1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chàng trai tật nguyền bé nhỏ “mang” ước mơ lớn

(Dân trí) - Muốn được truyền lại những gì mình học cho người khuyết tật để họ tự kiếm sống và vượt qua mặc cảm bệnh tật là ước mơ của chàng thanh niên tật nguyền Phạm Thanh Hùng sinh năm 1983 quê ở xã miền núi rẻo cao Xuân Trạch, Bố Trạch.

Chàng trai tật nguyền bé nhỏ “mang” ước mơ lớn - 1

Phạm Thanh Hùng đang dạy nghề cho một thanh niên nghèo trong xóm
 
Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo và bị dị tật bẩm sinh. Từ nhỏ Hùng đã bị một khối u lớn trên lưng. Lớn lên khối u càng to dần trong khi chân tay anh thì teo nhỏ lại. Với tinh thần ham học, dù bị bệnh tật, đi lại rất khó khăn nhưng với sự quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè Hùng đã theo học hết cấp 3 và tốt nghiệp năm 2004.

 

Sau khi tốt nghiệp, do sức khỏe quá yếu cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Phạm Thanh Hùng đành từ bỏ giấc mơ thi vào đại học của mình. Trong những ngày bị bệnh tật hành hạ, không đi đâu được Hùng ở nhà làm bạn với chiếc tivi. Xem tivi anh thấy rất nhiều người dù bị tật nhưng vẫn biết vượt lên số phận để tự lập nghiệp. Hùng đã tự đặt câu hỏi cho mình: Tại sao họ làm được mà mình lại không làm được? điều đó đã thôi thúc Hùng  phải vượt lên bệnh tật. Chính vì thế mà khi sức khỏe còn yếu Hùng đã tự tìm đến những người biết nghề điện tử trong làng để học hỏi. Khi bệnh tật thuyên giảm chút ít  Hùng quyết định vay mượn ít tiền, một mình tìm ra Hà Nội để học nghề sửa chữa điện tử.

 

Những ngày sống tại Hà Nội, việc đi lại, sinh hoạt khó khăn lại đau yếu thường xuyên nhưng cũng không làm nản lòng chàng trai nghèo này. Sau khi học xong nghề ở Hà Nội, để nâng cao tay nghề, Phạm Thanh Hùng đã tìm đến những thợ giỏi khắp nơi để làm không công và trau dồi tay nghề thêm một thời gian nữa. Khi tay nghề đã khá cứng anh về lại quê, được bà con, xóm làng thương tình cho vay mượn mỗi người một ít anh đứng ra mở cơ sở mua bán, sửa chữa và lắp đặt đồ điện tử tại thôn 4 Xuân Trạch. Nhờ tay nghề giỏi nên cơ sở của chàng trai tật nguyền này được nhiều người trong xã biết đến.

Thấu hiểu những khó khăn của người nghèo và những người tật nguyền nên Phạm Thanh Hùng luôn mơ ước mở được một cơ sở dạy nghề điện tử cho những thanh niên nghèo không có việc làm trong xã và những người tật nguyền như anh. “Mình rất muốn dạy nghề cho những người tật nguyền để họ tự kiếm sống và vượt qua mặc cảm bệnh tật”, Hùng tâm sự.

 

Nhưng đến nay ước mơ đó của Hùng vẫn chưa thực hiện được vì không đủ tiền mua các thiết bị để mở lớp học.

 

Xuân Nha