ khởi công, nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, Phó tổng Biên tập báo điện tử Dân trí bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới sự tin tưởng, đồng hành của bạn đọc đã cùng báo Dân trí và chính quyền địa phương xây dựng cầu Dân trí tại bản Nậm Tột.
"Hôm nay, cây cầu Dân trí thứ 21 trên toàn quốc chính thức khởi công và là cây cầu Dân trí thứ 4 được xây dựng tại Nghệ An. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được góp thêm niềm vui với bà con ở vùng biên giới xa xôi, cách trở. Có thể nói, đây là một món quà có ý nghĩa rất thiết thực do bạn đọc báo Dân trí ủng hộ, chia sẻ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con nơi đây, nhất là dịp mưa to gió lớn xảy ra", nhà báo Nguyễn Xuân Toàn chia sẻ.
Theo nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, chỉ đúng sau hơn một tháng kể từ khi Báo điện tử Dân trí khảo sát, đăng tải bài viết kêu gọi bạn đọc cả nước chung tay giúp đỡ đồng bào bản Nậm Tột, hàng vạn tấm lòng của các nhà hảo tâm đã quy tụ để đến hôm nay, Báo điện tử Dân trí đã huy động được gần 500 triệu đồng xây dựng cây cầu này.
"Suốt 16 năm qua, Báo điện tử Dân trí luôn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của bạn đọc Dân trí trong nước và nước ngoài đã đồng hành xây dựng hơn 40 điểm trường và hơn 20 cây cầu mang tên Dân trí ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong cả nước. Những công trình mang tên Dân trí đã góp phần thiết thực cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương, giúp các em học sinh thuận lợi hơn trong quá trình học tập.
Tôi mong rằng các cháu học sinh ở đây sẽ an toàn hơn trên con đường đến trường, người dân nơi đây có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống", Phó Tổng biên tập Báo điện tử Dân trí chia sẻ.
Về phía đại diện chính quyền địa phương, theo ông Sầm Văn Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong, Tri Lễ là xã vùng cao biên giới thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên là 20.290,18 ha, gồm 16 xóm, bản (có 5 bản giáp biên giới với 100% dân tộc H'Mông sinh sống).
Trong đó, Nậm Tột là một trong 5 bản biên giới giáp nước bạn Lào, cách xa trung tâm xã nhất, giao thông đi lại rất khó khăn, hiện tại người dân trong bản cũng như các bản lân cận, trong đó có nhiều học sinh đang hàng ngày phải đi lại trên những cung đường mòn bằng đất, qua nhiều khe suối rất nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Thời gian qua, địa phương luôn trăn trở, tìm các phương án, nguồn lực để đầu tư xây dựng cây cầu để cho các cháu học sinh, thầy cô giáo và nhân dân nơi đây qua suối Nậm Tột được an toàn, phát triển giao thương, văn hóa - xã hội với các bản ngoài của xã Tri Lễ. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên không có kinh phí xây dựng cầu.
"Việc cầu Dân trí bắc qua suối Nậm Tột được xây dựng như mở ra một cánh cửa mới, đem kiến thức đến với các cháu học sinh; mở ra con đường tiếp cận tri thức đối với nhân dân bản Nậm Tột. Để từ đây thầy cô giáo, các cháu học sinh thấy con đường từ nhà đến trường được gần hơn, an toàn hơn. Tương lai của thế hệ trẻ được đảm bảo hơn khi con chữ không còn bị ngắt quãng, phập phù sau mỗi trận mưa lũ. Nhân dân bản Nậm Tột thấy đường về nhà gần hơn, an toàn hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn sâu sắc tới sự quan tâm, giúp đỡ bằng vật chất, tinh thần cũng như không quản ngại đường sá xa xôi của lãnh đạo quý Báo và toàn thể ê kíp thực hiện chương trình đã về đây làm lễ khởi công, động thổ xây dựng cầu Dân trí bản Nậm Tột. Mong rằng chiếc cầu sau khi được đầu tư, xây dựng sẽ luôn là ánh sáng đưa tri thức đến với các cháu học sinh, thầy cô giáo và nhân dân bản Nậm Tột", Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong chia sẻ.
Huyện biên giới Quế Phong cách TP Vinh khoảng 200 km, là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Trong đó, bản Nậm Tột là bản cuối cùng của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, giáp ranh với nước bạn Lào, cách trung tâm huyện khoảng 45 km, con đường vào bản phải qua một con suối rộng hơn 20 m, sâu gần 2 m.
Toàn bản có 47 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, có hai điểm trường Mầm non và Tiểu học với 65 em học sinh, hầu hết là đồng bào H'Mông. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất Nông - Lâm nghiệp.
Theo ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, là xã biên giới nên Tri Lễ rất khó khăn. Trong đó bản Nậm Tột là một trong những bản khó khăn bậc nhất, trở ngại lớn nhất của bà con nơi đây là việc đi lại.
Nhiều năm qua, người dân tại bản Nậm Tột phải đi lại trên chiếc cầu tạm bợ qua suối, đặc biệt là các em học sinh nhưng địa phương chưa có kinh phí. Sau khi Báo điện tử Dân trí kêu gọi bạn đọc đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng xây cầu. Đây là món quà vô cùng thiết thực và ý nghĩa của người dân nơi đây.
Theo thiết kế, trụ cầu được làm bằng bê tông, cốt thép; chiều dài cầu 24 m, chiều rộng mặt cầu 1,75 m, tải trọng trên 2 tấn. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành sau hơn một tháng thi công.
Đây là lần thứ 2 Báo điện tử Dân trí triển khai xây dựng công trình kết nối bạn đọc trên địa bàn huyện Quế Phong.
Trước đó, vào ngày 22/9/2016, Báo điện tử Dân trí phối hợp cùng UBND huyện Quế Phong, xã Tri Lễ khởi công xây dựng công trình điểm trường Pà Khốm, thuộc Trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã biên giới Tri Lễ.
Những hình ảnh hân hoan ngày khởi công cầu Dân trí tại bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong được PV ghi lại: