“Chú ơi! Mùa lũ năm sau…”
(Dân trí) - Do chứng kiến nhiều vụ trôi sông và cái rủi ro đang chờ chực chính bản thân mỗi lần lội sông đến lớp, nhiều học sinh thôn Phú Mưa không khỏi lo lắng cho số phận của mình. Trong suy nghĩ non nớt, các em ước mong có 1 cây cầu...
Trở về lại Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) lần này, chúng tôi như những người đang làm nhiệm vụ đem “cầu nối” bắt nhịp giữa người dân với các tấm lòng hảo tâm. Có lẽ, do nghẹn lòng chứng kiến cảnh nhiều phụ huynh phải lội sông mỗi khi đưa con em đến lớp học nên đã thôi thúc tôi tiếp tục viết bài và gửi đi thông tin về cuộc sống của người dân Phú Mưa đến với bạn đọc.
Mỗi lần về thăm Phú Mưa, nghe được nguyện vọng của đồng bào, trong tôi lại thắp lên một tia hy vọng, rằng sẽ không bao lâu nữa đồng bào Phú Mưa sẽ có được cây cầu nhân ái.
Ám ảnh “cò non”
Trong ký ức của mình, em Alăng Thị Tâm, học sinh lớp 6/3, trường THCS Bán trú Lê Văn Tám (xã Jơ Ngây, Đông Giang) vẫn không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến những vụ người dân trong thôn suýt chết do trôi sông. Thậm chí, ngay chính các em nhỏ cùng trang lứa với mình cũng đã nhiều lần trở về sau “lưỡi hái” của tử thần.
Em Alăng Thị Tâm cho biết: “Mỗi lần thấy người dân trong thôn bị trôi sông, em sợ lắm. Nhiều đêm sau đó em không ngủ được, nghĩ về cái đó miết!”. Nỗi ám ảnh về những vụ trôi sông đã khiến cô bé 11 tuổi vô cùng bàng hoàng và lo sợ. Nhiều đêm trong giấc mộng, cô bé vẫn giật mình, ngồi dậy khóc một mình…
Không chỉ có Alăng Thị Tâm, ngay cả nhiều em học sinh Phú Mưa khác cũng hoảng hốt mỗi khi kể lại về những vụ trôi sông trong quá khứ. Em Bh’nướch Tú (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Jơ Ngây) kể lại: “Hôm đó, em đang cùng các bạn vượt sông đến trường thì lũ đổ về đột ngột. Do còn quá nhỏ nên sau vài phút vật lộn, em đã bị dòng lũ cuốn xa gần 10m. Em uống nhiều nước lắm. Khi mấy chú trong làng đến cứu, em không biết chi nữa”.
Hằng năm, sau lũ, cán bộ thôn thường huy động thanh niên trong làng kiếm nứa tre về kết bè làm phương tiện cho các em qua sông đến trường. Tuy nhiên, có năm lũ dâng 2-3 đợt nên bè thường bị trôi, các thân “cò non” lại tự mình lội sông đến lớp, mặc cho cái rét lạnh căm.
Với các em, quá khứ mỗi mùa mưa lũ về là một nỗi ám ảnh thường trực, không khi nào có thể phai mờ trong ký ức xa xăm…
“Chú ơi! Mùa lũ năm sau…”
Mặc dù mùa mưa lũ năm nay đã qua đi nhưng các em học sinh ở thôn Phú Mưa vẫn chưa thể nguôi lòng. Nỗi lo về mùa lũ năm sau vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí. Thật sự các em nơi đây đang mong lắm một cây cầu từ các tấm lòng hảo tâm mang lại.
Mỗi lần bắt gặp chúng tôi về thăm dân làng, các em học sinh vẫn bu lấy bàn tay chúng tôi ríu rít. Nói như già làng Alăng Chúc thì, “mấy cháu nó mong chờ tin tức về việc xây cầu nhân ái lắm. Lúc nào cũng hỏi đủ chuyện khiến già không thể trả lời hết được!”.
Theo già làng Alăng Chúc, từ khi nghe được thông tin Báo Dân trí và đông đảo độc giả, các mạnh thường quân sẽ chung tay đóng góp xây dựng cây cầu nhân ái tại thôn Phú Mưa, các em học sinh nơi đây luôn ngày đêm mong chờ. “Có lúc, khi thấy có người lạ đến thôn, chúng nó ùa đến lòng già mà hỏi: “Cán bộ đến xây cầu phải không già?”, khiến già vô cùng thương xót”, già Chúc tâm sự.
Ông Alăng Báy – Bí thư Chi bộ thôn Phú Mưa cho biết, mặc dù thông tin chưa chính thức về việc xây cầu nhưng đồng bào Phú Mưa luôn mong đợi ngày đón nhận tin vui sẽ không còn bao lâu nữa. “Hơn 30 năm nay, có lẽ cái tin này khiến đồng bào vui mừng nhất” – ông Báy nói.
Có đi qua nới đây thì mới thấy hết được nỗi khó khăn mà đồng bào Cơtu ở thôn Phú Mưa gánh chịu. Cuộc sống với vậy, khó khăn và gian khổ nhưng đồng bào vẫn hy vọng ở ngày mai buôn làng mình sẽ thay đổi, cuộc sống sẽ có bước phát triển nâng cao.
Chia tay người dân Phú Mưa nhưng lòng tôi bỗng nghẹn ngào khi nghe các em học sinh hỏi chuyện ngay tại bến sông lúc buổi trưa mùa đông rét buốt: “Chú ơi, mùa lũ năm sau chúng cháu có cầu đi lại phải không ạ?”. Một câu hỏi này khiến tôi – người viết bài này chưa thể trả lời ngay được.
Vương Hoàng