Giải thưởng "Dải băng xanh": Niềm tin cho người khuyết tật
(Dân trí) - Lần đầu tiên, một giải thưởng dành cho doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) được tổ chức tại Việt Nam - Giải thưởng "Dải Băng Xanh. Đây được coi là động lực thúc đẩy giúp NKT có thêm niềm tin trong cuộc sống.
Những trái tim đồng cảm
Một trong những doanh nghiệp được trao giải lần này là Công ty TNHH thương bệnh binh và người tàn tật Thành Thu - Bảo Tín. Bà Nguyễn Thị Thu - phó giám đốc của công ty cho biết: Hiện tại, công ty đang sử dụng 40 lao động là người khuyết tật, chiếm 30% tổng số lao động và đều sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của từng người.
Đặc biệt, do được sắp xếp đúng người đúng việc nên những NKT đều cảm thấy mình là những lao động có ích cho xã hội. Họ không chỉ tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, thậm chí còn là chỗ dựa về kinh tế trong gia đình họ. Để giúp NKT có môi trường làm việc thoải mái và lành mạnh, công ty còn xây dựng câu lạc bộ thể thao cho NKT nhằm động viên khích lệ tinh thần lao động cho họ.
Không chỉ có các doanh nghiệp trong nước mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang giúp những NKT Việt Nam có thể hoà nhập cộng đồng. Công ty thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam với sản phẩm mũ bảo hiểm Protec hiện đang sử dụng 20 lao động khuyết tật, chiếm 14% tổng số lao động của công ty.
Ông Greig Craft - giám đốc công ty cho biết, những công nhân là NKT ở đây đều làm việc rất chăm chỉ và rất có trách nhiệm. Hiện nay, công ty đang là thành viên của Hội đồng tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho NKT tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, xã hội.
Không chỉ các doanh nghiệp, mà còn có rất nhiều cá nhân đã tạo việc cho NKT. Anh Nguyễn Hồng Hà - giám đốc công ty TNHH Hồng Hà là một trường hợp điển hình. Anh đã tự tin mở công ty và sử dụng phần lớn lao động là NKT, tạo việc làm cho gần 100 lao động khuyết tật tỉnh Hà Tây, đồng thời còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trợ giúp NKT.
Hay anh Trần Văn Tín - Giám đốc công ty TNHH Tư vấn công nghệ điện tử Icevn đã nuôi dưỡng, dạy nghề và tạo việc làm cho 62 NKT, anh còn là chủ nhân của những phát minh "Máy phát điện mini Vĩnh Cửu", "Đèn kiểm tra tiền giả", "Mèo điện tử đuổi chuột"...
Thậm chí trong số những cá nhân có đóng góp cho việc thúc đẩy việc làm cho NKT cũng có nhiều người bị khuyết tật. Như chị Lê Minh Hiền - Quản lý Trung tâm dạy nghề thanh thiếu niên khuyết tật "Vì ngày mai" đã dạy nghề và tạo việc làm cho 100 NKT.
Đặc biệt, hiệp sỹ CNTT Trịnh Công Thanh không chỉ mở diễn đàn trực tuyến dành cho NKT mà anh còn tạo được một kênh thông tin riêng về hướng nghiệp. Tính đến nay, đã có hơn 400 NKT được giới thiệu việc làm thành công. Bản thân công ty TNHH Rồng Việt nơi anh làm giám đốc có tới 70% lao động là NKT.
Việc làm - cần từ cả hai phía
Chiều 16/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng "Dải băng xanh" nhằm ghi nhận những đóng góp của các chủ sử dụng lao động và cá nhân đã tích cực trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động khuyết tật.
Đã có 12 doanh nghiệp và 15 cá nhân được trao giải lần này. Đây không chỉ là những doanh nghiệp, những con người làm kinh tế giỏi và còn là những địa chỉ đã và đang giúp đỡ những NKT, mang lại ngọn lửa niềm tin cho họ trong cuộc sống đầy vất vả hôm nay.
Mặc dù đây là những tin vui cho NKT song bên cạnh đó cần phải nói rằng, vẫn còn một bộ phận các bạn trẻ khuyết tật chưa thực sự nghiêm túc khi đi xin việc. Theo ông Hoàng Thanh Hải - Hội trợ giúp người tàn tật tại Việt Nam (VNAH), trong hai hội chợ việc làm do VCCI, VNAH và các doanh nghiệp tổ chức vào cuối năm 2007 tại Hà Nội và Tp HCM đã mang lại khoảng 400 cơ hội việc làm cho NKT, tuy nhiên sau đó chỉ có 135 NKT đến làm việc. Điều đó cho thấy, họ chưa được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý cũng như tính chuyên nghiệp trong công việc.
Như vậy, rõ ràng, để NKT có việc làm ổn định thì không chỉ kêu gọi từ phía doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động mà cần có sự sẵn sàng và cầu thị của NKT để được làm trong một môi trường tốt. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy để NKT được hoà nhập với cộng đồng trong công việc.
Lan Hương