1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cuộc sống cơ cực của người mẹ "trốn" từ TQ trở về

(Dân trí) - Trong ngôi nhà tạm bợ, 2 đứa trẻ trong bộ quần áo lem luốc ngồi nghịch đất cát, thi thoảng đưa ánh mắt nhìn sang người mẹ khi thấy bà kêu đau. Còn chị mấy hôm nay phải nghỉ ở nhà do bệnh, càng lo lắng khi không có tiền chữa trị…

Năm nay 34 tuổi nhưng trông chị già hơn rất nhiều so với tuổi, khi một nách 3 đứa con cùng sự hành hạ của căn bệnh ác hiểm: tắc mật cấp do sỏi đường mật gan trái. 34 năm qua, chị chưa có được một ngày thảnh thơi, vui vẻ, nếu không muốn nói là chuỗi ngày tháng “địa ngục”, đớn đau.

Chị tên là Nguyễn Thị Thu Hiền, ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, sống trong một chòi tranh tạm bợ do bà con trong thôn thương cảm dựng nên. “Chị cũng có bố mẹ, có anh chị em, nhưng dường như “người ta” cũng lãng quên chị từ lâu lắm rồi. Người thân của chị bây giờ chỉ có 2 đứa bé một lên ba, một lên năm này”, vừa chỉ tay vào 2 đứa trẻ một trai một gái, mặt mày lem luốc, chị Hiền bắt đầu kể về cuộc đời tủi phận của mình.
 
Cuộc sống cơ cực của người mẹ "trốn" từ TQ trở về - 1

Một nách 2 con thơ, lại mang bệnh nặng trong người khiến chị Hiền giả hơn nhiều so với tuổi 34 của mình

Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, nhưng là chị cả nên chị đã phải tự lập ngay từ nhỏ. Lên 5 tuổi, bố mẹ chị ly dị, bỏ mặc chị muốn ra sao thì sao. Ở với bố thì chị thường xuyên gánh đòn roi từ dì ghẻ, nhưng sang nhà mẹ thì bị bà ngoại hắt hủi, thế là chị không muốn cũng thành đứa trẻ dạt nhà kiếm sống từ đó.

Năm 14 tuổi, cuộc đời chị bắt đầu trở nên tủi nhục khi bị một người đàn bà cùng xóm lừa bán sang Trung Quốc, sống kiếp nô lệ đọa đày. “Sang đó mình sống thân phận trâu ngựa cho nhà chủ, mỗi ngày hơn chục tiếng đồng hồ làm việc, tiền kiếm được nhà chủ lấy hết, đó là chưa kể ngày nào cũng ăn đấm, ăn đá nếu như chậm trễ hoặc không vừa ý chủ”, chị kể.

Chị Hiền rơm rớm nước mắt kể lại cuộc đời khốn cực khi bị bán sang Trung Quốc, đó là cơn ác mộng đau đớn nhất mà chị phải gánh chịu suốt 20 năm. Sang bên đó chị làm nghề may mặc cho nên mỗi ngày chị phải ngồi trên bàn máy hơn chục tiếng đồng hồ, cố gắng làm được thật nhiều sản phẩm để nhà chủ không đánh đập, số tiền chị kiếm được đều nằm trong tay chủ với lý do nuôi ăn nuôi ở.

Có nhiều hôm ốm nặng, chị không đủ sức để ngồi dậy làm việc nhưng cũng bị nhà chủ bắt đi, may được ít sản phẩm thì ông chủ lao vào đấm đá, còn bà chủ thì kéo tóc. Chị Hiền tâm sự “ những trận đòn đau xảy ra đối với chị như cơm bữa, nhưng chị chịu đựng quen rồi, chỉ mong sớm trốn về được quê hương cho dù bị đánh chết chị cũng phải về”

Thế rồi, năm 24 tuổi, chị được một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Những tưởng cuộc đời của chị từ đây sẽ được thay đổi khi có một gia đình cho dù gia đình đó không phải là niềm mơ ước của chị. “Khổ lắm em à, chồng chị nghiện rượu nặng, lại ham mê cờ bạc nên được đồng nào ông xào đồng ấy. Không có tiền uống rượu ông đánh đập chị một cách dã man, những vật dụng trong nhà đều là “vũ khí” để ông đánh chị”, chị Hiền nhớ lại.
 
Cuộc sống cơ cực của người mẹ "trốn" từ TQ trở về - 2

Trở về quê hương, chị Hiền làm nghề quét rác để nuôi 2 đứa con bé bỏng

Một lần bị đòn nặng của chồng, uất ức và đau đớn, chị đã uống thuốc trừ sâu để tự tử nhưng không chết do được mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau lần đó, chị được một người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ, chị đưa 2 đứa con về quê hương, duy đứa con đầu thì không mang về được vì sợ người chồng vũ phu ngăn cản đường về.

Về quê hương nhưng không còn ai thân thích, hay đúng hơn là người ta cũng chẳng màng việc nhận họ hàng với chị, một mình chị xoay sở trăm đường để lo cuộc sống cho 2 đứa con còn quá nhỏ, đến nói tiếng Việt cũng không rành rọt như những bạn cùng trang lứa.

Thương cảnh sống côi cút của ba mẹ con, thương cho hoàn cảnh éo le bất hạnh của chị, bà con hàng xóm đã góp tiền dựng cho chị một căn nhà lán chưa đầy 20m vuông. Căn nhà lụp xụp trời mưa thì nước hắt vào nhà, trời nắng thì nóng như thiêu như đốt. Trong nhà không có một thứ đồ nào quý giá ngoài chiếc ti vi đã quá cũ kĩ, hỏi ra mới biết chiếc ti vi này của nhà hàng xóm tốt bụng không dùng nữa cho chị, để chị xem cho đỡ buồn.

Cuộc sống của ba mẹ con gặp rất nhiều khó khăn khi chị là công nhân quét rác thu nhập một tháng chỉ có 1 triệu hai, mới đây chị còn phát hiện ra mình đang mắc bệnh tắc mật cấp do sỏi đường mật gan trái. Bác sĩ bảo chị cần có hơn 20 triệu thì mới có thể mổ và sống được, nhưng giờ chị đào đâu ra tiền, bởi đến tiền ăn cho con còn chưa đủ huống chi là chữa bệnh cho chị với số tiền mà cả đời chị chưa nhìn thấy bao giờ.

Hai đứa con của chị còn quá bé bỏng, đứa lớn 5 tuổi còn đứa bé thì chưa tròn 3 tuổi, suốt ngày nghịch đất cát ở nhà bởi chị cũng chẳng kiếm đâu ra tiền cho chúng đi nhà trẻ. Nhìn hai đứa con thơ mặt mày nhem nhuốc, chị lại đưa tay quệt nước mắt, nói trong âu lo:“Nhiều hôm lên cơn đau, muốn ở nhà nghỉ một bữa nhưng nhìn hai đứa con thơ mình lại phải cốgắng đi làm, nếu không có tiền thì cả nhà chết đói. Nhưng khi đi làm thì chị lại lo cho 2 đứa không biết chúng có bị làm sao không khi không có ai trông chừng, lỡ may ngã xuống nước thì chết".
 
Cuộc sống cơ cực của người mẹ "trốn" từ TQ trở về - 3

Trong căn nhà tranh tồi tàn, chị Hiền chỉ mong có sức khỏe để nuôi dạy 2 con nên người
 
"Từ nhỏ chỉ vì không được học hành, không biết chữ mà mình bị lừa bán sang Trung Quốc, nên giờ mình không muốn hai đứa con lại rơi vào hoàn cảnh như mẹ nó đã gánh lấy. Giờ chỉ mong có được chút tiền chữa bệnh, bởi khổ mấy mình cũng chịu đựng được, chỉ thương hai đứa con còn qúa nhỏ mà thôi”, chị Hiền ao ước.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Nguyễn Thị Thu Hiền:thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

ĐT: 01653.200.321

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội/
 

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.03.733.269

 
Quỳnh Nga