“Gia đình các nạn nhân rất cần sự chung tay của xã hội”
(Dân trí) - Từ ngày 3-5/10, báo Dân trí đã trực tiếp gặp gỡ và trao quà hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ ở các tỉnh phía Bắc. Ghi nhận của PV cho thấy, ngoài nỗi đau mất mát về con người, vụ tai nạn còn để lại hậu quả xã hội rất lớn, nếu không có những bàn tay chung sức, giúp đỡ thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn.
Nhóm PV Dân trí khởi hành chuyến trao quà hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân khi cơn bão số 5 vẫn còn vần vụ đe dọa các tỉnh miền Trung. Suốt chặng hành trình trời mưa như trút nước, đường đi khó khăn bởi hầu hết nhà của các nạn nhân đều nằm sâu trong các xã nghèo xa quốc lộ và tỉnh lộ.
Ngày 3/10, điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà anh Ngô Thế Anh, sinh năm 1979 ở thôn Thượng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngôi nhà tồi tàn nằm sâu trong một con ngõ lầy lội.
Thời điểm này, cả xã Trịnh Xá đang nháo nhào gặt lúa chạy bão nhưng đối với gia đình này, mọi mất mát về vật chất dường như vô nghĩa. Trước bàn thờ Ngô Thế Anh, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh đang ngồi câm lặng trước bàn thờ. Từ hôm xác chồng được đưa về, chị không ăn không ngủ, cũng không còn nước mắt để khóc.
Ông Ngô Thành Nghi, bố của anh Thế Anh nhìn con dâu ái ngại. “Người chết thiệt phận đã đành nhưng người sống thế này còn khổ hơn”. Đó là ông đang lo cho tương lai con dâu và đưa cháu nội còn đỏ hỏn của mình.
Ngày Ngô Thế Anh gặp nạn, cháu Ngô Thị Mỹ Duyên, con gái anh vừa tròn 9 tháng tuổi. Ông Nghi kể: “Túng bấn quá, gia đình mới phải để cháu vào Nam mong kiếm thêm chút để trang trải cho vợ con, ai ngờ…”.
Trong số những người tử nạn vì vụ sập cầu Cần Thơ, có 7 người ở các tỉnh phía Bắc, trong đó Hà Nam có đến 2 người, đều ở huyện Bình Lục.
Ngoài hoàn cảnh gia đình nạn nhân Ngô Thế Anh, còn có trường hợp anh Cù Văn Sơn ở xóm Giữa, xã An Nội cũng thương tâm không kém.
Bà Trần Thị Thanh, mẹ đẻ anh Sơn ôm ngực nghẹn ngào: “Đáng ra con tôi sẽ không chết nếu như nó đừng vội về khánh thành nhà mới”.
Mặc dù quê gốc ở Bình Lục nhưng Cù Văn Sơn lập gia đình và định cư tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Trong năm 2007, 2 vợ chồng họ tích cóp, vay mượn bàn bè, họ hàng để cất lên một căn nhà nhỏ. Hôm xảy ra tai nạn, dù không phải là ca làm của mình nhưng Sơn tranh thủ làm thêm để được nghỉ phép sớm về quê mừng tân gia.
Anh Sơn mất đi, ngôi nhà mới còn thơm mùi vữa không kịp đón người đã vun vén cho nó. Gánh nặng khoản nợ xây nhà, 2 đứa con, lớn 9 tuổi, bé 5 tuổi dồn hết lên đôi vai gầy của chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh. Được biết chị Hằng hiện là lao động tự do, lâu nay, các khoản nuôi con đều nhờ vào số tiền lương anh Sơn chắt bóp gửi ra mỗi tháng. Không biết, họ sẽ xoay xở ra sao trong những ngày sau này.
Sau khi cùng chính quyền địa phương và gia đình các nạn nhân tiếp nhận số tiền hỗ trợ từ báo Dân trí , ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: “Không thể đo đếm được những mất mát mà vụ sập cầu Cần Thơ đã để lại, ngoài nỗi đau về sinh mạng, nó còn để lại những hậu quả xã hội rất lớn. Chúng tôi rất cần những tấm lòng như Dân trí để từng bước giúp các gia đình vượt qua những khó khăn”.
Ông Sơn cũng cho biết, đến nay Dân trí là tờ báo đầu tiên có cứu trợ đến tận tay gia đình nạn nhân tại Bình Lục.
Rời Hà Nam, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm đến nhà nạn nhân Trương Quang Viễn, 33 tuổi tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Sau gần 1 tuần nhận xác con đưa đi mai táng, ông Trần Văn Phổng, bố đẻ anh Viễn vẫn như không tin vào sự thật, gia đình có 8 người con nhưng ông vẫn kỳ vọng nhất vào Viễn. Ông kể: “Nó dự định vào Nam vài năm kiếm tiền rồi về quê lập gia đình”.
Nỗi đau “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống…” của 2 vợ chồng già khiến chúng tôi không đành lòng ngồi lâu để chứng kiến.
Tại tỉnh Thanh Hóa, PV Dân trí đã tìm đến nhà gia đình nạn nhân Lê Trạch Hòa, thôn 4, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân. Trong số nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ, Hòa là một trong người ít tuổi nhất, em sinh năm 1987, vừa tốt nghiệp PTTH.
Đầu tháng 7/2007, Hòa lên đường vào Cần Thơ kiếm việc làm với ước muốn đỡ đần gánh nặng cho gia đình khi bố 2 lần cắt dạ dày và mẹ đang bị bệnh thần kinh. Sau Hòa, em trai Lê Trạch Chiến đang học lớp 12, còn trước Hòa, chị gái đã tốt nghiệp nhưng không xin được việc làm.
Gần 2 tháng làm thuê xứ người, Hòa chưa kịp gửi được đồng nào giúp bố mẹ thì gặp nạn. Tiếp xúc với chúng tôi, cả gia đình Hòa không nói được thành lời, bởi nỗi đau này quá sức chịu đựng của họ.
Thay mặt gia đình, ông Phạm Minh Thanh, bí thư xã Xuân Phong gửi lời cảm ơn tới báo Dân trí và lời tâm sự của ông khiến chúng tôi nhức nhối: “Gia đình cháu Hòa thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay, kinh tế lại sa sút bởi bố mẹ ốm đau. Nhiều năm rồi, chúng tôi rất biết và cũng muốn giúp họ làm điều gì đó để đỡ khổ nhưng nguồn lực xã thì chỉ có hạn. Nếu không có sự giúp đỡ, chung tay của xã hội, không biết tương lai của gia đình này sẽ đi về đâu”.
Việt Hưng - Thái Sơn