Chúng tôi tìm về thôn 8, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thăm hoàn cảnh đáng thương của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Rén, bị mù cả hai mắt, nuôi mẹ già đau yếu và đứa con trai bị thương nặng sau một vụ tai nạn lao động. Nhắc đến gia đình cô Rén, ai ai cũng động lòng, thương cảm: “Hoàn cảnh cô giáo Rén đáng thương lắm cô chú ơi! Bản thân cô bị mù cả hai mắt hơn 6 năm nay. Đã thế lại còn phải nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm và đứa con trai bị tai nạn mấy tháng nay”. Nghe bà con xóm giềng tốt bụng nói vậy, tôi cũng thấy chạnh lòng.
Rơi nước mắt trước hoàn cảnh éo le của cô giáo mù và người mẹ già ôm đau liên miên
Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Rén nằm trên bãi đất trống, khuất sau những ngôi nhà cao tầng. Bên trong ngôi nhà cấp bốn chẳng có thứ gì đáng giá ngoài hai chiếc giường và hai cái tủ gỗ đã cũ kỹ. Nghe tiếng người lạ, chị Rén dò dẫm từng bước đi ra, dáng người nhỏ bé, gầy gò, đầy khắc khổ khiến chị trông già hơn so với tuổi 55 của mình. Chị hướng đôi mắt mờ đục về phía tiếng người gọi rồi nhỏ nhẹ mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà nhỏ không có lấy một chiếc bàn tiếp khách, chị phải mò mẫm một lúc mới tìm thấy tấm chiếu để trải giữa nền nhà nhưng quyết không cho chúng tôi giúp sức. Đây cũng là nơi để bà con lối xóm đến thăm nom và ngồi trò chuyện.
Chị Rén lập gia đình năm 20 tuổi. Hai tháng sau ngày cưới, chồng chị lên đường nhập ngũ. Một năm sau chị như chết lặng khi nhận được tin chồng mình đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cao cả ở chiến trường Cam-Pu-Chia. Khoảng thời gian gần chục năm sau đó chị luôn sống trong cảnh buồn tủi, cô đơn, nhưng rồi được gia đình hai bên động viên, chị đã đi thêm bước nữa.
Sau khi về chung sống với người chồng mới và có với nhau đứa con trai đầu lòng, chị hạnh phúc lắm, không thể diễn tả hết bằng lời.
Tuy nhiên, cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nỗi lo cơm áo, gạo tiền cứ đè nặng lên đôi vợ chồng nghèo. Với đồng lương ít ỏi của một giáo viên dạy mầm non cùng với số tiền kiếm được từ công việc làm thuê, làm mướn của chồng cũng không thể trang trải đủ cho cuộc sống gia đình và nuôi thêm người mẹ già thường xuyên đau ốm. Không chịu được cuộc sống quá đỗi chật vật, người đàn ông phụ bạc ấy cũng đã bỏ mặc mẹ con chị ra đi theo người đàn bà khác.
Dù không còn nhìn thấy gì nhưng chị Rén vẫn tự mò mẫm buộc lại cánh cửa đã hư hỏng, mục nát
Nuốt dòng nước mắt tủi phận vào trong, một mình chị Rén lặng lẽ nuôi con và chăm sóc mẹ già. Chị luôn nghĩ rằng, niềm vui, niềm an ủi lớn nhất để giúp chị vượt qua hoàn cảnh là được nhìn thấy đứa con trai từng ngày khôn lớn, trưởng thành và hạnh phúc trong công việc dạy học. Những tưởng niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy sẽ theo chị cho đến tuổi già. Nào ngờ, tai họa một lần nữa lại ập đến với chị. Năm 2006, đôi mắt chị bỗng nhiên ngày càng mờ dần đi và không còn thấy gì nữa. Công việc dạy học cũng vì thế mà bị đứt đoạn.
Chị Rén nuốt dòng nước mắt nghẹn ngào kể: "Do tui bị mù và không thể nhìn thấy gì mà dạy cho con trẻ nữa nên nhà trường cho nghỉ dù chưa đến tuổi. Cầm quyết định trên tay mà tui đau đớn vô cùng, ước mơ đứng lớp như vậy là kết thúc nhưng biết làm sao bây giờ. Với mong muốn đôi mắt sáng trở lại, tui đi hết Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) rồi lại phải tự mình mò mẫm ra tận Bệnh viện Trung ương Hà Nội để khám và điều trị mắt. Bao nhiêu tiền của tích cóp, vay mượn đều dồn vào chữa trị, thuốc thang mà mắt chỉ có mờ thêm rồi không còn phân biệt được ngày hay đêm gì nữa".
Chưa quen với đôi mắt tối sầm cả ngày lẫn đêm nên đụng vào việc gì chị cũng bị ngã. “Có bữa chị đi chẳng may đập đầu vào tường nên bị gãy mất một cái răng. Khắp người bị bầm tím, sưng vù. Ai đụng vào người một chút cũng thấy đau”. Nói đến đoạn, chị Rén kéo tay áo lên cho tôi xem. Đôi bàn tay nhỏ bé đầy vết sẹo do bị dao cắt. Các vết thâm đen ở chân, tay trán vẫn còn bầm máu đỏ tươi như mới ngày hôm qua.
...và thái nhỏ những củ sắn vừa thu hoạch ngoài vườn để mẹ con ăn tạm mà sống qua ngày
Sau mấy năm dạy học, bây giờ trở về lại không có ruộng vườn để sản xuất khiến cuộc sống gia đình chị càng trở nên khốn đốn. Đã thế, căn bệnh viêm đa khớp cứ hành hạ khiến chị không làm được việc gì, mỗi khi trái gió trở trời là toàn thân chị đau nhức. Những khi như vậy chị cũng chỉ biết than khóc mà không biết tâm sự cùng ai.
Ngồi bên đứa con gái mù lòa, bà Lê Thị Xiếp (82 tuổi, mẹ ruột chị Rén) buồn tủi: “Sao số phận con gái tui lại hẩm hiu đến vậy không biết, có chồng nhưng người thì mất sớm, người thì bội bạc. Bản thân thì mù lòa, lại bệnh tật triền miên nhưng phải gắng gượng để chăm sóc cho tui và nuôi đứa con trai khôn lớn. Nhiều đêm nghe tiếng con khóc mà ruột gan tui như đứt thành từng mảnh. Tui thì đã già yếu không giúp được gì cho con, cho cháu, chỉ biết cúi xin mọi người hãy rủ lòng thương mà cứu giúp con gái tui vượt qua khó khăn này để có thể tiếp tục cuộc sống”.
Bà Xiếp thì đã già yếu lại đau ốm nhưng vẫn cố tranh thủ hái rau chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho dù chỉ toàn rau
Bà Xiếp nay đã già yếu, căn bệnh viêm phế quản mãn tính cũng khiến bà kiệt sức, có khi bà phải nằm một chỗ nhưng để con gái an tâm bà vẫn phải cố gắng để san sẻ bớt phần nào khó khăn cho con. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà chưa một lần cảm thấy thanh thản, có được niềm vui khi nhìn thấy con cháu vui vầy, hạnh phúc. Bà không sợ đau ốm mà chỉ sợ đến khi nhắm mắt nhưng lòng vẫn không yên về đứa con tội nghiệp lại mù lòa.
Vì gia cảnh quá khó khăn nên người con trai duy nhất của chị Rén là Lê Văn Diệu (SN 1986), đã tốt nghiệp trung cấp điện lạnh nhưng không có tiền chạy việc nên phải ở nhà đi phụ hồ để lấy tiền nuôi mẹ. Nhưng nỗi đau với cô giáo mù bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó. Cách đây 3 tháng, trong lúc phụ hồ, chẳng may Diệu bị ngã gãy chân phải nằm một chỗ suốt mấy tháng trời. Do vết thương quá nặng, cần thời gian lâu mới bình phục nên Diệu thường xuyên phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới thăm khám mà mua thuốc.
Thế nhưng, số tiền từ đồng lương hưu ít ỏi của mẹ cũng không đủ cho 3 mẹ con trị bệnh bởi tiền thuốc thang mỗi tháng cũng hết vài triệu đồng. Tiền khám chữa trị cho con chị đều phải vay mượn khắp nơi. Phía gia đình nhà ngoại chị chỉ có mỗi người em trai nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn nên không giúp đỡ chị được gì. Bà con quanh xóm thấy hoàn cảnh chị quá bi đát nên thường quyên góp cho lon gạo, bó rau hay chỉ là những lời động viên giúp chị vượt lên hoàn cảnh.
Chia tay hoàn cảnh đáng thương gia đình cô giáo Rén ra về, trong lòng chúng tôi cứ day dứt mãi về lời cầu cứu khẩn thiết của bà Xiếp. Hình ảnh hai người phụ nữ, một già nua ốm yếu, một khắc khổ, bệnh tật với đôi mắt mờ đục vô định vẫn đứng ở sân nhìn theo. Rồi đây, cuộc sống của 3 thế hệ này sẽ đi về đâu khi cuộc sống hiện tại quá đỗi khó khăn, túng quẫn.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1017: Chị Nguyễn Thị Rén (thôn 8, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). ĐT: 01653.713.924 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đức Tài - Nguyệt Đoàn