“Những người nghèo không…mong Tết” (2)
Đã nghèo lại còn…cô đơn
(Dân trí) - Tết là thời điểm gia đình sum họp đông đúc, vui vầy, thế mà cũng có những người từ nhiều năm nay chỉ thui thủi ăn Tết…một mình.
Chúng tôi đến nhà của ông Nguyễn Văn Thân (81 tuổi) ở Nhơn Thuận. Một căn nhà lá nhỏ nằm dưới mấy gốc cây ăn trái sau vườn nhà hàng xóm. Hình như ông Thân rất ít khi bước ra khỏi nhà mình bởi sức khỏe của ông rất yếu. Mắt mờ và đi phải chống gậy nên tới lui rất khó khăn.
Ông Thân cho biết, trước đây ông ở tận ngoài đồng ruộng, sau này mới dời vào gần bên trong. Căn nhà nhỏ này ông đã ở gần 5, 6 năm nay, điều đó đồng nghĩa ngần ấy năm ông ăn Tết thui thủi một mình trong tuổi già. Gạo, tiền mua thuốc, mua cá, mắm muối đều do bà con và mấy đứa con của ông cho. Dù tuổi đã cao nhưng ông tự nấu ăn, giặt giũ…chứ không nhờ đến ai.
Ông Nguyễn Văn Thân ngồi buồn thiu 6 năm nay trong căn nhà nhỏ của mình.
Ông Thân cũng có con nhưng do sống với con cái khó tính quá nên ông dời ra ở riêng. Do tuổi già nên ông không làm lụng được gì, có gần nửa công ruộng đều giao cho con của ông làm thay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thân bộc bạch: “Già rồi nên Tết nhất cũng không mong mỏi gì nữa, với lại con cái nó cũng ít quan tâm đến mình nên chỉ ăn Tết một mình. Năm nào ăn Tết cũng chỉ vài miếng thịt, ít trứng thôi chứ không có nhiều tiền để mua nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Trường bên “căn nhà” tí tẹo.
Thật khó khăn khi ông Trường diễn tả cách chui vào bên trong màn. Không thể tin nổi là ông Trường có thể chui vào đó được bởi nó “hẹp như chưa từng được hẹp”. Căn nhà này chỉ chứa 3 thứ: một là cái giường (cũng chỉ bằng ván ghép lại), hai là một mớ thuốc Nam và ba là rác. Ông Trường cho biết, ông ở đây đã 4 năm trời. Sáng đi lượm ve chai, chiều đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền mua gạo. Những khi tranh thủ được thì đi hái nhãn lồng, cỏ mực…cho phòng thuốc Nam ở xã làm từ thiện. Ngoài việc sinh sống bằng nghề trên để lo cho bản thân mình, ông Trường còn phụ với cậu em trai lo cho mẹ già 81 tuổi.
Khi chúng tôi đến nhà, thấy ông Trường đang đắp lại cái nền nhà ở phía sau. Nhìn cái nền nhà mới thật sự chúng tôi không khỏi mủi lòng bởi nó cũng chẳng rộng hơn cái nền cũ là bao nhiêu. Ông Trường cho biết, được một số người họ cho vật liệu nên ông quyết định dời nhà để đón Tết. “Bốn năm nay, có bao giờ tôi đón khách trong nhà đâu, một mình tôi ở còn chật nói chi đến khách với khứa. Năm nay dời nhà mong sẽ ngon lành hơn, nhưng có năm nào ăn Tết được an nhàn, năm nay chắc cũng vậy quá, bởi có nhà mới nhưng mà không có tiền”, ông Trường chia sẻ.
Bất ngờ hơn, ông Trường lấy trong túi ra một cái “tẩu thuốc có một không hai” và bật quẹt đốt hút ngon lành. Cái tẩu một đầu ngậm bằng cây ăngten, đầu kia gắn điếu thuốc vào, ông Trường nói vui đây là “hàng hiệu” chứ chẳng chơi. Nhìn ông già 62 tuổi vui vẻ trò chuyện với khách, có lẽ với ông Trường Tết cũng thế mà không Tết cũng thế bởi hình như ông sống rất vô tư.
Chị Trần Thị U năm nay chắc ăn Tết một mình vì chồng đã bỏ đi, con thì bặt tăm.
Hiện nay đứa con của chị đi làm thuê làm mướn ở TPHCM, vì lương mỗi tháng cũng chỉ đủ nuôi bản thân nên không giúp gì được cho chị và gần 1 năm nay cũng bặt vô âm tín. Còn chị, ở lại một thân một mình thường hay đau bệnh, hàng ngày thu nhập bằng cách đi hái rau vườn đem ra chợ bán kiếm trung bình 7.000-10.000 đồng nhưng bữa được bữa không. Nhà cửa thì bằng tre gỗ, lâu năm bị xuống cấp xiêu vẹo nằm sát mé kênh, nay bị lỡ nền nhà mà không có tiền để sửa sang lại.
Trước đây, những khi Tết đến, chị và đứa con trai cũng chỉ rau cháo ăn Tết chứ chẳng có gì “cao sang mỹ vị” như nhiều gia đình khác. Cuộc sống cứ khó khăn, khiến một người phụ nữ mới ngoài 40 mà trông chị U già hẳn đi. Bày tỏ với chúng tôi, chị U nói: “Thằng con thì đi không tin tức, gần Tết rồi mà trong nhà còn không có gạo để ăn, năm nay chắc khổ hơn nhiều. Vừa thiếu thốn vừa ăn Tết một mình, thật sự tôi chẳng mong mỏi gì Tết nhất chú ơi!”.
Qua báo Dân trí, Hội Chữ thập đỏ TP.Cần Thơ cùng huyện Phong Điền cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức cá nhân ra tay giúp đỡ các hoàn cảnh trên. Mong muốn cùng nhau để chia sẻ niềm vui Xuân về Tết đến.
Huỳnh Hải