1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Dân chúng tôi mong muốn có được cây cầu!

(Dân trí) - Ngay sau khi <i>Dân trí</i> đăng bài “Thót tim cảnh phụ huynh lội sông đưa trẻ đến trường”, nhiều độc giả đã có những ý kiến mong muốn được chung tay góp sức xây cây cầu nhân ái cho người dân nơi đây.

Để đáp lại những tình cảm của độc giả, ngày 9/10, chúng tôi đã có chuyến trở về lại thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) nơi người dân hàng ngày phải bơi qua dòng sông R’lang đục ngầu, chảy xiết để đưa trẻ đến trường. Trò chuyện với người dân thôn Phú Mưa mới hiểu cuộc sống của đồng bào nơi đây còn quá khó khăn, gian khổ. 

Ông Alăng Chô, trưởng ban quản trị thôn Phú Mưa, cho biết thôn Phú Mưa (còn có tên gọi khác là thôn Pà Hó) được thành lập vào năm 1977, đa phần là đồng bào Cơtu sinh sống từ lâu đời. Từ ngày được thành lập đến nay, mặc dù Phú Mưa đã có nhiều bước tiến đáng mừng, song so với mặt bàn chung của toàn xã thì cò nằm trong diện khó khăn.

Theo ông Chô, cả thôn Phú Mưa có 25 hộ với 105 nhân khẩu. Do dân trí chưa cao nên cuộc sống của đồng bào chỉ luẩn quẩn trong vòng nghèo khổ.

“Trước đây, các cháu học sinh rất ham học. Về sau, do con đường đến trường gian nan quá, hơn nữa đến mùa mưa lũ thì phải nghỉ học cả hàng tháng trời nên các cháu bỏ học dần. Hiện tại, cả thôn có hơn 30 cháu học sinh từ lớp mẫu giáo đến THPT đang đi học tại các trường trên địa bàn huyện” - trưởng thôn Alăng Chô cho biết.

Dân chúng tôi mong muốn có được cây cầu! - 1
Không có người lớn, nhiều bé gái cũng phải tự mình bơi qua sông. “Thấy mấy đứa con trai bơi nổi, chúng em cũng bơi theo!” - em Alăng Thị Tâm, học sinh lớp 6/2, Ttrường THCS bán trú Lê Văn Tám cho biết.
 
Theo một số người dân thôn Phú Mưa, trước đây, hằng năm đồng bào nơi đây đều kết bè nứa làm phương tiện đưa trẻ qua sông đến trường học. Tuy nhiên, sau mỗi lần lũ về, bè nứa lại bị lũ cuốn trôi mất, buộc lòng các bậc phụ huynh phải tự mình lội sông đưa trẻ đi học mỗi buổi sáng chều. Anh Alăng Ting cho biết: “Dân mình còn nghèo, công việc chủ yếu là làm nương rẫy. Nếu ngày mô cũng phải túc trực ở bờ sông để đón các em học sinh đi học về thì biết lấy gì mà ăn”.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng cách ở hai bên bờ sông ngang qua thôn Phú Mưa khá rộng, ước chừng gần 100m do bị sạt lở mỗi khi lũ về. Mặc dù 2 ngày qua (7-8/10) thời tiết ở vùng cao này đã không còn mưa nhưng mực nước ở con sông R’lang chảy qua thôn Phú Mưa vẫn còn khá sâu và chảy xiết. Theo người dân nơi đây, sở dĩ đoạn sông này thường có nước sâu là do 2 con sông Jơ Ngây và R’lang hợp lại tạo thành. Hằng năm, mặc dù không phải mùa mưa lũ nhưng ở đoạn sông này vẫn lớn và sâu.

Chị Alăng Thị Tất kể năm ngoái, suýt nữa gần chục phụ nữ và trẻ em thôn Phú Mưa bị chết do trôi sông. Họ vừa trở về nhà sau chuyến gùi bán măng rừng sang bên kia đường tỉnh lộ ĐT604, đến sông là lũ vừa lên. “Khi chúng tôi bị lũ cuốn đi gần 100m thì người dân trong làng mới phát hiện và huy động thanh niên đến cứu. Nếu không thì…” - chị Tất chưa hết bàng hoàng, nhớ lại.

Dân chúng tôi mong muốn có được cây cầu! - 2
Không chỉ có trẻ em, cả người lớn cũng phải “liều mình” mỗi khi vượt sông.

Trưa 9/10, chúng tôi cũng có mặt tại đoạn sông này và lại chứng kiến cảnh người thân cõng các em học sinh để đưa qua sông sau buổi học về. Cùng thời điểm trên, cũng có nhiều người dân thôn Phú Mưa đi gùi những trái lòn bon (tức quả Nam Trân - PV) để đem sang bên kia đường bán cho các nhà buôn chờ sẵn. Vừa chạm được bờ sông sau chuyến gồng mình vượt lũ, chị Alăng Thị Cơớt vội thả phắt chiếc gùi xuống đất, thở phào nhẹ nhõm: “Gùi lòn bon đã mệt rồi, lội sông ni còn mệt hơn. Nhiều lúc không trụ chân nổi, nghe như sắp ngã người vì nước chảy mạnh quá!”.

Dân chúng tôi mong muốn có được cây cầu! - 3
Chị Alăng Thi Cơớt đang cố gắng qua sông bán lòn bon.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân Phú Mưa dường như bị cô lập hẳn với thế giới bên ngoài mỗi khi mùa lũ về. Cũng trong buổi chiều ngày 9/10, chúng tôi cũng đã tìm cách liên lạc với ông Bh’nướch Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Jơ Ngây và được ông xác nhận sự việc người dân lội sộng đưa trẻ đến trường là hoàn toàn có thật, diễn ra từ hàng chục năm nay.

“Chúng tôi cũng đang tìm phương án giải quyết nhưng khó khăn cho người dân thôn Phú Mưa từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào phù hợp. Sắp tới, chúng tôi bàn sẽ làm kế hoạch xin UBND huyện cho kinh phí mở tuyến đường từ cầu Sông Voi (xã Jơ Ngây) về tận thôn Phú Mưa nhằm giúp người dân khỏi bị cô lập mỗ khi đến mùa mưa lũ”.

Dân chúng tôi mong muốn có được cây cầu! - 4
Khi lũ cạn dần, các em nhỏ phải tự mình lội qua sông. (Ảnh chụp vào tháng 9/2009).

Cũng theo ông Lâm, trước đây, từ kinh phí hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương có chủ trương xây cầu treo cho thôn Phú Mưa nhưng do địa hình ở hai bờ sông quá rộng nên công trình không thể thực hiện được.

Quá trưa, chúng tôi chia tay người dân Phú Mưa để trở về xuôi. Trong cái bắt tay thân mật và bịn rịn, trưởng thôn Phú Mưa Alăng Chô như níu tay tôi lại và nói ngắn gọn trong sự hy vọng: “Dân chúng tôi mong có được cây cầu lắm, cán bộ ơi!”.
 

Ngày 13/10/2010, Báo điện tử Dân trí nhận được công văn số 739/UBND-TH của UBND huyện Đông Giang với nội dung như sau:

Huyện Đông Giang là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, có hệ thống sông suối tương đối dày, dân cư sinh sống không tập trung, rất nhiều thôn khi mùa mưa lũ gần như bị cô lập, điển hình là thôn Phú Mưa.

Huyện đã huy động xây dựng 24 cầu treo nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

UBND huyện Đông Giang rất mong muốn được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây dựng một cây cầu bê tông vượt lũ phục vụ đi bộ, xe thô sơ, rộng 1,2m, dài 84m, với tổng giá trị dự toán khoảng 1,5 tỷ đồng.

UBND huyện Đông Giang trân trọng cảm ơn báo Dân trí và bạn đọc đã quan tâm đến khó khăn trong việc đi lại và đi học của người dân và các em học sinh và cam kết sẽ phối kết hợp chặt chẽ, đồng thời tạo mọi điều kiệ thuận lợi nhất để công việc được triển khai nhanh chóng.

TM UBND huyện Đông Giang

Phó Chủ tịch

Đỗ Tài

 

 

Mọi đóng góp hảo tâm cho việc xây cầu xin gửi về:

 

1. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

2. Tài khoản Ngân hàng (Báo Khuyến học & Dân trí)

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

 

3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Bài và ảnh: Vương Hoàng