Mã số 1309:
"Cố lên, cha ơi !"
(Dân trí) – “Tui biết mình không còn sống được bao lâu nữa rồi, sức khỏe cũng đã yếu dần nhưng vẫn khát khao, hy vọng một phép nhiệm màu có thể giúp tôi sống đến ngày nhìn con gái ra trường đi làm, lúc đó lỡ tui có “nhắm mắt xuôi tay” cũng cảm thấy an tâm”.
Lời tâm sự của anh Đặng Văn Châu, ở thôn Thiện Đức, xã Linh Hải, huyện Gio Linh, vừa dứt thì con gái anh là Đặng Thị Hoài Như bỗng òa lên khóc nức nở, rồi em ôm chầm lấy người cha đang quằn quại những ngày cuối đời trong sự dày vò của bệnh tật mà thốt lên: “Cha ơi! Con biết cha đang chịu nhiều đau đớn và thương con nhiều lắm, nhưng xin cha đừng nói gỡ những lời như thế. Cha hãy cố gắng sống để đợi ngày con ra trường, con sẽ đi làm kiếm tiền về chữa bệnh cho cha. Mẹ và các chị đều không có ở đây, nếu cha mà bỏ con đi nữa thì cuộc sống của con cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Lắng nghe những lời khẩn cầu thống thiết của 2 cha con anh Châu mà người viết bỗng cảm thấy chạnh lòng. Anh Châu đang mang trên mình căn bệnh suy tim độ 3, hẹp van tim và chưa biết phải giã từ cuộc sống bất cứ lúc nào. Nhưng, dẫu biết mình không thể sống lâu hơn nữa, anh cũng chỉ dám cầu mong bản thân có thể cầm cự được đến ngày thấy con gái tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại thì hy vọng đó của anh cũng trở nên hết sức mong manh.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 4m2 của khu trọ nằm trên đường 9D, TP Đông Hà, nơi cha con anh Châu tá túc nhiều năm nay. Căn phòng chỉ đủ để kê 2 chiếc giường cho 2 cha con, một góc để nấu ăn và kê bàn học. Trên chiếc giường xếp, anh Châu nằm thở từng hơi yếu ớt, khó nhọc, da mặt tái ngắt nhưng vẫn cố gắng ngồi dậy tiếp chuyện chúng tôi.
Vì không thể sống nhờ vào những mảnh ruộng cằn cỗi nên anh phải tìm đường lên thành phố làm thuê, chắt bóp từng đồng xu để gửi về cho vợ nuôi sống gia đình. Thế nhưng, ông trời chẳng những không thương xót cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh mà còn gieo thêm bệnh tật. Để giờ đây, gia đình anh ly tán mỗi người một nơi, vợ đi làm ăn xa, con thì vào ở trong chùa, còn bản thân anh thì phải dành giật lấy từng hơi thở, kéo dài sự sống được ngày nào hay ngày ấy.
Nuốt dòng nước mắt tủi hờn, anh Châu bắt đầu kể về cuộc đời đầy cay đắng của mình. “Tui bị bệnh hơn 8 năm nay rồi. Lúc đó vào năm 2004, khi đang làm công nhân bốc vác tại nhà máy ván ép Đông Hà thì bỗng dưng tui bị ngất xỉu, nhờ mọi người đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cấp cứu, tui mới dần hồi tỉnh. Điều trị ở đây hơn 10 ngày thì vợ vay mượn được tiền ở quê và đưa tui vào bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây, các bác sĩ cho biết tui bị hẹp van tim, suy tim nặng và cần được phẫu thuật gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nghe tin dữ mà vợ chồng tui như sét đánh ngang tai. Các bác sĩ nói chi phí cho ca phẫu thuật tim cũng mất đến gần 80 triệu đồng, nếu thay tim cũng mất hơn 100 triệu, mà số tiền đó gia đình tui biết lấy đâu ra. Điều trị được ít lâu thì hai vợ chồng đành dắt díu nhau về quê trong cay đắng mà không biết làm cách chi hơn”.
Về nhà được một thời gian, anh Châu cảm thấy sức khỏe của mình sa sút trầm trọng, khó thở, da xanh tái nên bàn với vợ đánh liều bán đi căn nhà vốn là chỗ trú ngụ cho cả gia đình. Thuận theo ý chồng, vợ anh là chị Nguyễn Thị Nhung chạy vạy gọi người mua và cuối cùng cũng bán được 10 triệu đồng để đưa anh quay trở lại Huế điều trị. Tuy nhiên, số tiền nói trên cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ đủ mua được vài liều thuốc và trang trải một phần viện phí.
Nhà cũng không còn nữa để quay về, đến đường cùng vợ anh mới quyết định vào TP Hồ Chí Minh xin vào làm công nhân xưởng gỗ. Hai con gái đầu của anh cũng xin vào chùa nương nhờ nơi cửa Phật. Còn anh Châu theo đứa con gái út lên TP Đông Hà tiếp tục làm thuê kiếm sống và nuôi con ăn học. Những ngày sống ở đây, nhờ mối quan hệ quen biết anh mới xin được một căn phòng ở khu nhà công vụ cũ của nhà máy ván ép để 2 cha con tá túc tạm. Được một thời gian thì anh Châu cũng không trụ nổi với công việc đang làm nên đành bỏ ngang. Không thể tiếp tục công việc do bị bệnh tật nên anh đã mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Từ đó, mọi chi phí tiền phòng, thuốc thang mỗi tháng đều nhờ vào sự chu cấp ít ỏi của vợ từ trong Nam gửi ra. Riêng tiền học phí của em Hoài Như thì đành cầu cạnh người dì ruột, thỉnh thoảng Như có đi làm thêm để 2 cha con sống tạm qua ngày.
Những năm qua, dù đau đớn nhưng anh Châu vẫn phải gắng gượng chứ không dám đi bệnh viện điều trị. Ngay cả tiền thuốc men hàng tháng anh cũng không tự trang trải. Đến lúc nào không chịu đựng nổi, anh mới vào viện để kiểm tra định kỳ. Gần đây nhất là vào năm 2012, vợ anh về quê và đưa anh đi Huế kiểm tra sức khỏe. Các bác sĩ cho biết bệnh của anh đã tiến triển quá nặng và không còn sống được bao lâu nữa nếu không được điều trị gấp. Nghe bác sĩ nói vậy nhưng anh cũng đành nhắm mắt buông xuôi, phó thác số phận mình cho ông trời tự định đoạt rồi lại quay về quê.
Hiện tại sức khỏe của anh Châu đang yếu dần, hàng đêm ngủ phải kê cao gối không sẽ khó thở. Ban ngày anh cũng cố gắng vận động nhưng đi được vài bước lại phải nằm thở dốc, da mặt xanh tái, chân tay teo tóp dần. “Thấy vợ con phải nhọc tâm lo lắng cho bệnh tình của mình mà tui thấy dằn vặt vô cùng. Tui thương vợ con lắm nhưng “lực bất tòng tâm”. Tui cũng biết mình không còn sống được bao lâu nữa rồi, sức khỏe tui cũng đã yếu dần nhưng vẫn khát khao, hy vọng một phép nhiệm màu có thể giúp tui sống được đến ngày nhìn con gái ra trường đi làm, lúc đó lỡ tui có “nhắm mắt xuôi tay” cũng cảm thấy an tâm” – giọng anh Châu trầm xuống bất lực.
Con gái út của anh Châu là em Đặng Thị Hoài Như, hiện đang học tại trường Trung cấp Y tế Quảng Trị. Hàng ngày, sau giờ học em tranh thủ đi làm thêm ở các quán ăn, quán cà phê để tích cóp tiền mua thuốc cho ba và tự trang trải việc học. Ngồi bên cạnh người cha đang cận kề với cái chết mà Như chỉ biết khóc. Nén nỗi đau vào tận sâu trong lòng, Như cho biết, em chỉ còn gần 1 năm nữa thôi là ra trường rồi. Em hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm được việc làm để kiếm tiền chữa bệnh cho cha. Em sợ nhất là những khi đang đi học thì cha ở nhà bị ngất xỉu nhưng không có ai chăm sóc. Nhiều lần như vậy rồi nên những khi đi đâu vắng là em không được yên tâm, chỉ muốn học xong sớm để về chăm sóc cha.
Trước khi chia tay, Như cứ nép mình vào vách tường rồi bịn rịn: “Bây giờ cha chỉ có mình em ở gần chăm sóc, lo cơm cháo thôi, lỡ cha có mệnh hệ gì thì em sẽ không sống nổi mất anh à”. Nghe xong lời của Như mà lòng tôi cứ day dứt, chỉ biết cầu mong cho những hy vọng của 2 cha con em sẽ trở thành hiện thực.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1309: Anh Đặng Văn Châu, Khu trọ nhà máy ván ép, đường 9D, TP Đông Hà ĐT: 0169. 301. 8393 Số Tài khoản: 3902.2050.73953 – Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Chi nhánh Quảng Trị. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đăng Đức