1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cháu bé có nhóm máu hiếm bị sốt xuất huyết đã bình phục

(Dân trí) - Ngày 11/2, chúng tôi trở lại bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng để thăm cháu Trần Quốc Thắng 5 tuổi, người dân tộc Khmer nhân vật trong bài “Cứu sống cháu bé bị sốt xuất huyết nặng”. BS Nguyễn Thanh Hoàng cho biết sức khỏe của cháu Thắng đã phục hồi tốt.

Cháu bé có nhóm máu hiếm bị sốt xuất huyết đã bình phục - 1

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, người cho máu cứu sống cháu Thắng
 
Đến khoa nhi, nơi cháu Thắng đang điều trị, BS Âu Hữu Đức, Phó trưởng khoa, vui vẻ cho biết: “Mấy ngày nay sức khỏe của cháu Thắng đã có chuyển biến tốt, có thể khẳng định cháu đã qua cơn nguy kịch được trên 99%”. Chị Sơn Thị Phụng (33 tuổi, người dân tộc Khmer, mẹ ruột cháu Thắng) xúc động nói: “Gia đình chúng tôi rất biết ơn các bác sĩ ở bệnh viện đã cứu sống con mình, coi như bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, khoa nhi, và bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai (người cho máu cháu Thắng-NV) đã sinh ra con tôi lần thứ hai. Khi mới vào, chúng tôi cứ nghĩ con mình khó qua khỏi, nay thấy con ăn được, nói được, biết nhận được người thân thì gia đình mừng lắm. Ơn này không bao giờ trả hết được”. Quả là như vậy bởi khi tôi hỏi thì cháu đã trả lời rất rõ, đôi mắt của cháu đã sáng hẳn lên, nét vui vẻ, khỏe khoắn hiện lên trên đôi mắt ngay thơ ấy thật đáng yêu.

 

Đặc biệt, tại bệnh viện, được sự giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện, tôi đã gặp được chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, người cho máu cứu sống cháu Thắng. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Tuyết Mai cho biết: “Gần sáng ngày mùng 4 tết, tôi đang ở nhà nghỉ tết thì nhận được điện thoại của BS Âu Hữu Đức (Phó trưởng khoa nhi) cho biết khoa đang có một cháu bé bị sốt xuất huyết nặng cần tiếp máu nhưng nhóm máu của cháu thuộc loại máu cực hiếm (máu B Rh-) mà cả bệnh viện thì chỉ có một mình tôi có nhóm máu có thể cho cháu bé được, nếu không có máu tính mạng cháu rất nguy hiểm. Nghe vậy, tôi báo cho BS Đức biết mình sẵn sàng cho máu để cứu cháu bé. Vậy là tôi vào bệnh viện để lấy máu cho cháu. Lúc cho máu tôi chỉ mong được góp phần giữ sự sống cho cháu Thắng mà thôi. Nay thấy cháu khỏe lại, tôi thấy vui nhiều lắm, coi như đó cũng là tin vui đầu năm mới cho gia đình cháu Thắng, cho cơ quan mình”. BS Nguyễn Hoàng Các, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, cho biết thêm: Chị Tuyết Mai đã tốt nghiệp Cử nhân xét nghiệm, hiện là điều dưỡng trưởng khoa Sinh hóa-Vi sinh của bệnh viện. Sau khi chị Tuyết Mai hiến máu và cháu Thắng được bình phục, lãnh đạo bệnh viện đã kịp thời biểu dương khen thưởng đối với chị Tuyết Mai. Năn nỉ mãi, chị Tuyết Mai mới đồng ý cho tôi chụp tấm ảnh chị với cháu Thắng tại phòng bệnh với lý do “Chuyện của em có gì to tát đâu mà đưa anh ơi, kỳ lắm”. Tôi hiểu, với những người thầy thuốc như chị Tuyết Mai, việc cho máu đối với bệnh nhân có thể rất bình thường, nhưng với chúng tôi, nghĩa cử của chị Tuyết Mai thật cao đẹp, càng đẹp hơn khi chị tâm sự: “Nói thật với anh, cháu Thắng bình phục rồi em vui lắm chứ khi nghe tin cháu cần tiếp máu em chỉ mong sao chạy vào bệnh viện để kịp tiếp máu cho cháu, chỉ sợ mình vào trễ, cháu có mệnh hệ gì thì ân hận lắm”.

 

Liên quan đến thông tin nhóm máu cực hiếm của cháu Thắng, BS Nguyễn Hoàng Các giải thích thêm: Nói đến nhóm máu, trước hết phải hiểu rõ hai khái niệm có liên quan đến việc xác định nhóm máu, đó là “kháng nguyên” và “kháng thể”. Kháng nguyên thường là những protein khi xuất hiện trong cơ thể sẽ gây nên phản ứng để chống lại một yếu tố nào đó (như vi-rút, vi khuẩn gây bệnh, chất độc, hoặc những chất lạ khác…), những phản ứng đó được gọi là sự đáp ứng miễn dịch để tự bảo vệ. Kháng thể là một yếu tố dịch thể được hình thành trong máu người sau khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên. Đối với máu người, dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B để phân máu thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO). Người có nhóm máu A có kháng nguyên A và có kháng thể b (chống B) trong máu. Người có nhóm máu B có kháng nguyên B và có kháng thể a (chống A) trong máu. Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B và không có kháng thể  a và b trong  máu. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B nhưng trong máu có kháng thể a và b. Ngoài hai loại kháng nguyên A và B, người ta còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Theo thống kê, tỷ lệ Rh- của người da trắng là 15%, người Mỹ da đen là 5%, còn người Việt là 0,08% (rất hiếm). Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền. Khi người có Rh- trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh+ thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Nếu người cần được truyền máu là Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu Rh-. Vì vậy, trường hợp cháu Trần Quốc Thắng ở Sóc Trăng có máu Rh-, là loại máu cực hiếm.

                                                                           

Bài,ảnh: B.D

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm