Cả thôn Giang Sơn, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa ai cũng rơi nước mắt khi nghe những lời tâm sự đầy xót thương và tủi phận của ông ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Chúng tôi đến thăm ông Ánh vào một buổi chiều mưa, đi qua con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà ẩm thấp. Ông Ánh đang mò mẫm từng khúc gỗ để đóng cái giá đựng đồ. Chẳng có bàn ghế gì, ông Ánh đành tiếp chúng tôi trên chiếc giường cũ trải chiếc chiếu đã rách lỗ chỗ.
Ông Ánh lọ mọ làm cái giá đựng đồ
Nghe hỏi về cuộc đời mình, ông tâm sự: “Buồn lắm các cháu à! Sinh ra tôi đã không được thấy mặt trời, cũng chẳng biết mặt bố mẹ và anh trai, tôi chỉ nghe mọi người kể lại thôi”.
Gia đình ông có 2 anh em trai, ông là con thứ hai trong gia đình. Nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi mắt, cướp đi quyền được nhìn thấy cuộc đời của ông. Sinh ra trong cảnh đất nước loạn lạc nên cái nghèo, cái đói luôn đeo bám, túng thiếu đến từng củ sắn, củ khoai. Đói nghèo đã khiến bố mẹ Ánh lâm bệnh nặng và sớm qua đời khi cậu bé chưa tròn 6 tuổi. Ánh và anh trai trở thành những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Hàng ngày, hai anh em chỉ biết dắt nhau đi đào củ mài, củ sắn về ăn trừ bữa.
Lớn lên trong cảnh đất nước đang có chiến tranh, anh trai Ánh xung phong đi bộ đội và đã hi sinh ngoài chiến trường, để lại cậu em đơn côi bơ vơ trên cõi đời với đôi mắt mù lòa.
Không còn ai nương tựa, cuộc đời ông Ánh lại một lần nữa rẽ hướng khốn khổ hơn, bởi mù lòa như vậy Ánh biết làm gì để nuôi sống bản thân. “Lúc đó ông không còn thiết sống, bởi thấy số phận quá bất hạnh và nghiệt ngã đối với mình. Không còn người thân thích, ông thành đứa trẻ mồ côi. Nhưng nghĩ lại cuộc sống càng nghiệt ngã, càng phải quyết tâm sống”, ông Ánh kể.
Ban đầu, Ánh xin đi làm thuê, nhưng thấy cậu mù lòa nên chẳng ai trong làng muốn thuê. May rồi Ánh cũng xin được chân trông trẻ cho bà con trong xóm để kiếm miếng cơm, manh áo đắp đổi qua ngày.
Cuộc sống vất vả, khổ cực trôi đi từng ngày, cậu bé Ánh mù lòa rồi cũng trở thành một chàng trai với niềm khát khao được sống, được yêu thương và được hưởng niềm hạnh phúc của một gia đình thực sự. Nhưng, mơ ước chỉ là mơ ước khi đôi mắt ông không thể nhìn thấy, không làm được gì.
“Nghe tiếng trẻ con khóc, trẻ con cười ông yêu chúng nó lắm. Lúc đó ông cũng mơ đến một tổ ấm gia đình, có người vợ hiền bầu bạn và những đứa con ngoan. Nhưng niềm mơ ước đó sẽ chẳng bao giờ thực hiện được với kẻ mù lòa như ông”, ông Ánh tủi phận.
Dù chẳng nhìn thấy gì, hàng ngày ông Ánh vẫn phải lọ mọ làm mọi thứ trong nhà, tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Dành dụm tiền hơn nửa đời người, ông cũng mua được cái nồi cơm điện và cái ấm điện.
“Tôi là hàng xóm sống bên cạnh nhà ông nên biết hết sự khó khăn, vất vả trong sinh hoạt của ông. Hôm nào rảnh rỗi, tôi sang giúp ông nhặt ít củi nấu, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng nhiều hôm sang thấy ông đang dọn cơm ra ăn mà nồi cơm còn nguyên nước vì quên bật nút”, bác Dinh hàng xóm sang chơi cho hay.
Căn nhà tuyềnh toàng của ông Ánh
Khổ cực, đói khát, thiếu bàn tay chăm sóc từ nhỏ nên sức khỏe ông Ánh giờ rất yếu. Ông hầu như không còn làm được việc gì, cũng không ai thuê ông làm việc nữa nên cuộc sống vô cùng khó khăn và chật vật. Ngôi nhà tình nghĩa do UBND xã và bà con ủng hộ xây dựng lâu nên đã bị dột nát. Mưa xuống là nước ngập vào nhà, trời nắng thì hầm hập, bức bối. Đã có một thời gian dài ông phải xách bị đi ăn xin khắp nơi, sau được xã quan tâm hơn nên ông được nhận tiền trợ cấp chính sách.
Nhưng ngoài khoản tiền trợ cấp thường xuyên 360.000đ/tháng của Nhà nước dành cho người già neo đơn, không nơi nương tựa thì ông không còn nguồn thu nhập nào khác. Thương hoàn cảnh khó khăn, cô quạnh của ông, bà con hàng xóm người cho bát gạo, con cá, mớ rau... sống qua ngày.
Chị Diện hàng xóm chia sẻ: “Thương hoàn cảnh của ông lắm, tuổi đã cao, mắt lại mù lòa nên chẳng làm được gì. Trời nắng còn đỡ, nhiều hôm trời mưa thấy ông lọ mọ đi nấu ăn trong cảnh mưa gió, cô đơn mà tôi không kìm được nước mắt. Gia đình cũng khó khăn nên tôi cũng chỉ biết giúp ông được cái gì hay cái đó thôi” .
Chia tay ông cụ ra về, lòng chúng tôi không khỏi trăn trở về những ngày tháng còn lại của người đàn ông một mình cô quạnh hơn 70 năm qua và giờ đây chỉ có ước nguyện nhỏ “mong sao sửa lại được mái nhà để có nơi đi ra đi vào khi mưa gió là mãn nguyện lắm rồi”...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Ông Nguyễn Đình Ánh: Thôn Giang Sơn, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
(Có thể liên lạc với ông Nguyễn Đình Ánh qua số điện thoại của ông Ninh - Cán bộ chính sách xã 01685508622) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Ngõ số 2, nhà 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 045 137 195 6482 SWIFT Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0451 001 944 487 Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Nguyễn Thúy - Duy Tuyên