Mã số 483:

Cha mất, mẹ bệnh, ba anh em có nguy cơ bỏ học

(Dân trí) - Từ khi chồng đột ngột qua đời, một mình chị gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học. Do làm quá sức, cộng với bệnh tình có sẵn trong người khiến chị gục ngã. Nhưng điều chị lo nhất là 3 đứa con của chị sẽ phải bỏ học trong nay mai.

Hoàn cảnh mà chúng tôi nêu trên là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Bảnh Em – ngụ ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Từ khi anh Nguyễn Thanh Dũng – chồng chị Bảnh Em bị tai nạn xe qua đời, gia đình chị luôn rơi vào cảnh túng thiếu, nhưng điều chị Bảnh Em lo nhất là sợ 3 đứa con của mình phải bỏ học nửa chừng, vì chị không còn đủ sức để gồng gánh nuôi các con ăn học được nữa.

Chồng mất - “bìm bịp leo”

Một năm trước, khi anh Dũng còn sống cả nhà chị Bảnh Em có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Anh Dũng có nghề thợ mộc, thường ngày đi đóng bàn ghế cho bà con trong xóm, ban đêm đi cào cá dưới sông. Tiền công đóng bàn ghế và tiền bán cá tuy không giúp gia đình khá giả nhưng vợ chồng anh Dũng  rất vui vì lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng.

Chẳng may, đúng mùng một Tết năm rồi (2011) anh Dũng bị tai nạn xe rồi đột ngột qua đời. Chị Bảnh Em đau buồn nhưng cũng gượng dậy, thay chồng lo cho các con ăn học. Nhưng điều làm chị mất niềm tin vào cuộc sống nhất là khi người chị ruột (Bảnh Chị - PV) chạy lo giấy tờ ngang nhiên giành lại 3 công đất do cha mẹ đã cho chị Bảnh Em trước đây.
Cha mất, mẹ bệnh, ba anh em có nguy cơ bỏ học  - 1
Từ trước đến sau, mé nền bên phại bị sụp như thế này. Nếu không gia cố kịp thời căn nhà có thể đổ bất cứ lúc nào

Người chồng trụ cột của gia đình đã qua đời, đất đai bị lấy lại, một lần nữa đẩy bốn mẹ con của chị Bảnh Em vào bước đường cùng. Nhưng vì chị Bảnh Em không muốn các con bỏ học nửa chừng, chị đi cắt lúa mướn, làm cỏ bờ, … Nhưng nghề chính vẫn là gặt lúa mướn, tuy một mình nhưng chị vẫn lãnh một công đất để gặt. Tranh thủ gặt xong trong ngày cho chủ ruộng tuốt lúa nên 3 giờ sáng là chị đã ra đồng và cắt đến 8, 9 giờ đêm mới xong. Chị làm cực lực như vậy nhưng tiền công chỉ trên 100.000 đồng.  

“Lo tiền sách, vở, cho hai đứa ở nhà xong thì đến tiền nhà trọ, tiền ăn cho thằng lớn đang học ở Cần Thơ. Nhưng lúc không có tiền đong gạo thì qua nhà hàng xóm đong gạo thiếu, đến mùa đi cắt lúa trả lại cho người ta. Tiền gạo bà con cho mình thiếu được, nhưng mượn tiền lo cho mấy đứa nhỏ ăn học thì họ nói ra nói vào, chẳng ai tin cho mượn” Chị Bảnh Em bùi ngùi chia sẻ sau cơn ho kéo dài.

Hiện tại đứa con lớn của chị Nguyễn Hữu Khôi –  đang học năm nhất ngành điện công nghiệp (Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ); đứa con kế là Nguyễn Đăng Khoa – đang học lớp 12 B5 trường THPT Thới Lai và đứa con gái út là Nguyễn Thị Xuân Khánh – đang học lớp 11 B5 trường THPT Thới Lai. Thấu hiểu gia cảnh khó khăn, cả 3 anh em Khôi tự bảo ban nhau học hành, khi được nghỉ học cả 3 anh em cùng phụ mẹ đi cắt lúa mướn.

Mới đây, khi thấy mẹ đổ bệnh, cả 3 anh em đều xin mẹ cho nghỉ học để đi làm công nhân kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Ngoài ra 3 anh em còn có “tham vọng” muốn sửa lại căn nhà cho mẹ, trước khi nó bị sập.

Anh cả “hy sinh” nghỉ học để lo cho 2 em

Cả tháng nay căn bệnh viêm đa khớp và hở van tim độ 2 thay nhau “hành hạ” chị Bảnh Em. “Mấy tuần nay, mẹ không ăn ngủ được, mẹ sụt ký nhiều lắm. Tụi em đang lo cho mẹ, có bao nhiêu tiền mẹ dành hết cho tụi em ăn học, chẳng chịu thuốc thang. Bởi vậy em định nghỉ học, đi làm công nhân, kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh và lo cho 2 đứa em của em đi học”. Em Khôi lặng lẽ chia sẻ với chúng tôi, khi chị Bảnh Em bước xuống nhà dưới đun ấm nước sôi.

Hiện tại, một buổi đi học, một buổi Khôi đi phục vụ bàn cho một quán cà phê gần trường, mỗi tháng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng, đủ tiền cho Khôi trả tiền nhà trọ. Ngoài ra, tranh thủ những ngày nghỉ học, Khôi về nhà đi bốc vác thức ăn gia súc cho một cửa hàng ở chợ, mỗi buổi kiếm được 30.000 – 40.000 đồng. Toàn bộ số tiền này Khôi đưa hết cho mẹ, có khi thì cho hai đứa em dằn túi uống trà đá với bạn bè.
 
Cha mất, mẹ bệnh, ba anh em có nguy cơ bỏ học  - 2
Mẹ bệnh, nhà quá khó khăn Khôi định nghỉ học để đi làm công nhân

Điều đáng khâm phục hơn nữa là trong suốt 12 năm nay, cả ba anh em đi bộ đến trường. Mỗi ngày mấy anh em cuốc bộ gần 10 km mới đến trường học, vất vả nhất là những ngày học thêm buổi chiều, những hôm như vậy về đến nhà là cả 3 anh em đều nằm sải người ra. Mới đây, thương cháu Xuân Khánh mặc áo dài đi bộ đến trường nên chị Bảnh Em đi hỏi vay 500.000 đồng mua cho em Khánh 1 chiếc xe đạp cũ đạp đi học.

Khôi nhìn chúng tôi chia sẻ: “Năm nay em Khoa đang học lớp 12 nên buổi chiều phải đi học phụ đạo thêm. Bởi vậy em đang cố gắng dành dụm tiền công chạy bàn và tiền bốc vác thuê để mua một chiếc xe đạp cũ khoảng 400.000 – 500.000 đồng gì đó cho Khoa đạp đi học. Còn em thì đi bộ quen rồi nên đi bộ thêm 3 năm nữa cũng chẳng sao!”

Cô Nguyễn Thị Nhu – hàng xóm với cô Bảnh Em cho biết: “Tội nghiệp 3 anh em tụi nó lắm chú ơi, vừa đi học, vừa đi làm như vậy mà đứa nào cũng học khá giỏi (đến mùa gặt lúa, 3 anh em cũng đi cắt lúa thuê với mẹ - PV). Tội nhất là thằng Khôi, đi học ở Cần Thơ mà mỗi tuần chỉ xài 200.000 đồng, với số tiền này chẳng hiểu cháu Khôi xài như thế nào? Vừa rồi thấy mẹ nó ngã bệnh, cháu Khôi xin nghỉ học, nếu việc diễn ra như vậy thì tiếc cho cháu quá!”

Trong căn nhà cấp 4 trống trơn từ trước đến sau chẳng thứ gì quý giá hơn chiếc xe đạp của em Xuân Khánh. Đáng lo ngại nhất là một phần nền nhà phía bên phải bị sụp (do nền nhà cặp mé ao nên bị sạt lỡ - PV) kéo theo hàng cột bị lún, ngôi nhà bị nghiêng một bên. Bởi vậy mỗi khi trời mưa gió là cả nhà nơm nớp lo sợ nhà đổ.

Thầy Nguyễn Lê Tuấn – Phó hiệu trưởng trường THPT Thới Lai chia sẻ: “Cả 3 anh em Khôi đều là học sinh của trường nên hoàn cảnh các em nhà trường nắm rất rõ. Thời gian qua, tuy quỹ khuyến học nhà trường còn hạn hẹp nhưng cũng trích ra hỗ trợ ít tiền sách vở, cho các em. Nhưng việc ăn học của các em thì còn thiếu nhiều thứ lắm, bởi vậy để các em không phải bỏ học nửa chừng thì rất mong các nhà hảo tâm kịp thời tiếp sức cho các em. Chúng tôi tin với tinh thần ham học, tấm lòng hiếu thảo như 3 anh Khôi thì sẽ trở thành những người hữu dụng cho đất nước mai sau.”
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Bảnh Em – số nhà 269 ấp Thới Hiệp A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ.

ĐT: 01695.705.870

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

 Ngô Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm