Cụ bà có 6 chiếc chum sứt hạnh phúc khi được nghe một tiếng gọi: "Mẹ ơi!"
(Dân trí) - Sống cảnh không chồng, không con, ở độ tuổi 90, cụ Rụt hạnh phúc ngập tràn khi được bạn đọc Dân trí về thăm và gọi "mẹ". Với cụ, tiếng gọi "mẹ ơi" thiêng liêng và trân quý hơn bất cứ thứ gì bởi đã đi gần hết cuộc đời, đây là lần đầu tiên cụ mới cảm nhận mình có những đứa con.
Nhà cụ Rụt đã được lắp đường nước sạch
Câu chuyện về cụ Trần Thị Rụt ở xóm 12, (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) với 6 chiếc chum sứt mẻ chứa nước ao dùng sinh hoạt hàng ngày thời gian qua đã làm lay động nhiều tấm lòng bạn đọc báo Dân trí. Sống gần hết đời người, đây là dịp hiếm hoi cụ cảm nhận được sự đủ đầy về vật chất trong cuộc sống và niềm hạnh phúc đến với mình.
Khoác trên người một tấm áo mới, cụ cười móm mém đón chúng tôi trở về thăm như người mẹ chờ các con. Không giấu được niềm vui, cụ kể từ ngày có bài báo, có nhiều cô, nhiều chú về thăm và gọi cụ là “mẹ” khiến cụ có cảm giác rằng mình thật sự đã có những đứa con.
“Mọi người về thăm cứ quấn quýt ở đây, vui lắm. Nhà tôi tự nhiên có đông con, đông cháu đến vậy, tôi cũng thấy mừng. Tôi còn được lắp cả hệ thống nước sạch để dùng rồi đấy. Giờ tôi không phải lo thiếu nước hay ra ao múc nước về nhà dùng nữa” – cụ phấn khởi khoe.
Nghe cụ nói, khóe mắt chúng tôi cũng cay cay. Niềm vui của cụ, chỉ bình dị, giản đơn có vậy nhưng cho đến tận bây giờ, khi tuổi đời đã chạm mốc 90, cụ mới có được. 6 chiếc chum sứt mẻ chứa nước ao đã được thay thế bởi hệ thống nước sạch, cùng bao niềm vui đã thật sự “gõ cửa” đến với cụ.
Chứng kiến những giây phút cụ Rụt “vui như Tết”, chị Vũ Thị Như Hoa - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghĩa Lâm cho biết: “Thật sự phải ghi nhận và cảm ơn sự vào cuộc của báo Dân trí. Cụ Rụt là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã mà bất cứ ai nghe chuyện cũng rớt nước mắt. Vừa qua nhờ bài viết trên báo nên cụ đã nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm của mọi người. Hiện tại hệ thống nước sử dụng cho cụ đã được lắp đặt, chăn chiếu mới cũng được thay cho cụ. Sắp tới địa phương sẽ phối hợp để thay lại mái nhà cho cụ để tránh dột nát như trước”.
Là hàng xóm thường xuyên qua lại để chăm sóc cụ, chị Nguyễn Thị Lê cũng phấn khởi kể chuyện: “Có nhiều anh chị ở xa về thăm, ai cũng gọi cụ là mẹ khiến cụ xúc động lắm. Lúc mọi người ở đó trò chuyện, cụ cười suốt thôi. Khi mọi người về, có lần cụ khóc, cụ bảo đây là lần đầu tiên cụ được nghe tiếng gọi “mẹ ơi” một cách gần gũi, thân tình đến thế. Nghe cụ nói, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt”.
Người mẹ có tấm lòng nhân hậu bao la
Trong lần trở về thăm này, PV Dân trí cũng trao tận tay cụ số tiền 73.860.000 đồng của bạn đọc gửi tặng trong thời gian qua. Khi thông báo số tiền, cụ không tin, cứ hỏi đi hỏi lại chúng tôi: “Có thật như thế không các cô chú? Tôi có nhiều tiền như thế thật sao?”.
Cụ hỏi rồi im lặng một chút, khóe mắt như muốn khóc, cụ bảo cả cuộc đời chưa bao giờ cầm nổi đến 2 triệu trong người, giờ được mọi người tặng cho số tiền lớn, cụ không biết gửi lời cám ơn ra sao nữa.
Vừa nhận số tiền của bạn đọc Dân trí trao tặng, cụ Rụt đã tính sẽ dành một phần để đảo lại mái nhà, một phần để thuốc thang chữa cái chân đau chưa khỏi, một phần để ăn uống và một phần để cụ giúp đỡ những cháu bé không may mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn thôn, xã mà cụ biết.
“Mình nhận rồi thì mình phải cho đi chứ. Tôi sẽ trích một phần số tiền này để giúp đỡ các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn để mong các cháu cố gắng hơn nữa” – cụ khẳng định việc sẽ làm khiến những người trẻ như chúng tôi thêm kính phục và trân quý tấm lòng của cụ.
Cuộc sống khó khăn trong sự cô đơn khép lại, cụ Rụt từ giờ đã đủ đầy và ấm no hơn. Mùa đông về rồi, năm nay cụ sẽ không còn “lạnh” nữa. Quần áo ấm, chăn ấm đã được sắm cả rồi, cụ cũng không còn phải “một mình” nữa bởi giờ đã có những đứa con sẵn sàng chạy về đoàn viên với cụ.
Tết năm nay, cụ bảo các anh chị hứa về sớm để cùng gói bánh chưng, bó giò và dọn dẹp nhà cửa với cụ… nên cụ tự nhủ bản thân phải khỏe, phải đi lại được để còn cùng nhau đón Tết với “các con”.
Phạm Oanh