“Những người nghèo không…mong Tết” (1)
Nỗi lòng của những gia đình có người mang bệnh
(Dân trí) - Một ngày cuối tháng 12, chúng tôi theo Hội Chữ Thập đỏ TP.Cần Thơ về huyện Phong Điền thăm hỏi một số gia đình nghèo ở các xã vùng sâu. Điều mà chúng tôi ghi nhận ở các gia đình này là họ có cùng chung một nỗi lòng: “Nhà nghèo quá nên sợ… Tết”.
Len lỏi theo những con đường đất nhỏ rồi qua vài lần phà, chúng tôi đến với xã Nhơn Nghĩa. Dù cận Tết nhưng không khí ở xã vùng sâu này trông lặng lẽ. Một cán bộ xã Nhơn Nghĩa đi với chúng tôi bày tỏ: “Xã Nhơn Nghĩa có số hộ nghèo còn nhiều nên đó có thể là lý do người dân chẳng có gì phải tất bật để đón năm mới”.
Nhà đã nghèo… mà cả gia đình cùng mắc bệnh
Con gái ông Huỳnh Văn Mực đang chăm sóc cha
Bà Trần Thị Nga (em dâu ông Mực) cho biết, vợ ông Mực mất năm 2000 do bị bệnh ung thư. Bảy năm sau đến ông Mực bị tai biến nằm liệt giường nên hơn 1 công ruộng đều do một mình đứa con trai Huỳnh Văn Lo (30 tuổi) làm lụng. Nhưng bản thân Lo cũng mang bệnh ung thư ruột gần 2 năm nay nên lúc làm lúc không, bởi thế gia đình luôn ở vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Không chỉ thế, đứa con gái Huỳnh Thị Nâu (20 tuổi) lại bị bệnh thiếu máu cơ tim đã mấy năm nên đành bỏ học, ở nhà và chỉ có thể làm những việc nhẹ vì em thường xuyên mệt và ngất xỉu. Mọi chăm sóc cho ông Mực chủ yếu do bà Nga đảm nhận. Bà Nga bày tỏ : “Do cả nhà ai cũng bệnh, mình là em dâu nhưng coi anh như anh ruột nên mình phải lo thôi”.
Nói đến cái Tết sắp tới, cả ông Mực, 2 đứa con của ông cùng bà Nga trông đều đượm buồn. Ông nghẹn ngào lên tiếng với chúng tôi: “Tiền ăn, tiền thuốc cho 3 cha con tôi phải đi xin hàng xóm thì còn gì nữa mà nghĩ đến Tết. Mấy năm nay rồi, chỉ tội nghiệp cho đứa con gái mới lớn, Tết mà nó không có cái áo mới để mặc với người ta”.
Cả gia đình mang bệnh của bà Phan Thị Nga và căn nhà chia 3 khúc để ở của chị em bà Nga.
Bà Nga bị viêm khớp nặng, nên hàng ngày bà chỉ ngồi một chỗ bày bán gói thuốc, cốc nước đá kiếm vài nghìn mua gạo. Còn 3 đứa con (2 trai, 1 gái), có 2 đứa bị bệnh. Đứa lớn là Phan Văn Cường (27 tuổi) cách đây 2 tháng đi làm hồ bị bụi sắt bay vào mắt, do không có tiền chữa trị nên đã bị mù một mắt phải.
Tuy nhiên hàng ngày Cường vẫn cùng cậu em kế là Huỳnh Bá Dư (25 tuổi) đi lang thang khắp nơi để lượm bọc, bao ni lông, phế liệu bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ và em. Còn cô con gái út Huỳnh Thị Trúc Mai (10 tuổi) thì bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu. Cũng vì quá nghèo, lo từng miếng ăn còn khó nên bệnh tật của mẹ con bà Nga không được chữa trị đến nơi đến chốn.
Khi xung quanh nhà bà Nga, nhiều gia đình đang sửa soạn lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì mẹ con bà Nga ngồi lặng lẽ một chỗ, trên gương mặt mẹ con bà hiện rõ những nỗi buồn. Bà Nga bộc bạch: “Từ lúc chồng mất đi, do không có tiền nên Tết đến, tôi đành đi mua thiếu người ta gạo với ít thịt ăn Tết. Đợi qua Tết, con nó đi lượm bọc kiếm tiền rồi mới trả. Năm nay chắc cũng vậy, lâm vào hoàn cảnh này rồi gia đình tôi có mong gì Tết nữa đâu”.
Nỗi khổ của những gia đình có người bị… tâm thần
Nhà có người bệnh đã khổ thì thiết nghĩ những gia đình có người bị tâm thần, không nhận biết bản thân mình và người nhà là ai thì có lẽ càng khổ và xót xa hơn.
Mới đây, người em gái của bà đã được gửi vào Bệnh viện tâm thần vì có dấu hiệu nặng hơn. Còn người em trai thì vẫn ở nhà để bà chăm lo. Bà Phấn nghẹn ngào: “Nhà ai cũng nghèo vì vậy đứa lành thì làm lo đứa bệnh mà sống. Hàng ngày kiếm miếng ăn vất vả, cực khổ lắm. Mỗi khi Tết về cả gia đình thấy chạnh lòng vì có gì đâu để ăn Tết như người ta”.
Em Nguyễn Thị Hồng Lanh (21 tuổi), cô con gái bị tâm thần của bà Nguyễn Thị Nhứt thường ngồi “trầm tư” ở dưới gốc cây.
Bà Nhứt bộc bạch, có nhiều năm đến 29, 30 Tết rồi mà trong nhà không có lấy một hạt gạo để nấu cơm. Bà phải chạy qua hàng xóm để mượn đỡ về nấu cho cả nhà ăn. Ngày Tết cũng chỉ ăn chao, tương, đậu hũ chứ cũng chẳng có thịt cá gì. Bà Nhứt nói : “Năm nay chắc cũng như mọi năm khác, cận Tết mà trong nhà trống không. Nhà nghèo, con cái cứ ngớ ngẩn như thế thì có ăn Tết cũng buồn lắm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sử- Phó Chủ tịch Hội Chử thập đỏ huyện Phong Điền cho biết, những gia đình nói trên thuộc gia đình khó khăn trong xã. Với chính quyền địa phương nhiều năm qua cũng không giúp gì được nhiều bởi chỉ có thể thực hiện theo chính sách nhà nước. Qua báo Dân trí, ông Sử mong muốn các “mạnh thường quân” thấu hiểu và kêu gọi chia sẻ, giúp đỡ đến với các hộ nghèo này để những ngày Tết đến họ cũng có chút niềm vui cho mình.
Phần 2: Đã nghèo lại còn…cô đơn
Huỳnh Hải