1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời

(Dân trí) - Những bước chân âm thầm, "cõng" từng con chữ xuyên rừng lên cổng trời Mang Yang đã được báo Dân trí phản ánh chân thực, khiến bạn đọc trên cả nước khâm phục trước nghị lực phi thường của các giáo viên vùng cao và nhận được nhiều sự quan tâm của tấm lòng hảo tâm, chính quyền địa phương.

Những giáo viên âm thầm vượt núi

Thời gian qua, phóng viên báo Dân trí đã có những chùm ảnh xúc động ghi lại những hành trình gian nan của giáo viên vùng cao trên các điểm trường vùng khó thuộc huyện Mang Yang, trong bài viết: “Xuyên rừng, vượt đèo cõng chữ lên đỉnh Byầu” đã khắc họa sự gian khổ đó.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 1
Sau khi báo Dân trí phản ánh, con đường lên đỉnh Byầu được làm bê tông với tổng nguồn vốn hơn 20 tỷ

Theo đó, mỗi tuần, trên chiếc xe cà tàng, các thầy cô giáo điểm trường Byầu (trường tiểu học Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai) phải rất chật vật xuyên rừng để lên đỉnh Byầu “gieo chữ”.

Cứ thế, hơn 30 năm nay, các thầy cô giáo vẫn thầm lặng làm người đưa đò chở bao thế hệ con em đồng bào Ba Na trưởng thành.

Điểm trường ở làng Byầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm cách trung tâm xã khoảng 18km, được thành lập vào khoảng 30 năm nay.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 2
Điểm trường làng Byầu được đầu tư gần 170 triệu để sửa chữa, xây hàng rào và sân cho học sinh

Điểm trường Byầu nằm tách biệt trên một ngọn núi cao. Muốn đến được đây phải vượt hơn 10km đường rừng với những con dốc cao chót vót, những vách đã cheo leo, nhất là vào mùa mưa đường trơn như đổ mỡ.

Tuy nhiên, mỗi tuần các giáo viên vẫn âm thầm vượt những ngọn núi cao để chở những con chữ đến với các học sinh đồng bào. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui, tình yêu thương học sinh của các giáo viên Lơ Pang.

Qua những bài viết phản ánh sự vất vả, khó khăn của thầy cô trường Lơ Pang, Ông Dương Văn Trang (Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Gia Lai) cùng các cơ quan ban ngành đã trực tiếp vượt rừng lên núi để hiểu thêm sự gian nan, vất vả, đặc biệt là nguy hiểm trên hành trình đi “gieo chữ” của các giáo viên.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 3
Đường sắp hoàn thành, các thầy cô giáo sẽ không phải vất vả trên hành trình vượt núi gieo chữ

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Bính (Phó BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Mang Yang) cho biết: “Ngay sau khi Bí thư tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh, huyện và các cơ quan ban ngành thị sát đã thấy được sự gian nan của những giáo viên vùng cao và bà con làng Byầu trong việc đi lại khó khăn, mưa gió bị cô lập nên đã chỉ đạo hỗ trợ xây dựng đường giao thông và sửa chữa trường học…

Vào tháng 10/2019, con đường từ tỉnh lộ 666 lên núi Byầu đã được khởi công xây dựng với nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách của UBND tỉnh Gia Lai là 15 tỷ đồng và số còn lại là từ Quân đoàn 3 và các cơ quan ban ngành cùng hỗ trợ ngày công để xây dựng đường…”.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 4
Con đường lên đỉnh Byầu đang được quân và dân trên địa bàn phối hợp làm. Dự tiến tháng 4/2020 sẽ hoàn thành

Thầy Nguyễn Văn Tuyển (Hiệu trưởng Trường TH Lơ Pang) phấn khởi nói: “Ngay sau khi báo chí phản ánh thì điểm trường Byầu đã nhận rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trên cả nước. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp lên điểm trường thăm hỏi bà con và học sinh đồng bào trên đó.

Thấu hiểu được những khó khăn, các cơ quan ban ngành đã hỗ trợ làm đường bê tông lên tận điểm trường. Đồng thời, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới chính quyền đã hỗ trợ gần 170 triệu đồng để sơn sửa lại trường học và xây dựng sân bê tông và hàng rào cho điểm trường Byầu”.

“Thầy và trò trường Lơ Pang rất cảm động trước sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Cùng với đó, hàng tháng đều có bạn đọc trên cả nước đã hỗ trợ quần áo, giày dép và sách vở đến với các em học sinh khó khăn ở điểm trường Byầu. Đây là niềm động viên rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao”, thầy Tuyển bộc bạch.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 5
Sau khi báo Dân trí đăng tải đã có rất nhiều đoàn từ thiện lên thăm hỏi điểm trường làng Đê Kôn

Thầy cô hạnh phúc khi trò được quà xuân

Báo Dân trí đã đồng hành cùng các nữ giáo viên Trường TH Hra cơ sở số 2 (xã Hra, Mang Yang, Gia Lai) từ 6h sáng vượt núi lên cổng trời làng Đê Kôn để “gieo chữ”.

Từ lúc gà chưa gáy, những cơn rét đang thổi mạnh qua khe cửa nhưng các cô giáo đã khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, chân đi ủng để bắt đầu hành trình vượt cổng trời  đến với trò nghèo làng Đê Kôn (xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai). Dân thương tấm lòng thầy cô miền xuôi nên đã góp gạo, rau rừng để nuôi thầy cô trên núi.

Qua lớp sương mờ đục, chúng tôi đã nhìn thấy cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (48 tuổi) đang rồ ga, bươn lên từng con dốc. “Người đi, người đẩy” tiếng thở át tiếng xe. Cơn rét lúc này xuống dưới 14 độ nhưng sao người các cô vẫn đổ mồ hôi như tắm.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 6
Các đoàn đã ở lại chung vui và tặng quà cho 53 hộ đồng bào sống trên đỉnh núi để bà con vui xuân đón tết

Tiếng xe rồ ga, tiếng động cơ cháy khét nhưng hành trình vẫn tiếp tục… Các cô giáo cứ âm thầm đi nhanh cho kịp giờ dạy trong giấc ngủ say của bà con dân bản. Tuy tuổi già nhưng các cô giáo vẫn tự nguyện xung phong lên điểm trường vùng cao. Các cô mong muốn khi mình về hưu sẽ có những giáo viên trẻ tiếp tục hành trình bám bản “gieo chữ” cho các học sinh Ba Na.

Trước những khó khăn hy sinh gian khổ nên chính quyền địa phương và bạn đọc trên cả nước đã gửi những món quà xuân đến tận tay các giáo viên, học sinh và bà con dân bản. Đặt biệt là gửi những lời động viên, khích lệ và chi phí cho các giáo viên trên hành trình bám bản, “gieo chữ”

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 7
Những đôi chân trần được tặng dép đến trường

Cô Lê Thị Kim Quy (Hiệu trưởng Trường TH Hra cơ sở số 2) vui mừng nói: “Hàng chục năm nay, các thầy cô giáo vẫn âm thầm vượt núi nguy hiểm để gieo chữ trên núi Đê Kôn. Trên làng Đê Kôn, đường đi lại khó khăn nên đời sống kinh tế của bà con rất khó khăn, học sinh đến trường đều mọi tay các cô giáo lo lắng. Lương thì thấp, nhưng vì tình yêu học trò nên các cô giáo vẫn đều đặn đến trường”.

“Khi báo Dân trí thông tin về sự gian nan vất vả của các cô giáo “vượt núi” lên “cắm bản” đã có các cá nhân, tổ chức đến thăm hỏi các học sinh và bà con đồng bào làng Đê Kôn. Đồng thời, còn gửi những lời động viên, chia sẻ đến những giáo viên đang hàng ngày vất cả đi từ sáng sớm lên núi dạy chữ. Tôi xin chân thành cảm ơn báo Dân trí đã làm cầu nối đến với bạn đọc trên cả nước. Bên cạnh đó là các cá nhân, tổ chức và bạn đọc báo Dân trí đã gửi những món quà xuân cho bà con đồng bào”, cô Quy chia sẻ.

Gian nan cảnh giáo viên băng rừng gieo chữ trên lưng chừng trời - 8
Các đơn vị lực lượng vũ trang đã tặng những phần quà đến trường Hra trong dịp cuối xuân

Ngay sau khi báo Dân trí thông tin đã có nhiều bạn đọc đã gửi những món quà xuân cho học sinh. Cụ thể, một nhóm nhà hảo tâm sau khi đọc báo Dân trí đã xin thông tin về ngôi trường này và trực tiếp đến thăm các em. Đoàn đã hỗ trợ 53 suất quà gồm các nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôi, mắm, muối…cho 53 hộ thuộc làng Đê Kôn, mỗi phần quà trị giá hơn 300 ngàn đồng. 31 học sinh thuộc điểm trường làng Đê Kôn được là tặng một bộ quần áo đồng phục, áo ấm, dép và bánh kẹo...

Mỗi giáo viên tham gia vào hành trình vượt núi lên làng Đê Kôn dạy đã được hỗ trợ 3 triệu đồng. Đây là những món quà xuân rất to lớn đến với bà con đồng bào núi Đê Kôn nói chung và niềm động viên thầy và trò ở điểm trường vùng khó.

Phạm Hoàng