1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Đem tấm lòng bạn đọc đến với đồng bào vùng lũ

(Dân trí) - Trưa 14/11, đại diện báo Dân trí đã về đến thôn Bình Sa, huyện Thăng Bình, trao tặng những tấm lòng bạn đọc hảo tâm gửi đến bà con vùng lũ Quảng Nam. Về tận nơi để chia kịp thời sẻ chia và cảm nhận sâu sắc cơn khốn khó của bà con sau cơn đại hồng thuỷ lịch sử.

Băng qua những con đường còn đọng đầy bùn non, dấu tích của cơn đại hồng thuỷ, từ Quốc lộ 1A về dến xã Bình Sa, huyện Thăng Bình - một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất huyện sau cơn lũ vừa qua. Bà con đã đến chờ ngay trong trụ sở uỷ ban xã.

 

50 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng là những cứu trợ “nóng” của độc giả Dân trí dành cho bà con vùng lũ Bình Sa. Anh Thông, Chủ tịch xã bùi ngùi: “Quý lắm, tấm lòng của bạn đọc báo Dân trí đối với bà con trong cơn khốn khó này quý lắm”.

 

Chị Hồ Giám, thôn Châu Khê, thôn nằm sát ngay sông run run nhận món quà của bạn đọc cảm động: “Cám ơn, cám ơn nhiều lắm. Bây giờ có tiền mua gạo rồi mua lại tập vở cho tụi nhỏ bị lũ làm ướt nát hết chữ. Nước lên nhanh quá, đâu có kịp dọn chi được cô ơi. Nhà có ba sào hoa màu vụ hè thu muộn chuẩn bị thu hoạch. Chừ thôi mẩt trắng dưới nước sâu rồi. Cái bếp cũng bị nước cuốn đi. Chạy lũ về chỉ còn thấy mỗi gian nhà trên”.

 

Còn nhà bà Võ Thị Lao, bà cụ già nheo nheo đôi mắt dày những nếp nhăn, chậc lưỡi: “Mồ hôi nước mắt đã thành gạo rồi vậy mà nước lớn không vận chuyển kịp. Mấy ngày dài ngâm trong nước. Về đổ ra, gạo đã mốc thếch hết rồi”.

 

Chờ đến hơn hai giờ đồng hồ, tờ danh sách bà con nhận quà cứu trợ vẫn còn nhiều khoảng trống chưa có người đến ký nhận. Chúng tôi hỏi ra mới biết, những người này hầu hết đều ở thôn Tây Giang, vẫn còn ngập nước, muốn ra khỏi thôn, bà con phải có ghe đi mới được. “Giờ này mà chưa tới chắc không tới được rồi”, anh Chủ tịch xã thông báo.

 

Không đến với bà con, nhất là những bà con những vùng bị ngập lũ sâu nhất, không yên làm. Chúng tôi ngỏ ý muốn đến tận nhà bà con thôn Tây Giang, trao tận tay tấm lòng hảo tâm của bạn đọc báo đã tin tưởng trao cho Dân trí sứ mệnh làm nhịp cầu nối. “Đi, tôi chèo ghe đưa mấy cô đi” - anh Hoàng Minh Đặng, trưởng thôn Tây Giang tất tả.

 

Về tận đầu thôn Tây Giang, ngổn ngang trâu bò, lúa mạ còn ướt rượt. Anh Đặng trưởng thôn giải thích: “Chỗ ni là cao nhất thôn, nên tập trung trâu bò lại đây, mấy con trâu ni may mắn được cứu kịp chớ nhà nông mất trâu thì cô biểt rồi đó. Chừ muốn vô thăm nhà bà con trong thôn thì tui chèo ghe đưa mấy cô vô. Ruộng đó, chừ biến thành sông… nước lũ. Trong nớ nhiều nhà còn ngập dữ lắm”.

 

Chúng tôi nhìn nước mênh mông nước trước mặt. Vậy là hàng chục hecta lúa của bà con mẩt trắng rồi. Chúng tôi nhìn con đường đê dân vào thôn nhờ nhờ dưới đáy nước lũ sâu hơn ngang ngực người xót lòng.

 

Chúng tôi vào nhà anh Trần Công Danh, căn nhà bốn bức tường gạch chưa trét vôi, mái lá che mưa che nắng, trơ ra với nước ngập mênh mông suốt gần một tuần nay. Chị Trần  Thị Hồng, chị anh Danh, thay mặt gia đình nhận món quà của bạn đọc. Chị phân bua: “Nghe tin báo về cứu trợ, cả nhà mừng, mà nuớc lớn ri, ở nhà còn cố dọn dẹp nên chưa ra tới xã để nhận quà cứu trợ được. Mấy cái ghế đẩu, mấy cái chén con thôi mà tài sản đó cô. Trong nhà không còn một hạt gạo. May nhờ có mấy gói mì tôm thôn phát cho để cứu đói lót dạ hai bữa ni”.

 

Sự bịn rịn của bà con thôn Tây Giang, những bàn tay run run nhận quà, những lời cám ơn mấp máy của nhừng bà con còn quá đỗi cơ cực còn liên tiếp bị thiên tai gây thêm mất mát, những vất vả đường đi đến với bà con như nhẹ hẫng.

 

Rời vùng lũ Bình Sa, trời đã chập choạng tối. Chúng tôi tiếp tục cuôc hành trình. Ngày mai, ngày mốt… chúng tôi tiếp tục đem tấm lòng hảo tâm của bạn đọc báo Dân trí đến với bà con vùng lũ. Mong sao cho những thiệt hại nặng nề của đồng bào miền Trung sau những trận lũ dữ liên tiếp hoành hành vơi nhẹ phần nào. 

Khánh Hiền