1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Thừa Thiên Huế:

Cậu HS có nguy cơ tử vong đột ngột đã được cứu sống

(Dân trí) - Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc, em Phan Quốc Thắng, HS lớp 11 trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã được mổ đặt máy phá rung chống các cơn sốc đột ngột có thể gây tử vong bất cứ lúc nào của bệnh Brugada.

Trong thời gian qua, báo điện tử Dân trí và 2 báo bạn là Thanh Niên, Công an TPHCM đã viết bài về em Thắng. Chỉ hơn 5 ngày, số tiền ủng hộ em đã hơn 200 triệu, vừa đủ để mua một chiếc máy phá rung trị căn bệnh Brugada hiểm ác vốn đã khiến cha em đột tử và em là người ảnh hưởng từ di truyền bệnh, có thể chết bất cứ lúc nào.

Ngày 21/3 ca mổ do BS Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch và BS Tô Hưng Thụy, khoa Cấp cứu tim mạch, BV Trung ương Huế thực hiện đã thành công.
 
Vết mổ nằm ở vai trái của em Thắng, được khâu thẩm mỹ và băng lại bằng miếng dính trong Comfeel để bệnh nhân có thể tắm rửa được, không phải thay băng cắt chỉ. Máy phá rung khá lớn của công ty St Jude dòng Current 1107 nhưng được chôn sâu dưới cơ ngực lớn nên không thấy máy, sờ cũng rất khó thấy, để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Cậu HS có nguy cơ tử vong đột ngột đã được cứu sống  - 1
Máy phá rung được chôn sâu, khâu thẩm mỹ, không nhìn thấy máy ở vai trái Thắng

Theo BS Tô Hưng Thụy, người trực tiếp mổ và theo dõi máy cho biết: “Điện cực được đặt theo đường tĩnh mạch đầu cephalic nên rất an toàn, hạn chế tối đa các biến chứng gãy điện cực do xương đòn và xương sườn nghiến gãy dây điện cực (hội chứng Crushing) và không có biến chứng tràn khí màng phổi có thể gây ra do chọc vào tĩnh mạch dưới đòn. Điện cực được đặt vào vùng vách, vị trí cắm điện cực này hạn chế tối đa biến chứng thủng tim nếu cắm điện cực vào mỏm hay thành tự do".

"Tuy nhiên tuổi thọ trung bình của máy là 8 năm. Như vậy trong 8 năm tới, Thắng sẽ được an toàn, không sợ đột tử do bệnh Brugada gây nên”, bác sĩ Hưng Thụy cho biết thêm.
 
Em Thắng được xuất viện sau 1 tuần mà không có các biến chứng máu tụ vết mổ (đây là mối lo ngại khi chôn sâu máy, theo BS Tô Hưng Thụy), máy được kiểm tra hoạt động tốt trước khi xuất viện. Hiện em đã đi học lại bình thường.

Cậu HS có nguy cơ tử vong đột ngột đã được cứu sống  - 2
Thắng tươi cười bên BS Tô Hưng Thụy
 
Được biết, sau khi trường hợp của Thắng được đăng trên báo đã có rất nhiều bạn đọc gửi trực tiếp tiền về địa chỉ nhà Thắng. Riêng các thầy cô giáo, học sinh, cựu học sinh trường THPT chuyên Quốc Học Huế - nơi Thắng đang học đã ủng hộ được gần 60 triệu.

Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Hiếu sụp xuống khóc cảm ơn: “Cháu đã được các anh cứu sống rồi. Xin lạy tạ và lời ghi ơn là ân nhân của gia đình. Xin cảm ơn sâu sắc đến quý bạn đọc, nhà hảo tâm và các bác sĩ đã tận tình giúp cháu”.

Ngoài ra Thắng cũng xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể mọi người đã giúp em và đặc biệt là các bạn học, thầy cô và các bạn đọc Dân trí đã tận tình cứu em. “Em may mắn lắm khi được tất cả quan tâm. Em xúc động không biết nói gì hơn, xin cho em nợ ơn này suốt cuộc đời mình. Em sẽ cố gắng học giỏi, thi đậu ĐH để không phụ lòng yêu thương của mọi người”.

Đại Dương