Mã số 1513:
Cuộc sống tạm bợ của mẹ và con trong túp lều rách
(Dân trí)- “Ở ấp Tam Hưng này chắc chỉ có hai mẹ con bà Nga là khổ nhất. Bản thân bà Nga bị khối u mọc trên đầu, còn con trai mắt bị mờ bẩm sinh, hai mẹ con chưa bao giờ dám mơ đến một viên thuốc để uống bởi miếng ăn còn bữa đói, bữa no”.
Đó là lời chia sẻ đầu tiên của lãnh đạo địa phương với chúng tôi về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi, ngụ ấp Tam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) mà nghe đến thắt cả lòng mình. Quả thật, khi nhận lá đơn cầu cứu của bà Nga và đến nhà tìm hiểu, chúng tôi mới thấy hết được sự bất hạnh và cái nghèo đến nỗi “không còn mồng tơi để rớt” của mẹ con bà Nga.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, hàng chục năm nay, khối u mọc ở trên đầu đã hành hạ bà gần như suốt cả đời mình. “Có nhiều đêm ngủ giật mình thức dậy đã thấy máu từ khối u chảy lênh láng trên giường mà chẳng biết kêu ai, chỉ có thể kêu thằng con lấy khăn thấm máu rồi hai mẹ con ôm nhau mà khóc”, bà Nga bùi ngùi mở đầu câu chuyện.
Bà Nga kể, hồi đó cách đây bao nhiêu năm bà cũng không nhớ rõ, bà chỉ nhớ là tự dưng trên đầu mọc một cục u cỡ ngón chân cái người lớn. Lúc đó chồng bà là ông Trần Văn Lực còn sống đã chạy vạy chỗ này chỗ kia để có tiền đưa bà đi khám bệnh. Rồi bà cũng được phẫu thuật, tưởng khối u sẽ mất, ngờ đâu lại tái phát. “Nhà nghèo, quanh năm làm thuê, làm mướn chưa đủ ăn nên tui cũng đành phó mặc cho khối u biến chứng đến giờ”, bà Nga xót xa.
Nói rồi bà Nga đưa tay dở chiếc nón vải xuống, trên đầu bà Nga hiện ra một khối u máu to bằng cả trái cam, nhìn khối u chúng tôi một thoáng rùng mình. Cũng vì cái nghèo mà bao nhiêu năm nay, người phụ nữ ốm yếu này mang trên đầu khối u quái ác như thế mà chưa biết khi nào bà thoát khỏi sự hành hạ đau đớn của nó .
Không một miếng đất canh tác, chỉ có nền nhà cha mẹ cho để cất một mái nhà nhỏ che mưa che nắng cho hai mẹ con. Nói là căn nhà chứ nó không khác gì một cái chòi bởi khi vào bên trong, từ cửa nhà trước, chúng tôi đi chưa được 3, 4 bước chân đã đến cửa nhà sau. Để có được “cái chòi” này, bà Nga cũng phải nhờ vào sự thương tình của bà con lối xóm, người cho ít lá, người cho ít cây để dựng lên. Bà Nga cho biết, mẹ con bà dựng “cái chòi” này tốn chưa đến 120.000 đồng.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Nga cho biết, lúc trước còn khỏe, bà đi chèo đò thuê cho người ta, mỗi ngày cũng được 10.000 đồng- 15.000 đồng. Thời gian gần đây, sức khỏe yếu dần bởi khối u biến chứng gây đau nhức, bà không chèo đò nỗi nữa. “Tui có mượn tiền đi bệnh viện tái khám thì bác sĩ nói khối u cần phải mổ với ca mổ khoảng 40 triệu đồng. Nghe số tiền mổ tui như chết đứng bởi tui nghèo quá lấy đâu số tiền triệu này nên đành về nhà chịu trận”, bà Nga nói trong sự bất lực của hoàn cảnh gia đình.
Với căn bệnh của mình, bà Nga cũng chẳng dám mơ đến việc mua một viên thuốc để uống mà chỉ đi xin thuốc nam uống cầm chứng đến đâu hay đến đó. Những lúc giảm đau, bà Nga đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được vài ngàn với mong mỏi làm sao có thể mua gạo, mắm muối sống qua ngày.
“Khối u ác tính nên mỗi lần tui làm việc gì nặng nhọc hay cử động mạnh là nó lại chảy máu, những lúc như thế đau nhức lắm chú à. Mình nghèo thì mình chịu chứ biết lấy gì để trị bệnh, chỉ sợ lâu ngày bệnh biến chứng nặng hơn, mình nằm xuống thì khổ cho thằng con trai”, bà Nga ngậm ngùi.
Bà Nga đưa đôi mắt thẫn thờ nhìn về người con trai là anh Trần Quốc Cường (30 tuổi) đang ngồi cạnh bên bà. Rồi bà cho biết thêm, bà còn có hai người con gái đã lấy chồng nhưng ai cũng nghèo, phải chạy ăn từng bữa nên không thể giúp gì được nhiều cho mẹ. Nghe bà nói, chúng tôi cảm thấy như sự bất hạnh của số phận đã lấy đi hết tất cả những gì tươi đẹp của gia đình bà Nga khi không chỉ bà bị bệnh, con gái lấy chồng cũng trong hoàn cảnh khó khăn mà ngay cả con trai bà cũng chẳng mạnh khỏe gì. Mới sinh ra, mắt của anh Cường bị mờ, hầu như không nhìn thấy rõ như người bình thường khác. Lúc đó do nhà nghèo nên bà Nga không có điều kiện trị bệnh cho con nên đành để con chịu cảnh mù mờ đến giờ.
Mắt bị mờ, lại bị thần kinh tọa nên sức khỏe của anh Cường cũng rất yếu, không làm được việc gì nặng nhọc, vì thế cũng ít người thuê mướn anh Cường. Do đó, miếng cơm, manh áo hàng ngày của hai mẹ con anh Cường chủ yếu dựa vào mấy tấm vé số của bà Nga. Cuộc sống của hai mẹ con bữa đói, bữa no là cảnh thường xuyên xảy ra. Có bữa chỉ có cơm trắng và chén nước mắm, có bữa chỉ là nồi cháo trắng, có bữa không bán được vé số, hai mẹ con nhịn cả cơm chiều.
“Từ khi cha thằng Cường bị bệnh mất, hai mẹ con tui trở nên cùng đường hơn. Khổ lắm chú à, hai mẹ con ai cũng bị bệnh nhưng có bao giờ được một viên thuốc để uống đâu. Bà con lối xóm có thương nhưng ai cũng khó khăn, không thể giúp mình hoài được, những lúc như thế, tui chỉ còn biết phó mặc tính mạng của mình cho ông trời mà thôi”, bà Nga nói trong sự tuyệt vọng.
Nhìn mẹ mình rơm rớm nước mắt, anh Cường cũng bùi ngùi, anh tâm sự: “Em chỉ mong sao mình thật mạnh khỏe, mong sao người ta mướn em thật nhiều để em làm kiếm tiền nuôi mẹ. Chứ nhìn mẹ em bị bệnh hiểm nghèo mà phải lặn lội bán vé số, em đau lòng lắm”. Khi chúng tôi hỏi về tương lai, về một gia đình nhỏ khác để lo cho bà Nga, anh Cường chỉ lắc đầu rồi thở dài.
Đếm lại mấy tờ vé số chuẩn bị đi bán, bà Nga cho biết, mắt bà cũng bị mờ nên không đi được xa, chỉ lòng vòng gần trong xóm. Ai thương tình thì mua giúp để mẹ con bà có miếng cơm ăn. “Giờ tui chỉ mong có một số tiền để trị bệnh cho hai mẹ con để hết bệnh đi làm kiếm tiền, rồi sửa lại căn nhà ở cho an tâm”, bà Nga mong mỏi.
Nhìn người phụ nữ lúc nào cũng đội cái mũ vải trắng trên đầu che khối u quái ác đang từng ngày to hơn như một cách để bà Nga giảm đi sự đau đớn và nhìn người con trai của bà đờ đẫn với ánh mắt mù mờ, thật sự khiến chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảnh quá khốn khổ, bất hạnh này. Chúng tôi cũng mong rằng ước muốn của bà Nga sẽ thành hiện thực.
(Thực hiện: Huỳnh Hải)
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quốc Ngữ- Bí thư Chi bộ ấp Tam Hưng- cho biết, hoàn cảnh của hai mẹ con bà Nga thật sự là một hoàn cảnh khổ nhất ở địa phương này. Với bà Nga, căn bệnh mà bà đang gặp phải nếu để lâu rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. “Do đó, qua báo Dân trí, chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm hãy cùng sẻ chia, giúp đỡ để mẹ con bà Nga có tiền chữa bệnh, tạo điều kiện cho hai mẹ con của bà có cuộc sống ổn định hơn”, ông Ngữ bày tỏ.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1513: Bà Nguyễn Thị Nga, Ấp Tam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. ĐT: 0983 202 365 (ông Ngữ- Bí thư chi bộ ấp Tam Hưng) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Huỳnh Hải