1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chắp cánh ước mơ bốn chị em mồ côi

(Dân trí) - Cánh phóng viên chúng tôi thường gọi mỗi chuyến thăm các gia đình khó khăn ở mọi miền đất nước bằng cái tên âu yếm “Hành trình nhân ái”. Đó là hành trình chúng tôi trở thành nhịp cầu nối bạn đọc với những số phận hằn in chữ khổ.

Sáng 03/4, hành trình ấy lại bắt đầu. Điểm đến lần này là mái tranh rách nát của bốn chị em mồ côi.

Chắp cánh ước mơ bốn chị em mồ côi - 1

 Ông Hồ Văn Vươn và các cháu vui mừng nhận Quà nhân ái.

 Từ ngày bố mẹ qua đời, chưa đêm nào Hồ Thị Hiêng (1996) ngủ tròn giấc. Là điểm tựa tinh thần của ba em nhỏ, bất kì niềm vui, nỗi buồn nào đến với mái tranh nghèo đều khiến Hiêng khấp khởi mừng mừng, lo lo. Đêm nay, cô bé 14 tuổi lại trằn trọc không ngủ. Cách đây vài hôm, chị em Hiêng loáng thoáng nghe bác trưởng thôn Hồ Ê Nốt thủ thỉ khuyên ông nội cho bốn chị em đến trường. Hiêng mừng khôn tả: “Thế là chị em em sắp sửa được đi học rồi! Thế là từ nay mấy đứa trẻ cùng bản chẳng còn chế giễu bọn em thất học nữa!”.

Nhưng, đêm nay, vừa đặt lưng xuống, nỗi âu lo “người lớn” lại dậy trong lòng Hiêng. “Chị em em đều đến trường cả, lấy ai đỡ đần ông bà? Bọn em mà đến trường thì ông bà đã khổ lại càng thêm khổ?”… Dự cảm không hay ấy khiến lòng Hiêng rối bời.

Sáng tinh mơ, nghe tiếng ông bà chuẩn bị lên nương, Hiêng lật đật thức dậy. Từ ngày về sống trong cảnh “lo đói, mong no” cùng ông bà, Hiêng đảm nhận trọng trách chăm sóc các em  và vun vén cửa nhà. Thế mà, lòng cô chị cả vẫn áy náy. Hiêng muốn cùng ông bà lên nương kiếm cái ăn cho cả nhà. Ông bà đã già, ngày đau ốm nhiều hơn ngày khỏe mạnh. Mỗi lần lên nương trở về, hai tấm thân hom hem lại bạc phếch vì mỏi mệt. Thấy cám cảnh đó, cô chị cả khó lòng yên tâm. Đặc biệt, mỗi lần ông bà ốm liệt giường, cái đói “thừa cơ” làm khổ cả nhà. Lúc ấy, Hiêng đau đáu mong ước: mình mau lớn để đỡ đần ông bà ngày nào hay ngày ấy. Nhưng thực tại, Hiêng chỉ bé như cây kẹo, sức đâu để quăng quật rẫy nương?

Cuộc sống bao năm lầm lũi trong đói khổ, ngọn lửa hi vọng vẫn rạo rực cháy trong lòng chị em Hiêng. Dẫu đói khổ khiến nụ cười mếu xệch, Hiêng và ba đứa em nhỏ vẫn mơ đến “ngày mai”. Đó là ngày các em lớn khôn, đủ sức gánh vác việc rẫy nương; kiếm bát gạo, đồng tiền lo cho ông bà chữa bệnh… Hơn thế, “ngày mai” trong mắt bốn chị em người Vân Kiều là ngày các em được đến trường. Hiêng và các em lo sợ cảnh: suốt đời phải lấy tay điểm chỉ như ông bà và những người già trong bản.

Mấy hôm trước, nghe bác trưởng thôn Hồ Ê Nốt khuyên ông cho 4 chị em đi học. Tâm trí ba đứa em Hiêng đều mường tượng: “Ngày mai” của các em đã đến rất gần. Đứa nào cũng háo hức lạ thường. Hiêng lại nghĩ khác. Sau mấy đêm trằn trọc, dường như em hiểu xa hơn: hai tấm lưng còng làm gì kiếm đủ tiền lo chuyện làm thủ tục, mua áo quần, sách vở… cho mấy chị em. Nghĩ đến đấy, quay sang thấy gương mặt ngời ngời hi vọng của ba đứa em, Hiêng không sao cầm lòng.

Sáng 03/4, đại diện báo Điện tử Dân trí trở lại mái tranh bạc màu nắng mưa của gia đình ông Hồ Văn Vươn. Thấy người quen từ đầu ngõ, chị em Hiêng tíu tít reo vui: “A! Chú nhà báo! Chú nhà báo lại đến rồi. Ông bà ơi! Chú nhà báo lại đến! Chào chú ạ!...”. Tiếng nói, tiếng cười của các em như rộn vang một góc bản.

Lần này, đại diện báo Điện tử Dân trí lại trở thành chiếc cầu nối tình thương của độc giả với 4 “cánh cò mồ côi”. Lòng chúng tôi rạo rực niềm vui khi chuyển những thông điệp yêu thương cùng số tiền 6.780.000 đồng cho ông Vươn và các cháu. Run run nhận số tiền, ông Hồ Văn Vươn nước mắt ngắn dài, tâm sự: “Lòng già muốn cho các cháu đi học mà không sao kiếm ra tiền để làm thủ tục, mua sách vở, áo quần… cho chúng. Giờ thì các cháu tôi chẳng phải lầm lũi như ông bà chúng nữa rồi”. Nói vừa dứt lời, ông Vươn khóc như một đứa trẻ.

Con đường đến “ngày mai” của bốn chị em Hiêng như vậy đã được đặt những viên gạch đầu tiên. Dường như hiểu được điều đó, các em đều nở nụ cười rạng rỡ. Chúng tôi - những người làm nhiệm vụ truyền lửa lại canh cánh nỗi âu lo khác. 4 trái tim non nớt chưa hiểu: mong ước của các em chẳng dễ thực hiện. Mặc dù vóc người nhỏ thó nhưng chị em Hiêng đều đã lớn tuổi (Hiêng năm nay 14 tuổi, em Hồ Thị Tiêng 12 tuổi, còn em Hồ Văn Na Thi tròn 10 tuổi), việc làm các loại giấy tờ để các em bước vào lớp 1 trở thành bài toán chẳng dễ tìm ra lời giải. Hơn lúc nào hết, chúng tôi và “bốn cánh cò mồ côi” trông chờ sự hỗ trợ từ phía nhà trường và chính quyền địa phương.

 

Tân Tuấn Hiệp