1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 423:

“Con không muốn mẹ chết đâu !”

(Dân trí) - 5 con người đau khổ ở trong một căn nhà rộng chỉ 20m2. 5 con người ấy thì có tới 3 người bị bệnh nặng và một cháu nhỏ đang sống lay lắt giữa cái vòng quẩn quanh của đói nghèo, bệnh tật và khổ đau...

“Con không muốn mẹ chết đâu !” - 1
Căn nhà tồi tàn này của anh Sơn có hai thế hệ sinh sống. Cũng chính trong căn nhà này 5 người thì 3 người mang bệnh...
 
Để có tiền chữa bệnh cho vợ, ông, bà anh đã phải vay mượn bà con lối xóm, anh em, họ hàng... Cứ thế nợ cũ chồng nợ mới đè lên gia đình anh thuộc vào hạng nghèo kiết xác nơi vùng đất được xem là giàu có ở phố biển Diễn Châu, Nghệ An. Gia cảnh chúng tôi muốn nói đến là vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tâm (34 tuổi), ở xóm Trung Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Gia đình anh Sơn bây giờ như một “con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt leo vào leo ra” cuối cùng anh bắt xe hơn 100km vào tận VP đại diện báo Dân trí tại Hà Tĩnh để cầu cứu.

Căn nhà tàn và nỗi đau dai dẳng

Nhận được thông tin từ Trưởng đại diện, tôi trở về xóm nhỏ Trung Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu trong một buổi chiều tà đầy tiếng nhạc đám cưới rộn rã. Hỏi nhà anh Sơn chị Tâm ai cũng xung phong đưa tôi đến và bảo: Chị Tâm bị bệnh tim đã 6 năm nay rồi. Gia đình họ khổ nhất cái xóm này đấy. Còn anh Sơn dường như đã kiệt sức vì một mình gần chục năm nay gồng gánh nuôi 4 miệng ăn (gồm 2 ông bà, con và vợ anh - PV).

Người dẫn đường tôi cũng rưng rưng nước mắt khi kể về câu chuyện buồn gia đình khổ đau anh Sơn. Đập vào mắt tôi sau những dãy nhà cao ráo, khang trang kia là một căn nhà tồi tàn, ọp ọep đến thê lương. Thoạt nhìn bên ngoài căn nhà chỉ mới nói lên được một nửa của thiếu thốn. Nhưng khi chui vào trong nhà quan sát mới nhận ra sự thiếu thốn đến tột độ của gia đình anh Sơn là thế nào. Từ chiếc bàn uống nước, đến cái bàn học cho con... cũng không có. Chứ nói đến bộ bàn ghế với anh ngồi uống nước, tiếp khách thì nằm mơ cũng không thấy.
 
Ngược lại, trên nền nhà xù xì, lem nhem là một tấm chiếu cói đã hư hỏng, rách nát từng góc - là nơi làm bàn tiếp khách ngay giữa nền nhà. Nhìn quanh đi quẩn lại trong nhà duy nhất được 3 cái giường (một cho vợ chồng anh chị và đứa con, 2 cái khác dành cho ông bà - PV) được xem là tài sản có giá trị nhưng nếu đem bán chỉ mỗi làm củi đun. Căn nhà của vợ chồng anh Sơn vẹn vẹn khoảng 20m2 thừ kế từ ông bà nay nó đã và đang xuống cấp. Cũng chính trong căn nhà tàn này là 5 con người của hai thế hệ đang sinh sống gồm: bố, mẹ (bố mẹ anh Sơn), vợ chồng anh Sơn và đứa con trai Nguyễn Văn Trà đang học lớp 6.
“Con không muốn mẹ chết đâu !” - 2
Bố con anh Sơn kể với phóng viên về chuyện gia đình đã khóc...

Nằm bệt trên chiếc giường cưới đã cũ rích hơn 12 năm nay, chị Nguyễn Thị Tâm nói không rõ lời bởi căn bệnh đau tim đã hành hạ chị hơn 6 năm nay. Để thay lời cho chị, anh Sơn đỡ lời bảo: “Năm 2005 trong một cơn đau dữ dội, tôi đưa vợ đi ra một số bệnh viện Hà Nội khám được các bác sỹ cho biết, vợ tôi bị bệnh hẹp van tim hai lá. Dẫu biết vợ bị căn bệnh cần phải điều trị, nhưng hoàn cảnh gia đình không có lấy một xu dính túi nên đành ngậm ngùi đưa vợ về nhà vậy. Những năm tháng trôi đi, số tiền tôi tích cóp, vay mượn chỉ đủ mua mấy viên thuốc để vợ uống qua ngày. Chính vì vậy mà căn bệnh vợ tôi nặng thêm. Cuối tháng 10/2011, vợ lại đau quằn quại, khó thở nên tôi đưa vào BVĐK Nghệ An khám lại xem thế nào...

“Con không muốn mẹ chết đâu !” - 3
Cháu Trà con chị Tâm khóc thương mẹ khi PV hỏi. Cháu mong sau này đi học thành đạt kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ.

Tại đây các bác sỹ cho biết, vợ tôi bị: hở hẹp van tim hai lá khít; huyết khối tụ ở tâm nhĩ trái rất nguy hiểm. Các bác sỹ khuyến cáo gia đình cần phải đưa chị đi những bệnh viện lớn ở Hà Nội để mổ gấp, nếu không tính mạng của vợ tôi khó bảo toàn...”, kể về sự chịu đựng của người vợ, anh Sơn cố dấu những giọt nước mắt buồn.

Ngồi cạnh nghe bố tâm sự cùng PV, cháu Nguyễn Văn Trà (con anh Sơn) đã bật khóc: “Cháu không muốn mẹ chết đâu. Mẹ phải sống để cháu báo đáp. Mẹ ơi mẹ đừng bỏ con mà đ. Bố và con, ông bà đang cần mẹ sống. Mẹ sống để còn dạy con học nữa mà mẹ. Cháu ước muốn sau này học hành thành đạt để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ”, những giọt nước mắt cháu Trà lăn dài trên má, những người hàng xóm có mặt đã khóc theo, còn tôi cũng không cầm được nước mắt.

Số phận dường như đã định đoạt, cứ bám riết lấy anh khi người vợ đang chịu căn bệnh đau tim giai đoạn cuối mà thần chết đang chờ chực sẵn để rước chị lúc nào không hay. Trong lúc rối ren đang bủa vây, thì ông bà (bố, mẹ anh Sơn) cũng mắc chứng bệnh nan giải. Năm 2008, bố anh - ông Nguyễn Văn Hoa (73 tuổi) bị tai biến mạch máu não và nằm một chỗ. Anh bươn chải làm ăn, góp từng xu để chạy chữa cho ông nhưng đồng tiền cứ trôi đi bao nhiêu thì căn bệnh của ông cũng chẳng khả quan được là bao, trái lại còn nặng hơn và giờ đây ông chỉ nằm một chỗ, không làm dược gì.

Căn bệnh người vợ, người bố của anh chưa đâu vào đâu, thì nỗi đau, gánh nặng số phận lại tiếp tục đè lên anh Sơn khi người mẹ đổ bệnh. Bà Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) - mẹ anh Sơn lại mang chứng bệnh đau đầu thiên đình. Vì không tiền chữa trị, căn bệnh ấy làm cho bà mờ mắt dần và bây giờ cuộc đời của bà như sống trong bóng tối. Nỗi đau với anh cứ triền miền, chuyển từ cung bậc này đến cung bậc khác. Anh Sơn khổ lắm. Nhưng cũng đành ngậm ngùi chịu đựng chứ biết làm sao. 
“Con không muốn mẹ chết đâu !” - 4
6 năm gắn bó với căn bệnh tim, giờ chị Tâm đang nằm chờ tử thần rước đi nếu như không được sự chung tay kịp thời từ độc giả.

Ngồi co ro bên chiếc giường như muốn gãy chân, bà Xuân thều thảo nói: “Mỗi khi trái gió trở trời thì căn bệnh đâu đầu làm cho tôi như muốn nổ tung khối óc. Giờ đây thân già này chết cũng được rồi chú nhỉ, chẳng sao cả. Tôi chỉ trông mong vợ nó (chị Tâm vợ anh Sơn) được khỏe lên để còn nuôi con ăn học. Nó (anh Sơn - PV) khổ lắm. Khổ từ thuở mới sinh cho đến tận hôm nay đây. Như thế có phải số mệnh đã an bài nó rồi không chú?”, bà Xuân buồn rầu kể về anh Sơn đang phải gánh chịu.

Căn nhà tàn kia, 3 con người bị bệnh và một cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Nhưng chỉ một mình anh Sơn gánh vác và nỗi đau ấy dường như chưa đến hồi kết thúc. Nỗi đau ấy cứ nhân lên theo từng ngày, từng giờ và thậm chí là từng giây.

Nợ mới chồng... nợ cũ

Để có tiền chữa bệnh, mua thuốc cho vợ, ông bà và nuôi con ăn học, anh Sơn làm việc như một con thoi. Anh làm bất cứ việc gì từ nghề phụ hồ, chạy xe ôm đến làm cửu vạn chuyển sang bốc vác... đều làm tất miễn là đồng tiền chính đáng.

Không nghề nghiệp, không đồng lương anh mang số kiếp của nghèo đói, khổ đau và vất vả. Những đồng tiền kiếm được từ làm thuê không đủ mua thuốc cho vợ, anh đã phải chạy vạy vay mượn anh em, bà con lối xóm... cầu mong những đồng tiền nhỏ giọt sẽ cứu sống vợ. Tuy nhiên, tiền nợ cứ thế chồng lên mà căn bệnh của chị ngày càng nặng thêm và bây giờ anh chỉ biết để vợ ở nhà nằm chờ chết.
“Con không muốn mẹ chết đâu !” - 5
Hằng ngày cháu Trà mỗi buổi đi học còn phải nấn tay, xoa người cho mẹ để các mạch máu lưu thông.

Cũng ngần ấy thời gian (gần 6) cõng vợ đi viện, mua thuốc chăm sóc thì nay số nợ của anh vay mượn đã hơn 50 triệu đồng. “Số nợ này với tôi bây giờ và có thể cả đời con cháu cũng không thể trả nổi”, anh Sơn cho biết.

Giọng nói của anh run lên, đôi mắt thâm quầng với những đêm trắng không ngủ vì người vợ đang mang trong người căn bệnh có thể bị tử thần cướp đi lúc nào không hay. Căn bệnh tim giai đoạn cuối chị đau dữ lắm. Chị đau mà nói không nên lời, ăn không nổi bát cháo loãng. Bây giờ thân mình chị như một cây chuối già lụng gốc chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể quật gãy lúc nào không biết. “Ước nguyện của tôi bây giờ mong làm sao có tiền đưa vợ đi BV Trung ương mổ cho khỏe. Mong con không phải mồ côi mẹ, chồng không phải mất vợ. Nhưng nếu số phận đã định đoạt rồi thì tôi cũng không biết làm sao cả”, anh Sơn nói trong đau khổ.

Để tâm sự cùng PV, chị Tâm cố gắng gượng mãi nói được mấy câu rồi thiếp đi: “Bây giờ tôi khó thở lắm. Chât tay bủn rủn, buồn nôn và không ăn được gì nữa chú à”, nói đoạn chị lại thiếp đi khiến tôi cũng cảm thấy thương cảm.
 
Để mạch máu được lưu thông, chị phải nhờ đến bàn tay của đứa con trai và người chồng. Hằng đêm hai cha con anh Sơn cứ thế thay nhau xoa bóp thân hình gầy mỏng, ốm yếu của chị để dòng máu được lưu thông và cầm cự sự sống từng ngày cho chị. Nhiều đêm anh mải miết nấn tay, bóp chân, xoa người cho chị mà thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh giấc, anh giật mình thấy chị nằm bất động rồi gọi vội bà con làng xóm giúp đỡ đưa vợ đi cấp cứu...

“Tôi đã khóc nhiều về số phận của vợ tôi. Thương vợ lắm nhưng biết làm gì bây giờ hả chú. Tiền không, tài sản trong nhà cũng chẳng có thứ gì đáng giá, anh em ai cũng nghèo đói. Được mỗi mảnh đất ông bà để lại lẽ nào giờ bán đi thì 5 con người ở vào đâu được. Chẳng hiểu sao số phận gia đình tôi lại bi đát đến thế này. Chắc là mệnh số trời định rồi không thoát khỏi cái vòng đau khổ này đâu. Nhiều đêm tôi chỉ mong có một giấc mơ đẹp, trông mong vợ tôi được khỏe mạnh như người khác để nuôi con ăn học...”, anh Sơn tâm sự buồn.

Anh Sơn cho biết thêm, ngoài đi làm thuê, cuốc mướn anh chỉ có 1 sào ruộng duy nhất. Năm được mùa thì có vài tạ lúa, mất mùa xem như năm đó đói triền miền. Trong khi đó căn bệnh của vợ anh hàng tháng tiêu tốn đến cả triệu đồng. Nhưng để phẫu thuật cho chị các bác sỹ cho biết phải có hơn 120 triệu đồng mới có khả năng cứu được chị. Nhưng khốn nỗi cái vòng quẩn quanh của nghèo khổ cứ đeo bám, không tài sản, không của hồi môn cũng không đồng lương thì lấy đâu ra chừng ấy tiền để đưa vợ đi bệnh viện.

Nói về gia cảnh anh Sơn, ông Kiều Văn Hùng - PCT UBND xã Diễn Hồng cho biết: “Với gia đình anh Sơn hiện nay quả là khó khăn gần bậc nhất của xã chúng tôi. Với chính quyền địa phương vào các dịp lễ, tết đều ưu ái giành những phần quà cho gia đình anh ấy. Nhưng tình hình về căn bệnh của chị Tâm bây giờ thì rất cần vào sự giúp đỡ của bạn đọc thôi, chứ xã chúng tôi cũng khó lắm”.

Chia tay gia đình anh Sơn, chị Tâm cũng vừa lúc hàng xóm đến thăm rất đông. Bởi mấy ngày qua, chị Tâm bị đau nặng mà không có tiền để anh đưa đi bệnh viện.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Anh Nguyễn Hồng Sơn, xóm Trung Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An

ĐT: 01633.573.587

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm