Vĩnh Long:
Chuyện về “Cây cầu đau thương”
(Dân trí) - Bốn năm trước, có 3 học sinh tiểu học đi qua cây cầu ấp 9 đã bị rơi xuống sông. Người dân nổ lực cứu sống được 2 em, còn một em đến chiều mới vớt được xác. Cũng từ đó, người dân gọi cây cầu với cái tên rất buồn “Cây cầu đau thương”.
Sự tích về “Cây cầu đau thương”
Vượt hơn 50 km, chúng tôi đến xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, Vĩnh Long để tìm hiểu về sự tích “cây cầu đau thương” này. Khi đến nơi, chúng tôi được ông Huỳnh Văn Y - Chủ tịch xã Hòa Hiệp cho biết: “Cây cầu này đã được chúng tôi bắt vào năm 1987, phần trụ cầu là các thanh sắt hình chữ H được chúng tôi tận dụng lại từ một chiếc cầu khác. Sau gần 30 năm phục vụ nên các trụ cầu (phía dưới mặt nước) đã bị rỉ sét hoàn toàn, có trụ gần như đứt lìa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cây cầu đau thương” bắt qua sông Cái Cui, nối liền 4 ấp của xã Hòa Hiệp, mặc dù hiện tại cây cầu này đã già nua nhưng mỗi ngày phải gòng gánh đưa đón hơn 500 em học sinh qua lại và cả ngàn lượt người dân qua cầu để đi chợ Ba Kè.
Nhìn từ xa thì “Cây cầu đau thương” còn vững chắc lắm! Thế nhưng các trụ cầu đã rỉ sét hết, nguy hiểm nhất là có những trụ gần như đứt lìa (phía dưới mặt nước).
Từ UBND xã, chúng tôi lòng vòng theo đường bê tông khoảng 3km thì đến “cây cầu đau thương”. “Nếu đứng ở xa nhìn thì cây cầu trông còn vững chắc lắm. Thế nhưng khi lên cầu, chỉ cần 2 người và một chiếc xe máy thì mới thấy cầu “sàng” như người ta sàng gạo! Anh Cường - Cán bộ địa chính xã cùng đi với chúng tôi cho biết.
2.000 hộ dân đang mong chờ xây lại “cây cầu đau thương”
Anh Trần Quang Phục - nhà ngay tại chân cầu (phía bờ ấp Hòa Phong) bày tỏ: “Năm học nào cũng có từ 5 - 10 (3 năm về trước) vụ học sinh qua cầu bị rơi xuống sông, cũng may mấy lần đó, chúng tôi cứu vớt được. Bây giờ, nếu ngày nào vợ chồng tôi không đi làm thì ở trong nhà chứ cái tai thì để ngoài sân, nhất là giờ đi học và giờ về của mấy em học sinh, hễ nghe tiếng kêu cứu là chạy ra liền!”
Giờ cao điểm, người lớn và các em nhỏ cùng nhau chen qua cầu. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn học sinh rơi xuống sông.
Đứng bên mộ bé Trang, chị Lệ chia sẻ: "Nếu cây cầu được xây dựng lại để cho các em nhỏ đến trường an toàn thì cháu Trang cũng vui lòng".
Trên đoạn đường dẫn chúng tôi đến nhà cháu Trang (học sinh bị ngã cầu chết đuối), ông Y bày tỏ: “Hôm nay nghe có phóng viên báo Dân trí xuống viết bài, mấy anh em trong Uỷ ban và bà con ở xã mừng lắm! Vì thời gian qua chúng tôi có xem báo, đài thấy báo vận động các nhà hảo tâm, bạn đọc xây cây cầu Dân trí ở Kiên Giang và ở Kom Tum! Bà con nơi đây rất muốn có thêm một cây cầu Dân trí bắt qua sông Cái Cui này để chấm hết sự đau thương!”
Khi gặp chúng tôi, chị Võ Thị Lệ - mẹ của cháu Trang bùi ngùi cho biết: “Cháu mất cũng hơn 4 năm rồi, nhưng vợ chồng tôi không sao quên nổi. Nhưng nếu có trách thì biết trách ai bây giờ...”
Anh Nguyễn Văn Tám - Ấp Đội trưởng Hòa Phong cho biết: “Bây giờ, một đứa nhỏ đi học là có một người lớn đi theo. Những nhà khá giả thì không nói gì, chứ những nhà không có đất sản xuất ba mẹ phải đi làm thuê làm mướn thì lấy đâu thời gian theo sát con cái”.
Chúng tôi đặt vấn đề sao xã không vận động bà con xây lại cầu thì ông Y bộc bạch: “Đa số bà con ở đây còn nghèo mà kinh phí xây cầu thì rất lớn (dù đã tính toán chi li xây lại cầu mới bằng bê tông có lan can bảo vệ với chiều dài: 61m, chiều ngang: 1.95m khoảng trên 200.000 triệu đồng), vượt khả năng của xã. Nên chúng tôi đã báo cáo lên cấp huyện, xin xây lại cây cầu, nhưng huyện cho biết chưa có kinh phí, phải chờ thêm 1,2 năm nữa!”
Năm học mới đã gần kề, mùa mưa bão lại đến mà con đường đến trường của hơn 500 học sinh tiểu học chẳng có con đường nào khác là phải đi qua “cây cầu đau thương” này.
Hải Hành