Cô gái đến trường trên lưng bạn đang bị biến chứng bủa vây
(Dân trí) - Căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà em Nguyễn Thị Bích Ngọc mắc phải đang gây ra nhiều biến chứng khiến em phải nằm viện dài ngày tại BV Chợ Rẫy (TPHCM).
Bệnh lupus ban đỏ ở Bích Ngọc đi vào giai đoạn nhiều biến chứng
Vừa lọt lòng mẹ, Nguyễn Thị Bích Ngọc (mã số 443) chưa kịp gặp mặt cha thì cha ruột đã bỏ đi biệt tích. Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng suốt 12 năm học liền, Ngọc luôn là học sinh khá giỏi. Đến năm lớp 11, Bích Ngọc phát hiện mình mắc căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, phải uống thuốc đến cuối đời.
Khi bước vào năm học thứ ngành Cử nhân Anh văn Trường Cao đẳng Cần Thơ, căn bệnh biến chứng làm hai mắt Ngọc bị mờ. Ngày 11/12/2011, nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc báo Dân trí, Bích Ngọc đã được phẫu thuật mắt, thoát khỏi cảnh mù lòa. Sau đó, Bích Ngọc tiếp tục đối mặt với “án treo” hai chân bị liệt do thoái hoá chỏm xương đùi do biến chứng căn bệnh Lupus ban đỏ gây nên.
Thu Nguyên, cô bạn mảnh khảnh học cùng lớp đã tình nguyện cõng Ngọc đến trường. Thu Nguyên và Bích Ngọc đều có nguyện vọng làm việc trong ngành Sư phạm. Thấu hiểu hoàn cảnh của cô bạn cùng lớp, Thu Nguyên còn chia sẻ phần gạo của mình để nấu cơm cho bạn ăn. Cảm động trước tình bằng hữu của hai cô gái trẻ, một lần nữa, bạn đọc báo Dân trí và Đơn vị Y xã hội BV Chợ Rẫy tạo điều kiện cho em Ngọc phẫu thuật xương đùi.
Tưởng chừng mọi gian khó đã qua, Bích Ngọc có thể viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo. Thế nhưng căn bệnh quái ác vẫn không buông tha, giờ đây, Bích Ngọc phải nằm viện dài ngày tại BV Chợ Rẫy TPHCM, khoa Nội thận.
Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống khiến đôi mắt Ngọc bị mờ, suy thận, đau chân trái (chân phải trước kia cũng bị đau nhưng đã được phẫu thuật)
BS Thái Văn Hoàng, người trực tiếp điều trị cho Bích Ngọc cho biết: “Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống ở em Ngọc đang vào đợt cấp với các biến chứng: suy thận, suy tim, tăng huyết áp, động kinh toàn thể có viêm phổi bội nhiễm kèm theo”.
Hiện tại em Ngọc đang được chạy thận, dùng thuốc khống chế lupus bùng phát và điều trị biến chứng. Xấp giấy biên lai mỗi lúc một nhiều thêm, tờ thì vài chục, tờ thì vài trăm, có tờ vài triệu khiến mẹ của Bích Ngọc càng thêm rầu rĩ. Bà lo lắng: “BHYT hộ nghèo của Ngọc đến tháng 12 này hết hạn rồi, mà chưa thể lo cái BHYT mới cho nó”.
Những tờ giấy biên lai đóng viện phí cho Bích Ngọc ngày một nhiều thêm
Mấy ngày nay Ngọc sốt nhiều, có lúc lên cơn mê sảng. Ngồi trên chiếc xe lăn, em ráng nuốt từng muỗng cơm với đường, vì Ngọc không ăn được các món khác. Em nhớ trường, nhớ bạn lắm. Bạn bè gửi tin nhắn hỏi thăm nhưng em không trả lời được, vì đôi mắt đã mờ, còn mẹ của Ngọc thì không biết nhắn tin trả lời. Tuy vậy, cô gái giàu nghị lực vẫn nuôi hi vọng trở lại mái trường: “Em chưa bảo lưu năm học này, thầy cô nói em cứ đi trị bệnh, hễ khỏe rồi về học tiếp. Em cũng cầu mong mau khỏe để về đi học lại, nghỉ lâu quá sợ không theo kịp mấy bạn”.
Gia đình anh Nguyễn Đức Ngan mong được đoàn viên
Cũng là một bệnh nhân của BV Chợ Rẫy được báo Dân trí viết bài hỗ trợ, anh Nguyễn Đức Ngan (mã số 525) hiện nay đang sinh sống tại quê nhà, kiếm sống bằng nghề bán vé số. Mùng 6 tết năm ngoái, anh Ngan qua nhà bạn phụ sơn cái cánh cửa. Trong lúc anh dùng xăng pha sơn thì tia lửa hàn xì gần đó bắn sang, thế là lửa bùng lên.
Do di chứng của tai nạn khủng khiếp đó, đôi tay anh bị co quắp và hay đau nhức khi trở trời. Đôi bàn tay của người đàn ông – lao động chính trong gia đình giờ đây chỉ có thể cầm xấp vé số đi bán để không trở thành người thừa. Anh thường đi bán ở xa, ít về nhà để tiết kiệm chi phí đi lại.
Anh Nguyễn Đức Ngan trước khi bị tai nạn bỏng
Mang những vết sẹo bỏng khắp người, hiện giờ anh Ngan đi bán vé số tại các chợ, siêu thị ở TP. Buôn Ma Thuột
Chị Hương, vợ anh Ngan thì đi làm cao su, cà phê ở tận Bình Phước, mỗi tháng tích cóp những đồng tiền làm thuê gửi về nuôi con và lo thuốc thang cho chồng, bởi vì tiền kiếm được từ việc anh Ngan bán vé số chẳng được bao nhiêu.
Chị Hương chia sẻ: “Bác sĩ khuyên anh Ngan nên quay lại tái khám để đánh giá tổn thương ở bàn tay. Nếu may mắn, vết thương đó cải thiện được, đôi tay anh Ngan có thể làm được thêm các việc khác, chứ như hiện giờ chỉ có thể bán vé số thôi, lại hay đau nhức nữa. Nhưng chồng em không dám quay lại bệnh viện, vì không có tiền, mà hai đứa nhỏ còn phải lo cho ăn học…”
Cha mẹ đều đi làm xa nhà, hai bé gái của vợ chồng anh Ngan đành nhờ họ hàng để mắt giúp
Đi làm xa nhà, những giọt nước mắt nhớ con, chị Hương đành giấu vào trong vì cuộc sống, vì những món nợ phải trả, vì muốn có chi phí chữa bệnh cho chồng… Chị Hương vẫn nuôi hi vọng đôi tay anh Ngan sẽ cải thiện, rồi tìm một việc gì để làm gần nhà, tiện bề chăm sóc hai cháu bé. Ước mơ giản dị của gia đình họ là được sum vầy với nhau chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực.